Ngắn hãm lưỡi – Thủ phạm khiến trẻ nói ngọng và khó phát âm
04/02/2022 10:26
Ngắn hãm lưỡi (hay thắng lưỡi, phanh lưỡi) là một dị tật bẩm sinh do hãm lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) xơ và ngắn làm hạn chế cử động của lưỡi.
ThS.BS Hồng Quý Quân – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Ở trẻ sơ sinh nếu được khám sàng lọc đầy đủ có thể dễ dàng chẩn đoán được bệnh lý này. Khi trẻ bú mẹ khó khăn, có tiếng kêu do lưỡi không ngậm chặt được đầu ngực. Ở trẻ lớn thường được phát hiện khi đi khám vì nói ngọng, trẻ khó phát âm các âm phải uốn lưỡi như L; khám thấy lưỡi không thè dài được, không uốn được lên trên vòm khẩu cái, đầu lưỡi không nhọn mà vuông, thậm chí đầu lưỡi bị kéo xẻ thành hình tim.
Ngắn hãm lưỡi gây nhiều khó khăn cho trẻ. Khi trẻ bú khó khăn và sặc do ngắn hãm lưỡi sẽ làm giảm tiếp thu của trẻ, khiến trẻ chậm lớn. Bên cạnh đó, các răng cửa hàm dưới sẽ bị đẩy ra trước gây thưa và hô do lưỡi không uốn lên được và đẩy vào răng cửa hàm dưới; trẻ còn gặp tình trạng khó phát âm và nói ngọng.
Cắt hãm lưỡi là một phẫu thuật nhẹ nhàng và nhanh chóng nên được thực hiện sớm tránh các ảnh hưởng xấu đến việc phát âm và thẩm mỹ của trẻ, với những trẻ nhỏ dưới 6 tháng có thể tiểu phẫu để cắt hãm lưỡi, với các trẻ lớn thì cần gây mê nhẹ để ngủ trước khi tiến hành phẫu thuật.
Phòng Công tác xã hội
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38