6 bước giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng
04/06/2021 07:20
Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là bệnh lý khá phổ biến trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người mới mắc ung thư đại tràng và khoảng nửa triệu người chết vì bệnh này. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, số người chết vì bệnh đứng thứ 2 sau ung thư vú và phổi ở nữ. Tỷ lệ mắc UTĐTT khác nhau đáng kể giữa các vùng trên thế giới. Ở các nước phát triển tỷ lệ này cao gấp 4-10 lần các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, UTĐTT đứng thứ 5 sau ung thư dạ dày, phổi, vú, vòm. Theo thống kê của bệnh viên K, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng là 9% tổng số bệnh nhân ung thư.Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 140000 người được chẩn đoán ung thư đại trực tràng và hơn 50000 người tử vong; nguy cơ mắc trong thời gian sống của mọi người là 1 trong 20 người (5%).
Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng ở người có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng. Người bệnh có bệnh sử ung thư buồng trứng, tử cung, vú đều làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Bệnh sử cá nhân hoặc gia đình có polyp đại trực tràng cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Cả bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng đều có thể tiến triển ung thư.
Ung thư đại trực tràng hiếm khi biểu hiệu thành triệu chứng ở thời kỳ sớm. Ung thư đại trực tràng thường bắt đầu bằng những polyp lành tính. Những polyp đại tràng có thể ở dạng tiền ung thư hoặc dạng không phát triển thành ung thư. Polyp có thể được phát hiện bằng những phương pháp kiểm tra và được cắt bỏ do đó có ngăn cản được sự phát triển thành ung thư. Ung thư nếu ở giai đoạn sớm tỷ lệ có thể chữa khỏi lên đến 90%. Khi ung thư đại trực tràng biểu hiện triệu chứng chảy máu, thay đổi thói quen đại tiện hoặc đau bụng, lúc đó bệnh thường ở giai đoạn tiến triển muộn khi đó tỷ lệ chữa khỏi chỉ khoảng 50%.
Các bước giúp người dân giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng:
1.Khám sàng lọc kiểm tra phát hiện ung thư đại trực tràng thường xuyên bắt đầu từ tuổi 50. Nếu bạn có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư đại trực tràng hoặc bị polyp đại trực tràng, hoặc tiền sử những loại ung thư khác, hoặc bệnh viêm ruột, hãy nói chuyện với bác sỹ chuyên khoa để được khám sàng lọc kiểm tra sớm hơn.
2. Ăn nhiều xơ, ăn từ 20 – 35 gram xơ mỗi ngày (từ hoa quả, rau, ngũ cốc, lạc, đậu).
3. Chế độ ăn ít chất béo.
4. Ăn những thức ăn chứa nhiều axit folic (vitamin B9) như những loại rau lá xanh.
5. Không uống nhiều rượu và không hút thuốc: Nếu bạn sử dụng rượu bia, chỉ sử dụng lượng rất ít mỗi ngày. Các chất cồn và thuốc lá đều là nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng và các loại ung thư đường tiêu hoá khác. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ ngay. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bao giờ thử dùng.
6. Tập thể dục ít nhất 20 phút trong 3 đến 4 ngày trong tuần. Các hoạt động đơn giản như đi bộ, làm vườn, leo cầu thang có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.
Phòng Công tác xã hội
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38