Bệnh nứt kẽ hậu môn

19/09/2018 09:36

Nứt kẽ hậu môn là gì?

 

Nứt kẽ hậu môn (nứt hậu môn) là một vết rách nhỏ nằm ở ống hậu môn và gây đau, chảy máu khi đại tiện. Nứt kẽ hậu môn thường xuyên xảy ra trong mỗi chúng ta, và thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở vùng hậu môn, như bệnh trĩ.

Vết nứt kẽ hậu môn mãn tính (ổ loét, da thừa, và ú nhú hậu môn)

Những triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn

 

Triệu chứng điển hình của bệnh nứt kẽ hậu môn là đại tiện rất đau và đau thường kéo dài vài phút đến vài giờ sau khi đại tiện, có những bệnh nhân đau cả ngày. Bệnh nhân cũng có thể đại tiện ra máu đỏ tươi. Một số bệnh nhân đau từ lần đại tiện này sang lần đại tiện sau. Bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn thường sợ, không dám đại tiện vì đau.

 

Nguyên nhân nào gây ra nứt kẽ hậu môn?

 

Nguyên nhân gây ra nứt kẽ hậu môn là do những chấn thương ở vùng ống hậu môn hoặc hậu môn bị giãn quá căng khi đại tiện. Cục phân rắn thường là nguyên nhân gây ra những chấn thương này. Nhưng phân lỏng khi bị tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn. Những bệnh nhân có cơ thắt hậu môn (cơ vòng hậu môn) chặt thường có nguy có mắc bệnh nứt kẽ hậu môn cao hơn. Tăng độ chặt của cơ thắt hậu môn làm cho máu vào nuôi vùng bị tổn thương kém và ảnh hường đến quá trình liền vết thương. Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng việc làm mềm phân, làm cơ thắt hậu môn lỏng hơn để giúp vết thương liền tốt hơn.

 

Một số nguyên nhân khác như các trường hợp viêm, nhiễm khuẩn hay u vùng hậu môn cũng gây nên nứt kẽ hậu môn. Nứt kẽ hậu môn có thể là cấp tính (mới bị) hoặc mãn tính (xuất hiện 1 thời gian dài). Nứt kẽ mãn tính thường điều trị khó khăn hơn. Những bệnh nhân bị nứt kẽ mãn tính thường có da thừa ở vùng hậu môn, và những u nhú nhỏ nằm ở trong ống hậu môn.

 

Điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn như thế nào?

 

Phần lớn bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn không cần phải phẫu thuật. Bệnh nhân nứt kẽ hậu môn cấp thường được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn, nhiều chất xơ, uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để phân mềm, khuôn hơn. Sử dụng những thuốc đặt tại chỗ để giảm đau, kháng viêm và ngâm hậu môn vào nước ấm 10-20 phút, nhiều lần trong ngày (đặc biệt sau khi đại tiện) sẽ làm dịu và lỏng cơ thắt hậu môn, do đó giúp quá trình liền vết thương tốt hơn.

 

Một số thuốc bôi, đặt tại chỗ (nitroglicerin, nifedipine, diltiazem) có thể được sử dụng để làm cho cơ thắt lỏng hơn. Sử dụng thuốc này phải được kê đơn và hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa hậu môn trực tràng.

 

Những bệnh nhân với vết nứt kẽ mãn tính, thường điều trị nội khoa không hiệu quả, tái phát và phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng phương phương pháp mở cơ thắt trong bán phần

Liệu nứt kẽ hậu môn có tái phát không?

 

Những vết nứt kẽ hậu môn thường rất dễ tái phát. Sau khi điều trị khỏi, bệnh thường tái phát sau khi đại tiện phân rắn hoặc do những nguyên nhân chấn thương khác. Khi đã điều trị khỏi, đại tiện hết đau và chảy máu thì việc duy trì chế độ ăn và sinh hoạt để không bị táo bón là rất quan trọng để tránh tái phát. Nếu bệnh tái phát bệnh nhân cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa hậu môn trực tràng để khám và điều trị.

 

Có cách nào để chẩn đoán chính xác bệnh nứt kẽ hậu môn không?

 

Câu trả lời là KHÔNG. Chẩn đoán bệnh nứt kẽ hậu môn chủ yếu dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng (đại tiện đau, chảy máu đỏ tươi). Soi đại tràng ống mềm, hoặc đo áp lực hậu môn là những phương pháp để xác định nguyên nhân và loại trừ các bệnh phối hợp khác (viêm loét, ung thư đại trực tràng…)

 

Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn như thế nào?

 

Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn bằng phương pháp mở một phần cơ thắt hậu môn. Mục đích của phương pháp này là làm cho cơ thắt hậu môn lỏng hơn, giảm đau, giảm co thắt và giúp quá trình liền sẹo diễn ra tốt hơn. 90% bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này sẽ khỏi bệnh. Tất cả các phẫu thuật đều có tỷ lệ biến chứng nhất định. Một số ít bệnh nhân có thể sẽ bị giảm khả năng kiểm soát của cơ thắt hậu môn với khí hoặc phân lỏng.

 

Nứt kẽ hậu môn có thể dẫn đến ung thư không?

 

Câu trả là là KHÔNG. Đại tiện đau và chảy máu cũng là những dấu hiệu của 1 số bệnh khác của đường tiêu hoá, và ung thư đại trực tràng. Khi có những dấu hiệu này bệnh nhân cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa hậu môn trực tràng để được khám, chẩn đoán và điệu trị hiệu quả.

 

BÁC SỸ PHẪU THUẬT CHUYÊN KHOA HẬU MÔN TRỰC TRÀNG LÀ AI?

 

Phẫu thuật viên chuyên khoa đại trực tràng là chuyên gia trong điều trị các bệnh về đại trực tràng và hậu môn bằng phẫu thuật hoặc không cần phẫu thuật. Họ được đào tạo và đã hoàn thành các khoá huấn luyện chuyên sâu về điều trị những bệnh này. Họ được đào tạo và trang bị đầy đủ các kiến thức về chẩn đoán, điều trị những bệnh lành tính cũng như ác tính của đại trực tràng. Luôn có thể thực hiện thành thạo các thủ thuật và phẫu thuật điều trị những bệnh đại trực tràng và hậu môn.

 

Ths.Bs Phạm Phúc Khánh/Trung tâm hậu môn trực tràng và tầng sinh môn

Tagged in: Tags: