Các phương pháp chẩn đoán Xoắn tinh hoàn

18/11/2020 13:41

1.Khám lâm sàng

 

Khám lâm sàng rất cần thiết nhưng không phải hoàn toàn trong chẩn đoán xoắn tinh hoàn cấp tính. Bên cạnh đó, khám lâm sàng có thể khó để thực hiện vì tinh hoàn nhạy cảm và người bệnh thường cảm thấy rất khó chịu. Người bệnh có thể bị tràn dịch màng tinh hoàn hoặc phù nề bìu nặng, khiến việc khám tinh hoàn khó khăn hơn.

 

Xoắn tinh hoàn trước sinh biểu hiện bằng một khối cứng chắc ở bìu, không cho ánh sáng xuyên qua như trong bìu của một đứa trẻ khác. Da bìu được cố định với bộ phận sinh dục bị hoại tử.

 

Bệnh nhân xoắn tinh hoàn có biểu hiện: Đau dữ dội một bên bìu lan lên bẹn và cả vùng chậu, tinh hoàn sưng, đau, treo cao, nằm ngang bất thường và mất phản xạ cơ bìu. Phản xạ cơ bìu không có hoặc bị giảm đi ở bệnh nhân xoắn tinh hoàn có thể giúp chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây đau bìu cấp khác. Dấu hiệu Prehn âm tính (giảm đau khi nâng tinh hoàn lên) là một dấu hiệu của xoắn tinh hoàn.

 

Các triệu chứng khác có thể có bao gồm:  Buồn nôn hoặc nôn; Bìu sưng đỏ; Phù nề toàn bộ vùng bìu; Sốt (không thường gặp).

 

2.Chẩn đoán cận lâm sàng

 

Chẩn đoán hình ảnh

 

Siêu âm Doppler màu tinh hoàn 2 bên để đánh giá lưu lượng mạch máu động mạch tinh hoàn và cung cấp thông tin về giải phẫu và các bất thường khác của tinh hoàn.

 

Những phát hiện trên siêu âm gợi ý xoắn tinh hoàn gồm có:

 

– Không có hoặc giảm lưu lượng máu đến tinh hoàn.

 

– Giảm tốc độ dòng máu trong các mạch máu bên trong tinh hoàn.

 

– Tăng sức cản động mạch trong tinh hoàn.

 

– Giảm tưới máu với dòng chảy có sức cản thấp (Xoắn 1 phần tinh hoàn).

 

Các xét nghiệm cận lâm sàng khác

 

– Xét nghiệm nước tiểu: Thường xét nghiệm nước tiểu bình thường, giúp chẩn đoán phân biệt với nhiễm trùng đường tiết niệu.

 

– Xét nghiệm máu: Công thức máu có thể bình thường. Tuy nhiên, số lượng bạch cầu tăng cao ở 60% bệnh nhân bị xoắn.

 

Chẩn đoán phân biệt

 

Các bệnh lý cần được xem xét để chẩn đoán phân biệt với bệnh xoắn tinh hoàn bao gồm:

 

– Xoắn phần phụ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn.

 

– Viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn.

 

– Tràn dịch màng tinh hoàn.

 

– Nang thừng tinh.

 

– Thoát vị bẹn.

 

– Khối u tinh hoàn.

 

– Phù nề vùng bìu.

 

– Chấn thương tinh hoàn.

 

– Tụ máu bìu do chấn thương.

 

Xoắn phần phụ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn thường xảy ra ở các trẻ từ 7-12 tuổi. Triệu chứng toàn thân rất hiếm. Thường đau khu trú ở cực trên của tinh hoàn.

 

Viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn thường xảy ra do nhiễm trùng tiết niệu hoặc nhiễm trùng do quan hệ tình dục do lậu hoặc Chlamydia,… Bệnh nhân thường có các triệu chứng viêm đường tiết niệu.

 

Tràn dịch màng tinh hoàn, nang thừng tinh, thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ thường kết hợp với bệnh lý ống phúc tinh mạc. Thường bệnh nhân không đau, xuất hiện khối sưng to vùng bẹn bìu.

 

Trong các trường hợp phù nề vùng bìu thì tinh hoàn thường không đau, kích thước và ví trí bình thường.

 

Ngoài ra có thể chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác như:

 

– Viêm ruột thừa.

 

– Viêm tấy lan tỏa tầng sinh môn.

 

– Nang mào tinh hoàn.

 

– Giãn tĩnh mạch tinh.

 

PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học

 

 

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook