Bệnh viện sạch, mát, xanh như công viên

04/11/2019 06:57

Theo kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người bệnh năm 2018, tỷ lệ hài lòng của người bệnh về nhà vệ sinh bệnh viện tăng từ 3,58 lên 3,72 điểm trong thang điểm 5. Bộ Y tế cho biết, sau 3 năm triển khai Kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, 95% bệnh viện đạt ở mức tốt và khá.

Khu vực sảnh chờ khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức xanh mướt cây hoa. Ảnh: V.Thu

Chi tiền tỉ duy trì, bổ sung màu xanh trong bệnh viện.

 

Đến khám bệnh lý tim mạch tại Phòng khám số 2, tầng 2, nhà C4, Khu Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Việt Đức, ông Nguyễn Văn Đức (quê Hà Nam) rất yên tâm. Người đàn ông 60 tuổi vừa nghỉ hưu này không chỉ yên tâm vì chất lượng bác sĩ tại đây, mà ông còn nhìn thấy sự đổi thay ở bệnh viện nổi tiếng đông đúc bệnh nhân này.

 

“Nguyên cả tầng 2 này, tôi nhìn thấy hai dãy bồn cây cảnh xanh mướt chạy dọc hai bên hành lang, cạnh dãy ghế ngồi như sân bay. Chúng tôi ngồi chờ tới lượt khám cũng thấy thoải mái, dễ chịu, đỡ bức xúc hơn”, ông Đức nói.

 

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, để thực hiện việc phát động triển khai “Cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp” của Bộ Y tế, Bệnh viện đã đầu tư hệ thống cây xanh trong mỗi khoa phòng, tạo những “tiểu cảnh” bắt mắt cho bệnh nhân nghỉ ngơi…

 

Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, chi phí để giữ màu xanh cho bệnh viện lên tới cả trăm triệu đồng/tháng. Số tiền không hề nhỏ, nhưng là điều không thể thiếu để cung cấp không gian xanh cho bệnh nhân và nhân viên y tế cùng thụ hưởng. Nhiệm vụ “phủ xanh” cũng được giao về từng khoa phòng, tạo các góc xanh thân thiện.

 

Cũng là bệnh viện đầu tư tiền tỷ mỗi năm cho việc mua mới và chăm sóc cây xanh trong khu vực khám, chữa bệnh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (một bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn Quảng Ninh) đã níu chân bệnh nhân yên tâm điều trị. Tại đây, một màu xanh được phủ rộng. Các khu vực đón tiếp, sảnh chờ, hành lang chung đều được đặt chậu hoa, cây cảnh xanh tươi.

 

Nằm điều trị biến chứng bàn chân tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2 từ giữa tháng 10 đến nay, ông Lê Đức Hùng (62 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) cho biết, ông cảm thấy khá thoải mái, không còn sợ bệnh viện như trước nữa. Phòng bệnh sạch sẽ ngăn nắp, trang trí cây xanh thân thiện, đặc biệt nhà vệ sinh không có mùi hôi. Ở đây, nhà vệ sinh cũng được chia rõ nam – nữ riêng biệt, có gắn biển, trang bị giấy vệ sinh, thùng rác đầy đủ, xà phòng. Nhân viên vệ sinh lau dọn liên tục nên không hề có mùi hôi. Ngoài ra, Bệnh viện còn xây dựng khu vệ sinh riêng dành cho người tàn tật. Ông Hùng gọi điện cho người nhà, khoe lớn: “Bệnh viện gì mà sạch như công viên”. Ba năm trước, Bệnh viện Nội tiết Trung ương được Bộ Y tế chọn là đơn vị thí điểm mô hình Bệnh viện xanh – sạch – đẹp. Đến nay, nhiều bệnh viện trên cả nước đã theo hướng cải thiện điều kiện nhà vệ sinh cho bệnh nhân.

 

Tại các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, E, Trung ương Huế… nhà vệ sinh cũng sạch sẽ hơn, thậm chí còn có vòi rửa tay cảm ứng, máy sấy khô tay. Nhân viên vệ sinh không chỉ “tua” một vòng các hành lang buồng bệnh mà còn túc trực dọn vệ sinh đảm bảo nhà vệ sinh bệnh nhân không có mùi. Ngoài dọn dẹp, nhân viên y tế cũng nhắc nhở, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh giữ gìn vệ sinh, sau khi đi vệ sinh phải rửa tay sát khuẩn.

 

Không chỉ tại Bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh, ở tuyến huyện, nhiều bệnh viện cũng đầu tư nhiều cho xây dựng xanh – sạch – đẹp – thân thiện. Tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu (Nam Định), một màu xanh phủ khắp khuôn viên hơn 40.000m2. Không chỉ trong khu vực khám chữa bệnh, Bệnh viện còn xây dựng đài phun nước, khu sinh thái gồm hồ sen, nhiều cây xanh, cây ăn quả… rất thoáng đãng. Trước khu vực khám bệnh, hay hành lang của các khoa phòng, các dãy ghế chờ được xếp ngay ngắn, sạch sẽ với hệ thống quạt mát để phục vụ người dân. Bồn rửa tay đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn bệnh viện, được trang bị ở khắp các hành lang, khoa phòng…

 

Bệnh viện không còn “mùi đặc trưng”.

 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khi thị sát các bệnh viện, bà luôn có thói quen vào nhà vệ sinh để kiểm tra bởi những chi tiết nhỏ sẽ quyết định chất lượng cơ sở y tế, quyết định việc chăm sóc từ chi tiết nhỏ nhất cho người bệnh ra sao. “Cái nhỏ nhất, nhưng nó thể hiện diện mạo của bệnh viện, sự chăm sóc cho bệnh nhân từ những sinh hoạt hàng ngày thiết yếu nhất. Nhà vệ sinh bệnh viện sạch, chắc chắn phòng ốc, khoa phòng cũng sẽ sạch”, Bộ trưởng cho hay. Vì thế, người đứng đầu ngành Y tế cũng yêu cầu, tiêu chí nhà vệ sinh sạch là một điểm quan trọng khi chấm chất lượng bệnh viện. “Không thể vẫn để tình trạng nhà vệ sinh bẩn mà vẫn đạt điểm chất lượng bệnh viện cao”, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhà vệ sinh bệnh viện ngày càng sạch hơn, không còn “mùi đặc trưng” như trước đây. Ngoài đảm bảo giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay, sàn nhà vệ sinh sạch sẽ, nhiều bệnh viện còn đặt thêm cây xanh trang trí. “Nhất là trong bệnh viện, đảm bảo được vấn đề nhà vệ sinh sạch, giường chiếu sạch, phòng bệnh sạch, bàn tay sạch sẽ góp phần đảm bảo công tác an toàn người bệnh, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, đi chữa bệnh lại bị nhiễm bệnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

 

Theo kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người bệnh năm 2018, tỷ lệ hài lòng của người bệnh về nhà vệ sinh bệnh viện tăng từ 3,58 lên 3,72 điểm trong thang điểm 5. Tuy nhiên, cải thiện tích cực chủ yếu đang diễn ra ở những bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tại các thành phố lớn.

 

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, sau 3 năm triển khai Kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, 95% bệnh viện đạt ở mức tốt và khá. So với năm 2017, tỷ lệ bệnh viện được đánh giá xanh – sạch – đẹp loại tốt năm 2018 tăng gần 12%.

 

Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo xác định rất rõ việc cơ sở y tế muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh phải gắn liền với việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. “Cán bộ y tế chúng tôi gắn bó với không gian bệnh viện mỗi ngày, bệnh viện xanh – sạch – đẹp tạo sự hài lòng cho người bệnh nhưng nhân viên y tế trước hết được hưởng lợi từ không gian xanh này”, TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhìn nhận.

 

Vì thế, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, từ số lượng cây xanh đầu năm 2017 có 279 cây, đạt 69,75% (bao gồm cả cây trồng trong nhà), đến hết năm đã có gần 400 cây, đạt hơn 91% theo quy hoạch cây xanh, đạt số điểm tối đa 15/15 về nội dung xanh. Kế hoạch bổ sung cây xanh trong bệnh viện luôn được chú trọng trong các kế hoạch hoạt động tại bệnh viện nổi tiếng về chất lượng điều trị này.

 

Quỳnh An/ Báo Giadinh.net

 

 

 

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook