Sống chung với máy tạo nhịp tim – những điều cần biết
24/10/2017 14:18
Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sỹ khi cấy máy tạo nhịp tim
Cùng với sự tiến bộ của y học, nhiều bệnh nhân được sử dụng các thiết bị hỗ trợ tim mạch phổ biến như: thay van tim nhân tạo, đặt stent động mạch vành, cấy máy tạo nhịp tim … để điều trị các bệnh lý về tim mạch. Quy trình theo dõi và duy trì hoạt động của các thiết bị này rất chặt chẽ nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ sau khi được can thiệp, làm giảm hiệu quả của các thiết bị. Gần đây, Bệnh viện HN Việt Đức tiếp nhận trường hợp bệnh nhân đến cấp cứu có tiền sử cấy máy tạo nhịp tim được 2 năm nhưng chưa tái khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Năm 2015, bệnh nhân M.T.H đã được chỉ định và cấy máy tạo nhịp tim tại bệnh viện tuyến cơ sở. Sau khi cấy máy tạo nhịp, thấy mọi sinh hoạt vẫn ổn định, bệnh nhân H đã không tái khám để được tư vấn và điều chỉnh máy phù hợp với sức khỏe. Khi vào cấp cứu tại bệnh viện, bệnh nhân cũng không mang theo thẻ cá nhân dành cho người cấy máy tạo nhịp. Không có thông số kỹ thuật của máy, rất khó để các bác sỹ đưa ra phương án kịp thời trong trường hợp cấp cứu.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực: “Bệnh nhân cấy máy tạo nhịp trước khi ra viện sẽ được các bác sỹ kiểm ra lại máy tạo nhịp và được điều chỉnh cần thiết. Sau đó nếu không có diễn biến bất thường, người bệnh sẽ được hẹn đến kiểm tra định kỳ. Với những trường hợp có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay. Trường hợp bệnh nhân M.T.H, 2 năm từ sau khi được cấy máy bệnh nhân không tái khám đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ không được tư vấn và điều chỉnh máy phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại”.
Những lưu ý khi cấy máy tạo nhịp
Cấy máy tạo nhịp cho các trường hợp bệnh nhân có nhịp tim chậm (tình trạng tim đập chậm hơn bình thường) và nghẽn dẫn truyền tim (tình trạng xung điện truyền trong tim chậm hơn bình thường hoặc tắc nghẽn). Máy tạo nhịp có thể đặt tạm thời hoặc vĩnh viễn nên người bệnh phải hết sức lưu ý và tuân thủ theo các hướng dẫn sau:
Uống thuốc theo đơn:
Tuân thủ những chỉ dẫn của bác sỹ là uống thuốc theo đơn là quan trọng. Thuốc có tác dụng phối hợp cùng máy tạo nhịp giúp các hoạt động ổn định.
Khám bệnh theo kỳ hạn:
Cần tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ để được tư vấn và điều chỉnh chế độ máy cho phù hợp với sức khỏe hiện tại của người sử dụng. Bên cạnh đó đánh giá hệ thống dây dẫn cũng như pin máy.
Tuân thủ các chỉ dẫn liên quan đến chế độ dinh dưỡng và vận động thể chất:
Máy tạo nhịp cần 8 tuần để điều chỉnh hoạt động phù hợp với cơ thể của người sử dụng nên cần tránh các động tác như: vận động mạnh, bê vác nặng, vung tay cao…
Gặp bác sỹ ngay sau khi có các triệu chứng bất thường:
Khó thở; tức ngực, chóng mặt, tăng cân và phù nề chân tay… là các dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn
Sử dụng thẻ ghi chép máy tạo nhịp tim:
Thẻ ghi chép máy đo nhịp tim sẽ có đầy đủ các thông tin: Bác sỹ, số điện thoại điều trị người bệnh; thông số của máy, thời gian cấy máy… Trong trường hợp cấp cứu sẽ giảm thời gian khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân cũng như tìm hiểu thông số máy tạo nhịp tim, bác sỹ có hướng xử trí kịp thời.
Tránh tiếp xúc lâu dài với một số thiết bị:
Điện thoại di động, máy nghe nhạc, dây điện cao thế, máy dò kim loại, máy phát điện, máy chụp cộng hưởng từ, điều trị bằng sóng cao tần….
Các thiết bị này có thể làm gián đoạn các tín hiệu điện của máy tạo nhịp, hoạt động của máy sẽ không được chuẩn xác.
Một số lưu ý khác:
Tránh đè tay lên vị trí cấy máy đo nhịp tim.
Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sỹ.
Sử dụng các phương tiện giao thông theo lời khuyên của bác sỹ.
Khi thực hiện các thủ thuật y tế nha khoa cần trao đổi với bác sỹ nha khoa hoặc các kỹ thuật viên về việc đang sử dụng máy tạo nhịp trong cơ thể.
Phòng Công tác xã hội