Phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân không đại tiện do bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh.

18/05/2021 11:53

Cháu Vàng Minh Q. trú tại Tân Yên, Lai Châu là trường hợp đặc biệt đang điều trị tại khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện HN Việt Đức. Mắc chứng bệnh táo bón từ nhỏ không đại tiện được bình thường, thời gian đầu là vài ngày thậm chí vài tuần, sau đó vài tháng cháu mới đi đại tiện ra được ít phân khiến cơ thể Q ngày càng suy nhược, bụng càng ngày càng to ra như quả bóng, nhưng gia đình em nghèo khó, chẳng có nổi 100 nghìn đồng đưa em đi viện.

Cháu Vàng Minh Q, 10 tuổi, bị tắc ruột cấp do bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh

Anh Vàng A L. (28 tuổi), bố của Q cho biết: Q chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ vì cháu không đại tiện được bình thường, nhà lại cách xa trường nên cháu phải ở nội trú nên không đại tiện được gây khó khăn trong sinh hoạt. Trước cháu khỏe mạnh, ngày nào cũng vượt 10 km để đến trường học, cháu thích đi học lắm, nhưng nhà nghèo lại bệnh, nên đành phải nghỉ học. 1 năm nay cháu hầu như không đi đại tiện được khiến bụng ngày càng to dần.

 

Theo TS.BS Nguyễn Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết: Trường hợp cháu Vàng Minh Q, 10 tuổi, bị tắc ruột cấp do bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh đáng lẽ phải phẫu thuật từ khi rất nhỏ, tuy nhiên gia đình ở vùng sâu vùng xa lại khó khăn nên không có điều kiện đi viện. Mới đây, cháu được các tổ chức từ thiện ở Lai Châu đưa về Bệnh viện HN Việt Đức phẫu thuật.

 

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng: Bụng chướng căng, to như quả bóng. Thể trạng suy kiệt, da xanh tái, chậm chạp do nhiễm độc phân. Mặc dù 10 tuổi nhưng cân nặng và chiều cao của cháu Q chỉ bằng trẻ 3 tuổi. Cháu đi lại khó khăn do bụng quá to, phải dùng 2 tay đỡ bụng để đi không bị ngã. Chụp phim toàn bộ các quai ruột giãn to. Trong tình trạng cháu như vậy nên các bác sĩ đã mổ cấp cứu  làm hậu môn nhân tạo, đại tràng của cháu giãn to như xăm ô tô trong chứa đầy phân, các bác sĩ phải lấy hết phân tích tụ lâu năm trong đại tràng cứng như đá để giải quyết tắc ruột cấp cho cháu. Hiện tại cháu Q đã ăn uống bình thường, thể trạng tốt lên từng ngày. Dự kiến sau 2 tháng nữa nếu thể trạng cho phép sẽ điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh, cắt bỏ đoạn đại tràng bệnh lý, lặp lại lưu thông tiêu hoá bình thường cho cháu.

Mặc dù 10 tuổi nhưng cân nặng và chiều cao của cháu Q chỉ bằng trẻ 3 tuổi

Bệnh phình đại tràng bẩm sinh có thể gặp ở bất kỳ trẻ nào, cả nam và nữ. Đối với trẻ sơ sinh, dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh là trẻ chậm đại tiện phân su (sau sinh 24 giờ, thậm chí 48 giờ không tự ỉa phân xu phải thụt) kèm theo chướng bụng, có thể có biểu hiện tắc ruột như nôn ra sữa hoặc dịch mật, dịch ruột,… Đối với trẻ lớn, triệu chứng điển hình là bị táo bón kéo dài, chướng bụng, ăn uống kém, chậm lên cân, da xanh, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể bị viêm đại tràng do ứ đọng phân lâu ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh còn có thể gây ra các biến chứng nặng như: viêm ruột nhiễm độc, nhiễm trùng máu, tắc hoặc bán tắc ruột, thủng ruột gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, TS.BS Nguyễn Việt Hoa khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần theo dõi nhịp sinh hoạt của con, nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường về đại tiện, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chụp phim làm chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Phòng Công tác xã hội

 

Tagged in: Tags: