Gãy Monteggia ở trẻ em và các di chứng

20/10/2023 08:06

Cẳng tay gồm có 2 xương: Xương quay và xương trụ. Gãy trật Monteggia là gãy thân xương trụ và trật khớp quay trụ trên và một phần cấu trúc khớp khuỷu. Gãy trật Monteggia là một trong những tổn thương không thường gặp trong bệnh lý chấn thương ở trẻ em, việc chẩn đoán và điều trị sớm mang lại những kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu việc điều trị không đúng có thể gây ra tình trạng trật đài quay mạn tính, đây là một tổn thương ít gặp, phương pháp điều trị còn nhiều khó khăn do tổn thương để muộn, sự biến đổi giải phẫu xương cẳng tay và cánh tay dẫn đến sự hạn chế vận động khớp khuỷu và sấp ngửa cẳng bàn tay.

 

TS.BS Phan Bá Hải – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết: Tai nạn trẻ ngã chống tay trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Đôi lúc chấn thương nhẹ, trẻ đau thoáng trong một thời gian ngắn, dẫn đến bỏ sót thương tổn.

 

Khám lâm sàng: Tay trẻ sau chấn thương đau và hạn chế vận động, trẻ lớn có thể thấy tư thế giảm đau bằng chi lành đỡ chi đau, khuỷu sưng nề các mức độ. Khi có trật đài quay có thể gây biến chứng liệt tạm thời thần kinh quay, dẫn đến không duỗi được ngón tay và cổ tay.

 

Chẩn đoán hình ảnh dựa vào XQ khuỷu thẳng và nghiêng khi trục xương quay không đi qua tâm chỏm con xương cánh tay.

 

 

Điều trị gãy Monteggia ở trẻ em đến sớm chủ yếu là nắn chỉnh bất động bột. Phương pháp này có thể thực hiện ở các cơ sở y tế, mang lại hiệu quả. Thông thường khi điều trị xương trụ về đúng giải phẫu, đài quay cũng sẽ về đúng vị trí, bất động bột được duy trì khoảng 4 – 6 tuần rồi tập luyện phục hồi chức năng gấp – duỗi khuỷu, sấp ngửa cẳng tay.

 

Điều trị đúng và sớm thường mang lại kết quả cao, tuy nhiên nếu cấu trúc giải phẫu xương trụ không đạt, hoặc khớp không được bất động đủ thời gian, đài quay có thể bị trật và nếu tình trạng trật lớn hơn 4 tuần được coi là trật đài quay mạn tính. Điều này dẫn đến sự hạn chế vận động khuỷu (đặc biệt tư thế gấp khuỷu), mất vững khớp, biến dạng hoại tử đài quay, sự cốt hoá bất thường xương quay, ảnh hưởng đến quá trình phát triển xương của trẻ. Chính vì vậy khi bệnh nhân đã được chẩn đoán trật đài quay mạn tính cần chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt.

 

Một số phương pháp điều trị phẫu thuật: Chỉnh trục xương trụ, đặt lại đài quay, có hoặc không tái tạo dây chằng vòng. Một số tác giả khuyên cắt bỏ đài quay khi tình trạng biến dạng đài quay nhiều, thay đổi cấu trúc giải phẫu do đến muộn, cắt ngắn xương quay hoặc cắt ngắn xương quay phối hợp với chỉnh trục xương trụ. Hầu hết các phẫu thuật viên đều khuyên tái tạo lại dây chằng vòng sau khi đặt lại được đúng vị trí đài quay như lấy dải cân cẳng tay, dải cân cơ tam đầu, hoặc sử dụng một chẽ cân của cơ nhị đầu cánh tay, các tác giả theo dõi trong thời gian dài đều cho kết quả tốt.

 

Trẻ sau ngã có đau vùng khuỷu, hạn chế vận động khớp cần cho đến các cơ sở y tế thăm khám và chụp phim kiểm tra. Sau điều trị nắn bó bột cần đến khám lại định kỳ và tập luyện phục hồi chức năng theo hướng dẫn cùa thầy thuốc.

 

Phòng Công tác xã hội

 

Tagged in: Tags: