Bệnh lý van hai lá và những điều cần biết

01/04/2024 07:54

 

1. Bệnh van hai lá là gì?

 

Bệnh van hai lá là một nhóm bệnh lý ảnh hưởng lên van hai lá của bạn. Bệnh van hai lá có thể là mắc phải (thường ở bệnh nhân lớn tuổi) hoặc do bẩm sinh (thường gặp bệnh nhân nhỏ tuổi).

 

Bệnh có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng. Cách điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương van cũng như mức độ triệu chứng của bệnh nhân.

 

Van hai lá là van tim nằm bên buồng tim trái cho phép máu chảy 1 chiều từ buồng nhĩ trái xuống buồng thất trái. Khi van hai lá bị tổn thương, nó không thể hoạt động đóng mở tốt. Nếu tổn thương nhẹ có thể không gây triệu chứng, nhưng tổn thương nặng có thể gây hại cho tim theo thời gian và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như suy tim.

 

Bệnh van hai lá có nhiều dạng tổn thương khác nhau. Một số bệnh nhân có thể có nhiều dạng tổn thương phối hợp.

 

2. Bệnh van hai lá gồm những bệnh lý gì?

 

Hẹp van hai lá: lá van, mép van trở nên dày, cứng làm hep lỗ van khiến máu khó đi qua hơn.

 

– Sa van hai lá: lá van, dây chằng  quá có giãn và đẩy vào buồng nhĩ trái của bạn. Điều này ngăn cản van đóng một cách bình thường. đôi khi dẫn đến hở van.

 

– Hở van hai lá: Thường được hiểu là van hai lá bị rò, đóng không kín hay gọi là “suy van hai lá”. 2 lá van có thể bị kéo xa nhau không thể đóng kín hoàn toàn, dẫn đến một lượng máu trào ngược lại buồng tâm nhĩ trái.

 

 

3. Ai có thể mắc bệnh van hai lá?

 

Tất cả mọi người đều có thể bị mắc. Một số trẻ mới sinh ra đã có vấn đề về van hai lá. Người lớn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng trong tim hoặc thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên thông thường, người lớn sẽ phát triển bệnh van hai lá theo thời gian khi van bị thoái hóa dần.

 

4. Bệnh van hai lá có phổ biến không?

 

Bệnh van hai lá là bệnh lý phổ biến, hơn các bệnh lý van tim khác. Ở Việt Nam hay gặp bệnh lý van hai lá hậu thấp. Còn ở nước phát triển, hay gặp do nguyên nhân thoái hóa. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỉ lệ mắc. Ở Mỹ 1/100000 mắc hẹp hai lá, 1/33 người mắc sa van hai lá, 1/20 người có dòng trào ngược ở van tim, trong đó hay gặp nhất là ở van hai lá.

 

5. Triệu chứng:

 

Triệu chứng phụ thuộc vào dạng bệnh van hai lá cũng như mức độ nặng của bệnh. Bạn có thể không có triệu chứng gì, nhưng nếu có thì hay gặp các triệu chứng:

 

Đau ngực

 

Ho

 

Khó thở

 

Mệt

 

Hồi hộp đánh trống ngực

 

Đau đầu, chóng mặt

 

Hạ huyết áp tư thế

 

Phù chân

 

6. Nguyên nhân gây bệnh van hai lá:

 

Bệnh lý tim bẩm sinh:  một số trẻ sinh ra đã mắc bệnh van hai lá. Nó có thể nhẹ hoặc nặng, đôi khi phải phẫu thuật cấp cứu ngay sau sinh.

 

Rối loạn mô liên kết: Hội chứng Marfan, Ehlers – Danlos.

 

– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

 

Giãn buồng tim trái: do bệnh cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ.

 

Thoái hóa van ở người lớn tuổi: Khi bệnh nhân lớn tuổi, van bị vôi, thoái hóa do calci tích tụ trên van tim.

 

Thấp khớp cấp: Khi mắc bệnh lý này, nếu không điều trị có thể gây tổn thương van tim. Quá trình này có thể diễn ra hàng năm, thậm chí hàng chục năm sau nhiễm trùng. Đây là nguyên nhân phổ biến gây hẹp hai lá ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

7. Bệnh van hai lá nguy hiểm như thế nào?

 

Bệnh nhân bệnh van hai lá nếu không phất hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm như suy tim, loạn nhịp tim (rung nhĩ), giãn các buồng tim, hình thành huyết khối trong buồng tim (chủ yếu ở nhĩ trái, tiểu nhĩ trái) gây biến cố thuyên tắc mạch như đột quỵ, thiếu máu cấp tính chi, thiếu máu ruột…

 

8. Bệnh van hai lá được chẩn đoán như thế nào?

 

Qua hỏi bệnh về tiền sử, triệu chứng bệnh nhân có, khám tim mạch và  dựa trên một số cận lâm sàng: điện tâm đồ, Xquang ngực, siêu âm tim bác sĩ chẩn đoán , mức độ bệnh của bạn.

 

9. Điều trị bệnh van hai lá như thế nào?

 

Phụ thuộc vào triệu chứng của bạn. Nếu bạn không có triệu chứng thì không cần điều trị. Nếu bạn triệu chứng thì bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị.

 

Nội khoa: Bác sĩ sẽ kê thuốc cho bạn để giảm triệu chứng, tuy nhiên không thể điều trị khỏi bệnh bao gồm: Thuốc hạ huyết áp nếu có cao huyết áp, thuốc giảm nhịp tim nếu nhịp tim nhanh, thuốc lợi tiểu nếu có phù và thừa dịch, thuốc chống đông nếu có loạn nhịp, huyết khối trong buồng tim.

 

Nong bóng qua da: Dành cho bệnh nhân hẹp khít van hai lá và có đủ điều kiện để nong bóng, bệnh nhân tránh được cuộc mổ.

 

Phẫu thuật sửa van hoặc thay van hai lá: sau mổ, bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông với thời gian 3-6 tháng với van sinh hoăc hoặc sau sửa van hai lá có vòng van. Dùng suốt đời nếu thay van cơ học.

 

Can thiệp: Kẹp mitra clip đố với hở hai lá, thay van hai lá qua đường ống thông ở những bệnh nhân già yếu, nhiều bệnh nền, nguy cơ phẫu thuật cao.

 

Trung tâm Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Tim mạch và Lồng ngực uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags: