Công tác đảm bảo ANTT tại các bệnh viện lớn của Thủ đô: Có bóng áo xanh, trật tự hơn hẳn

06/06/2017 20:39

Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối, nơi luôn phải đối phó với nhiều tình huống phức tạp vì số lượng bệnh nhân vô cùng lớn.

 

Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối, nơi luôn phải đối phó với nhiều tình huống phức tạp vì số lượng bệnh nhân vô cùng lớn. Bởi vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ y tế và người vào viện luôn được chú trọng hết mực. Thậm chí một số bệnh viện lớn còn cần cả sự phối hợp của chính quyền địa phương, lực lượng công an như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai…

 

Quá tải, lộn xộn và mất an ninh trật tự (ANTT) trong bệnh viện từ lâu đã là vấn đề nan giải của ngành y tế. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các vụ bạo hành liên tiếp xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước (Cà Mau), Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên… và gần đây nhất là tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khiến dư luận rất bức xúc.

 

Nhan_vien_bao_an_dang_chi_dan_va_huong_dan_nguoi_nha_bn_thuc_hien_dung_cac_qui_dinh

Nhân viên bảo an đang chỉ dẫn và hướng dẫn người nhà bệnh nhân thực hiện đúng các quy định

 

Do tính chất đặc thù của các bệnh viện tuyến cuối, tình trạng trên diễn ra còn phức tạp và thường xuyên hơn.

 

Tại Bệnh viện Việt Đức, anh Hoàng Trung Đông – Tổ trưởng tổ bảo vệ, người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác bảo an, thừa nhận: Các vụ lộn xộn tại bệnh viện thỉnh thoảng cũng xảy ra, do Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa, nơi thường xuyên tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân do tai nạn giao thông (TNGT) hoặc bạo lực… Nhiều lúc nạn nhân bị TNGT nhập viện không có nhân thân, có thể do xe taxi hay một người lạ đưa vào, khi người nhà nạn nhân đến, chưa hiểu sự tình, đã lao vào hành hung lái xe taxi hay người đưa nạn nhân nhập viện. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các vụ lộn xộn xảy ra ở Việt Đức đều đã được xử lý hợp tình, hợp lý và không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

 

Camera_an_ninh_hoat_dong_24g_tai_cac_diem_nong

Camera an ninh hoạt động 24/24 tại các điểm nóng

 

Hiện nay, lãnh đạo giao cho phòng hành chính quản trị và tổ bảo vệ phối hợp thực hiện công tác bảo an. Tổ bảo vệ có 156 người do Bệnh viện ký hợp đồng với Công ty TNHH Bảo vệ Việt Đức, lực lượng này được bố trí chốt tại tất cả các vị trí từ cổng chắn, cửa ra vào tòa nhà đến các khoa phòng để làm nhiệm vụ và hướng dẫn người nhà người bệnh tuân thủ các quy định của bệnh viện. Chẳng hạn giờ hành chính (chuyên môn) không vào thăm bệnh nhân, chỉ người nhà có thẻ mới được vào nhưng cũng chỉ ở ngoài khuôn viên, chỉ khi bác sĩ gọi mới được vào…

 

Luon_co_luc_luong_Cong_an_mac_canh_phuc_va_mac_thuong_phuc_bao_dam_an_ninh_o_Viet_Duc

Luôn có lực lượng bảo an đi tuần để nhắc nhở, đảm bảo an ninh theo các quy định của bệnh viện

 

Phía công an thành phố đã phối hợp, bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ (K20) tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội làm nhiệm vụ bảo an. Tại BV Việt Đức luôn có 2 cảnh sát mặc sắc phục và 1 cảnh sát mặc thường phục túc trực 3 ca từ 7h30 sáng đến 10h tối.

 

Mỗi khi có lộn xộn xảy ra, tổ bảo vệ sử dụng bộ đàm thông báo ngay cho đội cảnh sát bảo vệ (K20), các lực lượng phản ứng nhanh được tăng cường gồm K20 (gọi về đơn vị), 113, hình sự, công an phường, tổ bảo vệ… tạo ra lực lượng áp đảo để các đối tượng không dám manh động. Sau khi sự việc bớt nóng, chúng tôi sẽ giải thích, hướng dẫn các qui trình… để họ hiểu nên sự việc được giải quyết ổn thỏa và không để lại hậu quả đáng tiếc.

 

Nguoi_nha_phai_co_the_moi_co_the_ra_vao_khuon_vien_khu_dieu_tri_trong_gio_hanh_chinh

Người nhà phải có thẻ mới có thể ra vào khuôn viên khu điều trị trong giờ hành chính

 

Bên cạnh bóng dáng những chiếc áo blouse trắng của cán bộ y tế thì bóng áo xanh của lực lượng an ninh, công an… đã trợ giúp rất nhiều trong việc đảm bảo sự bình yên cần có cho người khám và trị bệnh. Mong rằng công tác an ninh đều được các bệnh viện lớn, nhỏ chú trọng để hạn chế thấp nhất những hành vi côn đồ, ảnh hưởng đến việc khám, điều trị bệnh của cán bộ y tế và người dân.

 

Theo PV. Bùi Việt/ Báo Sức khoẻ và Đời sống

Tagged in: Tags: