Kỳ cuối: Giành giật sự sống cho người bệnh
02/08/2018 16:11
Khi những phẫu thuật viên cởi găng tay, trút bỏ bộ đồ phẫu thuật, kết thúc công việc, bước ra khỏi phòng mổ thì bác sĩ gây mê lại tiếp tục đưa bệnh nhân về phòng hồi sức. Ở đây, cuộc chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân còn lâu dài và gập ghềnh thách thức…
Áp lực
Sau mổ là thời điểm bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, bất cứ sai lầm nào trong chăm sóc đều phải trả giá bằng sinh mạng. Một thay đổi nhỏ trong các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân cũng đôi lúc khiến bác sĩ gây mê hồi sức toát mồ hôi lạnh. Trong một lần trò chuyện, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ: “Chính các bác sĩ trong bệnh viện gọi họ là những người đứng mũi chịu sào “Nơi đầu sóng ngọn gió” bởi chỉ bệnh nhân cực nặng, cận kề cái chết mới chuyển về đây điều trị. Thật không quá lời khi ví họ như những chiến binh thầm lặng”. Cuộc chiến của các chiến sĩ áo trắng luôn ở tình trạng gay cấn, diễn ra liên tục từng giây phút, từng giờ và kéo dài bất kể ngày nghỉ.
Áp lực là trạng thái mà các bác sĩ và điều dưỡng gây mê hồi sức thường xuyên đối mặt. Sự di chuyển liên tục của những nhân viên y tế, tiếng tít tít, rì rầm lúc nhanh lúc chậm từ máy móc, mùi thuốc sát trùng đặc trưng khiến ai không quen sẽ có cảm giác chóng mặt. Thoáng thấy điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thảo (đã nói ở kỳ trước) làm vệ sinh cho bệnh nhân hôn mê sâu, thoắt cái, lại thấy cô cùng điều dưỡng trưởng Khang Thị Diên chăm sóc cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não cực nặng nằm
bất động.
Phòng kín bệnh nhân. Họ nằm đó trong im lặng, tuyệt đối phó mặc sinh mệnh của mình cho những người xa lạ. Thấy tôi không giấu được sự ngạc nhiên và tò mò, PGS.TS Trịnh Văn Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa khẽ bảo: “Ở đây bác sĩ phải cho thuốc bệnh nhân từng giờ, bệnh nhân được theo dõi từng phút. Điều dưỡng sẽ chăm sóc toàn diện cho họ”. Nhìn những thân hình được kết nối chằng chịt với dây truyền dịch, ống thở máy, truyền máu quanh người cũng đủ hiểu mức độ bệnh nặng đến đâu và mỗi ngày trôi qua với các nhân viên y tế ở đây không còn tính bằng sáng, trưa, chiều, tối, mà thay vào đó bằng những tiến triển của người bệnh. Một điều dưỡng thường được giao phụ trách 3 hoặc 4 giường bệnh. Đêm ngày với họ không phân biệt vì bệnh nhân có thể trở nặng và cần cấp cứu bất kể lúc nào. Một ca làm việc của các điều dưỡng kéo dài 9 tiếng. Khoảng thời gian đó họ luôn chân, luôn tay, lúc chạy đi lấy dịch truyền, khi điều chỉnh máy móc, khát nước không kịp uống, bữa ăn trưa lắm khi vội vã lúc 3-4 giờ chiều.
Tôi đã được chứng kiến câu chuyện kỳ diệu ở đó, nơi những “Thiên thần áo trắng” dường như lãng quên dòng chảy của thời gian để nỗ lực…
…Hồi sinh sự sống
Giữa tháng 6, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Bé gái Nguyễn Thiên Phương, 5 tháng tuổi, chỉ nặng 7kg bị chấn thương sọ não sau tai nạn ô tô, nhập viện trong tình trạng hôn mê, da niêm mạc nhợt, bóp bóng qua nội khí quản, vùng trán sưng nề. Kết quả chụp chiếu cho thấy bé bị dập não, máu tụ trong não trán trái kèm vỡ xương sọ, gãy xương hàm dưới. Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật cấp cứu nên được chuyển khoa Hồi sức tích cực 2 điều trị.
Đó là những ngày TS.BS Lưu Quang Thùy thường trực bên bé Thỏ (tên ở nhà của Thiên Phương). Mỗi lần cân nhắc từng liều lượng thuốc cho Thỏ, không nguôi ám ảnh trong tâm trí bác sĩ Thùy khuôn mặt và ánh mắt thất thần của người chồng vừa đột ngột mất vợ và đứa con bé bỏng đang nguy kịch. Hình ảnh cô bé Thỏ bụ bẫm đang thở máy chưa biết khi nào tỉnh như thôi thúc anh phải làm mọi cách để giữ thiên thần nhỏ này lại với cuộc đời. Tất cả như vỡ òa trong giây phút bé Thỏ tỉnh lại. Không giấu được xúc động, bác sĩ Thùy chia sẻ: “Hình ảnh bé Thiên Phương trong vòng tay của bố nhưng ánh mắt nhìn xa xăm như đang tìm mẹ khiến trái tim tôi tan chảy”. Tám ngày hồi sức tích cực cho bệnh nhân đặc biệt này là khoảng thời gian cân não, đã có lúc bác sĩ Thùy tưởng như sinh mạng của Thỏ tuột khỏi tầm kiểm soát của anh và đồng nghiệp. Nhưng nhân duyên cho bé Thiên Phương gặp được những bác sĩ giỏi nghề và tận tâm. May mắn nữa cho Thỏ khi trong khoa có điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Vân đang nuôi con nhỏ nên đều đặn hàng ngày cô vắt sữa của mình cho bé Thỏ. Ngày thứ 8, Thỏ tỉnh hoàn toàn, mắt mở to nhận ra bố và bà, bắt đầu tập cho ăn đường miệng, được chuyển xuống khoa Nhi theo dõi và điều trị tiếp. Lúc đó bác sĩ Thùy mới thở phào nhẹ nhõm.
Người ta hay nói đến thế giới của những cuộc viễn du tạm thời rời cõi sống, rồi trở về và kể chuyện đã gặp khi… chết. Họ kể gặp đủ thứ, mà dứt khoát có chi tiết họ bị cái chết từ chối. Không ai làm chứng điều đó. Giữa mê và tỉnh, thực và mơ, tất cả như tấm khăn choàng bí ẩn. Sao chứng kiến những phút giây ở phòng mổ và công việc của bác sĩ gây mê hồi sức, tôi lại nghĩ đến những bệnh nhân được bác sĩ hồi sinh, không biết họ có gặp thần chết và bị chối từ rằng, sức mạnh của kỹ thuật và tình thương từ các bác sĩ quá lớn. Đó là giấc mơ có thật.
“Công việc rất vất vả, cần nhiều người hỗ trợ, nhưng cũng không thể nhờ người nhà bệnh nhân vì phải đảm bảo yếu tố an toàn cho người bệnh. Mỗi điều dưỡng cố một chút, lúc bệnh nhân hồi phục, khi ấy bao nhiêu mệt nhọc tan theo niềm vui của người bệnh”
Ðiều dưỡng trưởng Khang Thị Diên
Ngày giữa tháng 7, quay lại khoa Hồi sức tích cực 2, khẽ mở cửa phòng bác sĩ, tôi khựng lại khi bắt gặp hình ảnh bác sĩ Thùy đang đùa vui với bé con chừng 7 tháng tuổi. Anh hỏi mà như trả lời: “Thỏ đấy, kỳ diệu không?”. Hình ảnh bé con nằm im thở máy ngày nào thay bằng một cô bé bụ bẫm, hiếu động, tinh nghịch và đôi mắt sáng nhanh nhẹn. Nghe tiếng lao xao ngoài cửa, là những cô điều dưỡng từng chăm sóc Thỏ. Họ thay nhau bế ẵm, thơm lên đôi má bầu bĩnh, trên môi không ngớt nụ cười. Tôi đứng đó, nghẹn ngào!
Kỳ 1: Chuyện nơi lằn ranh sống – chết: Những chiến binh thầm lặng
PV Thái Hà/Báo Tiền phong
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38