Gia tăng bệnh nhân phình động mạch chủ nhập viện
25/01/2021 15:51
Từ đầu tháng 11 cho tới nay, mỗi ngày Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ba ca đại phẫu do phình động mạch chủ.
Thời tiết lạnh là yếu tố làm tăng nặng thêm nhiều bệnh lý ở những người có bệnh lý nền. Các bệnh liên quan huyết áp cao, mỡ máu dẫn tới đột quỵ, phình động mạch chủ được ghi nhận gia tăng trong những ngày lạnh vừa qua.
Bệnh nhân N. (40 tuổi, Nghệ An) bị mỡ máu cao đã vài năm nay nhưng anh không nghĩ có thể dẫn tới xơ vữa động mạch chủ, nặng có thể vỡ động mạch chủ và tử vong. Anh N. không uống thuốc hay có chế độ ăn uống phù hợp. Đầu tháng 1, anh thấy có cơn đau nhói từ sau lưng tới vùng bụng, nôn mửa thì gia đình đưa anh vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An. Anh được chẩn đoán bị phình động mạch chủ tuýp A và được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kịp thời.
Nằm cùng phòng với anh N là bệnh nhân C. (70 tuổi). Ông có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp từ lâu. Tuần trước, khi đang lưu thông trên đường, ông C. thấy cơ thể bị nhiễm lạnh. Tới nhà, ông bị đau quặn bụng, từ lưng xuyên sang ngực. Ông được nhập viện trong tình trạng cấp cứu là vì do bệnh cao huyết áp dẫn tới phình động mạch chủ. Ông cũng may mắn được cứu chữa kịp thời.
PGS, TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân phình động mạch chủ thường nhầm với các triệu chứng đau bụng thông thường, vì vậy họ chủ quan không đến bệnh viện khám sớm. Bệnh liên quan tới người bị cao huyết áp, mỡ máu và đặc biệt thời tiết lạnh bệnh thường trở nặng và nếu uống rượu bia thì nguy cơ tử vong lại càng cao.
Bệnh phình động mạch chủ đa phần diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe hoặc nhiều khi bệnh nhân tự sờ thấy khối ở bụng rồi đi khám. Phình động mạch chủ khi có triệu chứng thường là đã có biến chứng hoặc nguy cơ xảy ra biến cố cao.
Diễn biến của bệnh phình động mạch chủ nhanh và khó lường so với các bệnh về tim mạch. Thực tế, có không ít bệnh nhân đến được bệnh viện nhưng không kịp phẫu thuật đã vỡ động mạch và tử vong.
Với những trường hợp cứu được thì họ sẽ phải trải qua cuộc phẫu thuật tốn nhiều công sức, trí tuệ, thời gian với tỷ lệ tử vong là 15-20% khi thực hiện phẫu thuật. Chi phí cho cuộc đại phẫu thuật này từ 150 triệu đến 400 triệu/một ca.
BS Nguyễn Tùng Sơn, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực cho biết, với những trường hợp lóc động mạch chủ tuýp A, tỷ lệ tử vong trong vòng 24 giờ đầu tới 50%. Vì thế, việc chẩn đoán xác định ban đầu rất quan trọng và nhanh chóng gửi bệnh nhân tới cơ sở có khả năng phẫu thuật, can thiệp để có hướng xử lý kịp thời.
BS Tùng Sơn nhấn mạnh, quan trọng nhất để dự phòng bệnh phình động mạch chủ là phải dự phòng sức khỏe ban đầu, kiểm soát huyết áp, cân nặng, mỡ máu và đi khám sức khỏe định kỳ. “Bệnh phình động mạch chủ rất nguy hiểm, vì vậy có dấu hiệu đau bụng, tức ngực, người bệnh cần đến các cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt”, BS Tùng Sơn nói.
Theo PV Thiên Lam/Báo Nhân dân
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38