Co giật, giảm trí nhớ, giảm thị lực: Những dấu hiệu thường gặp của bệnh lý u não bậc thấp

18/05/2020 07:05

U não tế bào thần kinh đệm là gì?

 

U tế bào thần kinh đệm ở não là u nguyên phát phát triển từ tế bào thần kinh đệm. Đây là các loại u tiến triển chậm, giải phẫu bệnh lý thuộc độ I hoặc độ II (theo phân loại của tổ chức y tế thế giới), gặp ở mọi lứa tuổi.

 

Triệu chứng u não thần kinh đệm bậc thấp?

 

U tiến triển chậm, tuỳ thuộc vị trí u mà biểu hiện khác nhau như:

 

– Hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, nhìn mờ.

 

– Dấu hiệu tổn thương hoặc chèn ép thần kinh sọ: giảm thị lực, nhìn đôi, lác, mất ngủ.

 

– Co giật

 

– Giảm trí nhớ, thay đổi hành vi tính cách.

 

Chẩn đoán

 

– Triệu chứng lâm sàng gợi ý bệnh nhân đến khám tại cơ sở chuyên khoa sâu của thần kinh.

 

– Chụp Cộng hưởng từ sọ não là chỉ định được khuyến cáo cho các trường hợp có biểu hiện lâm sàng gợi ý trên. Phương pháp này giúp chẩn đoán xác định u não.

Khối u tế bào thần kinh đệm vị trí hồi trán dưới bên phải.

– Hiện nay tại các trung tâm lớn về phẫu thuật thần kinh, cộng hưởng từ sử dụng các khảo sát sâu hơn để tăng giá trị chẩn đoán và tiên lượng điều trị như: cộng hưởng từ phổ, cộng hưởng từ tưới máu, cộng hưởng từ chức năng.

Khối u thần kinh đệm vị trí thuỳ chẩm trái (mũi tên) trên cộng hưởng từ tưới máu.

– Giải phẫu bệnh lý: kết quả giải phẫu bệnh thường có sau 7 – 10 ngày sau mổ, giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng giúp tiên lượng và đưa ra kế hoạch điều trị tiếp theo sau mổ.

 

Điều trị:

 

Phẫu thuật

 

– Phẫu thuật mục đích cắt bỏ khối u hoặc sinh thiết chẩn đoán và giúp xây dựng kế hoạch điều trị.

 

– Tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước khối u, phẫu thuật viên có thể lựa chọn các kỹ thuật mổ như sau:

 

• Phẫu thuật mở nắp sọ kinh điển.

 

• Phẫu thuật ít xâm lấn mở nắp sọ lỗ khoá.

 

• Sinh thiết độ chính xác cao dưới khung định vị hoặc định vị dẫn đường.

 

Theo dõi:

 

Tất cả các bệnh nhân có khối u tế bào thần kinh đệm đều phải được tái khám và theo dõi lâu dài.

 

Theo dõi là một lựa chọn điều trị với một số trường hợp:

 

– U tiến triển chậm tại các vị trí chức năng thần kinh quan trọng như: vùng vận động, trí nhớ, thị giác, ngôn ngữ.

 

– U tồn dư hoặc tái phát tại các vị trí có chức năng thần kinh quan trọng

 

– Tuổi cao và bệnh lý kèm theo là yếu tố cân nhắc có phẫu thuật được hay không.

 

Hoá chất và tia xạ

 

– Phụ thuộc kết quả giải phẫu bệnh lý sau mổ để đưa ra phác đồ điều trị tia xạ, hoá chất phù hợp với bệnh nhân. Chỉ định điều trị với các bệnh nhân u tế bào thần kinh đệm độ 2 ( theo phân loại của tổ chức y tế thế giới)

 

– Mục đích nhằm giảm nguy cơ tái phát u, u tồn dư sau mổ.

 

Ths. Bs Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật thần kinh 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Tagged in: Tags: