Phẫu thuật điều trị thuyên tắc động mạch phổi cấp tính cho nữ bệnh nhân quốc tịch Mỹ
11/10/2023 07:44
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong suốt những năm vừa qua, nhiều người nước ngoài đã đến điều trị và có những trải nghiệm tốt đẹp. Đã tròn 10 năm bà K.D (53 tuổi, Quốc tịch Mỹ) điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Năm 2013, bà vào viện trong bệnh cảnh nguy kịch và được các bác sĩ tại đây cứu sống. Cảm kích trước tấm lòng y đức của đội ngũ y bác sĩ, bà K.D coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của bà. Hàng năm, bà vẫn sắp xếp sang thăm Việt Nam và thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bà còn yêu thích đồ dùng của Việt Nam từ quần áo, túi xách,…
10 năm về trước vào chiều ngày 29/11/2013, bà K.D tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với chẩn đoán: sốc trụy tim mạch và suy hô hấp nặng, nguy cơ ngừng tim rất cao. Qua khai thác tiền sử được biết, người bệnh mắc hội chứng thiếu progesterone, rong kinh, thiếu sắt và đang điều trị nội khoa ở Mỹ. Bà K.D khi đó đang trong hành trình đi du lịch Đông Nam Á cùng gia đình, bằng chuyến bay thẳng từ Mỹ sang Bangkok (Thái Lan) trước vào viện 7 ngày. Bệnh khởi phát ngay sau khi đến Bangkok với dấu hiệu đột ngột khó thở, đau ngực, mệt và ngất xỉu trong khi đi thăm quan. Bà K.D đã được sơ cứu tại y tế địa phương với chẩn đoán “say nắng”. Sau 3 ngày nghỉ ngơi tại khách sạn, tình trạng bà đã ổn định hơn và tiếp tục chuyến du lịch sang Việt Nam. Ngay khi đến sân bay Nội Bài, người bệnh cảm thấy khó thở dữ dội và được chuyển thẳng đến một bệnh viện Hà Nội cấp cứu. Tại đây, chẩn đoán sơ bộ được đưa ra là “nghi nhồi máu cơ tim”. Sau hơn 1 ngày theo dõi và làm thăm dò chẩn đoán, tình trạng lâm sàng của người bệnh nhanh chóng xấu đi với dấu hiệu suy hô hấp rất nặng. Chẩn đoán xác định thuyên tắc động mạch phổi đã được đưa ra ngay khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) ngực có cản quang dựng hình thấy huyết khối ở cả 2 động mạch phổi và siêu âm Doppler tĩnh mạch chi dưới thấy huyết khối tĩnh mạch sâu. Chỉ định sử dụng thuốc tan huyết khối đã được tính đến, song do người bệnh đang rong kinh nên không đặt ra. Bà được hội chẩn và chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để phẫu thuật cấp cứu.
Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh lơ mơ do suy hô hấp kéo dài, nhịp thở 32 lần phút, rất kích động và không nằm được, da niêm mạc xanh tái, mạch 110 lần/ phút, huyết áp 120/70 mmHg với thuốc vận mạch dobutamin (5 mcg/kg/giờ), thông khí phổi giảm, rong kinh số lượng nhiều, thở oxy qua mũi. Sau khi vào viện hơn 30 phút, bà đã được chuyển mổ tim hở cấp cứu ngay để lấy huyết khối động mạch phổi, mở đường giữa xương ức, đặt canuyn động mạch chủ lên và hai canuyn tĩnh mạch chủ trên – dưới, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, thắt các tĩnh mạch chủ, phẫu tích và mở dọc thân động mạch phổi, dùng cặp lấy sỏi Randall lấy huyết khối bên trái. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã tiến hành mở dọc động mạch phổi phải đoạn giữa tĩnh mạch chủ trên và động mạch chủ, lấy huyết khối động mạch phổi phải, mở màng phổi hai bên, xoa bóp nhẹ phổi, bơm rửa động mạch phổi hai bên nhiều lần, kiểm tra kỹ trước khi đóng động mạch phổi. Thời gian tuần hoàn ngoài cơ thể 40 phút, người bệnh không ngừng tim trong quá trình mổ.
Sau ca phẫu thuật, người bệnh ra viện và trở về Mỹ sau mổ 10 ngày với tình trạng lâm sàng ổn định, không đau ngực, không khó thở. Bà vẫn giữ liên lạc đều đặn với kíp mổ, kết quả kiểm tra tại Mỹ rất tốt, người bệnh khỏe mạnh và từ đó bà mang trong mình tình yêu với đất nước, con người Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, đặc biệt cảm kích trước chuyên môn cao và tấm lòng y đức của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Phòng Công tác xã hội
-
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mời báo giá trang thiết bị y tế
24/12/2024 13:20
-
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mời chào giá trang thiết bị y tế
24/12/2024 11:40