Cách nhận biết bệnh đứt dây chằng chéo trước khớp gối
07/09/2020 07:16
1.Hoàn cảnh chấn thương:
– Hoàn cảnh thường gặp nhất là chấn thương trong khi chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis…), kế đến là do tai nạn giao thông (va chạm xe máy, xe đạp, ô tô…) và do tai nạn sinh hoạt (ngã trượt chân cầu thang, trên sàn nhà…).
– Cơ chế chấn thương:
+ Chủ yếu là gián tiếp (70%), thường do chấn thương trong khi chơi thể thao như: chân bị xoắn vặn đột ngột trong khi đang chạy, bàn chân bị cố định đột ngột do sa chân xuống hố hoặc bị người khác dẫm vào (đá bóng) hoặc người chơi xoay người chuyển hướng quá nhanh (tennis), hoặc do nhảy cao rồi rơi xuống tiếp đất trong tư thế chân không thuận hoặc trụ chân không chuẩn (bóng chuyền, bóng rổ).
+ Cơ chế chấn thương trực tiếp (30%) do va chạm trực tiếp vào vùng gối, hay gặp trong tình huống cản hay vào bóng (bóng đá) hoặc do tai nạn giao thông.
2. Triệu chứng lâm sàng:
– Nhiều bệnh nhân có thể nghe hoặc cảm nhận thấy tiếng “rắc” ở gối ngay sau chấn thương, sau đó là đau và sưng nề khớp gối.
– Lỏng gối: một thời gian sau khi hết đau và sưng nề khớp gối, người bệnh có thể đi lại bình thường nhưng sẽ thấy lỏng gối, thể hiện bởi những triệu chứng như:
+ Cảm giác chân yếu hoặc không thật chân khi đi lại.
+ Không thể đi bộ nhanh được, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng, thỉnh thoảng đang đi bị trẹo gối.
+ Đi lên đi xuống cầu thang khó khăn, cảm giác rất sợ khi phải đặt chân bị chấn thương xuống trước.
+ Nếu cố gắng chơi thể thao trở lại, người bệnh không thể hoặc rất khó để trụ bên chân chấn thương, không thể chạy nhanh hoặc chạy theo hình chữ chi, đôi khi đang chạy người bệnh tự ngã mặc dù không có va chạm.
– Teo cơ: đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, nhất là mặt trước do teo cơ tứ đầu đùi, đây là hậu quả của đau, lỏng gối nên người bệnh không vận động chân bị chấn thương, khi đi lại chủ yếu tỳ đè bên chân lành, dẫn đến cơ đùi càng ngày teo và chân càng yếu.
– Khi bác sĩ khám sẽ thấy một số nghiệm pháp điển hình cho đứt dây chằng chéo trước khớp gối như:
+ Dấu hiệu ngăn kéo trước.
+ Dấu hiệu Lachman.
+ Dấu hiệu Pivot shift.
3. Chẩn đoán hình ảnh:
– X-quang thông thường: thường không thấy gì đặc biệt trừ một số trường hợp có hình ảnh bong điểm bám dây chằng chéo trước hoặc mảnh sụn vỡ trong khớp.
– Cộng hưởng từ (MRI): hình ảnh mất tín hiệu, mất liên tục của dây chằng chéo trước, phù nề đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, tụ dịch trong khớp gối hoặc các tổn thương kèm theo (nếu có) của sụn chêm, dây chằng chéo sau…
4. Thái độ xử trí:
– Trên đây chỉ là một số triệu chứng điển hình của đứt dây chằng chéo trước khớp gối, tốt nhất người bệnh không nên tự điều trị bằng các phương pháp như: đắp lá, dán cao, bẻ gối… mà nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác.
– Người bệnh cần được thăm khám và tư vấn cụ thể tình trạng bệnh và hướng xử trí tiếp theo, nếu người bệnh vẫn có nhu cầu vận động, làm vững khớp gối, tránh nguy cơ thoái hóa gối sau này cũng như chơi thể thao trở lại thì chỉ định phẫu thuật là cần thiết.
Nhằm tư vấn cho người dân cách nhận biết và điều trị bệnh lý Thoái hóa khớp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến Y học Việt Đức, chủ đề “PHÁT HIỆN SỚM VÀ ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP” với sự tham gia tư vấn của PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao. Chương trình được phát vào lúc 15h00 thứ Tư (9/9/2020), trực tiếp trên fanpage (facebook.com/bvvietduc), kênh youtube (youtube.com/benhvienvietduc1906) và sẽ được phát lại trên các kênh truyền thông của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Quý khán giả đặt câu hỏi có thể comment trên fanpage chương trình để được các chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 19001902.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình
Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38