Lo ngại đi bệnh viện khám bệnh trong mùa dịch, cụ bà điều trị bệnh ở phòng khám tư gặp biến chứng nặng

26/07/2021 15:40

Tháng 7/2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận điều trị bệnh nhân nữ 71 tuổi đến khám do khối áp xe cơ lưng sau tiêm thuốc giảm đau tại phòng khám tư nhân. Rất may, do được điều trị tích cực nên bệnh thuyên giảm và không ảnh hưởng sức khoẻ cũng như bệnh lý cột sống của bệnh nhân.

 

Đó là trường hợp bệnh nhân nữ 71 tuổi (SN 1950) N.T.P sinh sống tại xã Hồng Nam, Hưng Yên. Khi đến khám cấp cứu ngày 14/7 vừa qua bệnh nhân tình trạng đau vùng lưng nhất là phía bên phải, đi lại khó khăn phải có người nhà dìu. Vùng cơ thắt lưng bên phải từ ngang đốt sống thắt lưng L4 đến tận đốt sống cùng S2 căng, đau. Duỗi gập chân bên phải khó khăn. Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy nằm trong cơ thắt lưng chậu từ lưng đến vùng ngang gai mào chậu nhiều ổ dịch không đồng nhất, ổ lớn nhất kích thước 57x13x16mm, không rõ vỏ. Chẩn đoán theo dõi áp xe cơ thắt lưng chậu phải lan toả sau tiêm thuốc.

 

Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết do bị bệnh lâu ngày đau nhức lưng, đến bệnh viện khám chụp phim các bác sĩ nói bệnh nhân bị thoái hoá cột sống, thoát vị nhẹ đĩa đệm L5-S2, không ảnh hưởng nghiêm trọng tuỷ sống, chỉ cần dùng thuốc, tập thể dục theo bài hướng dẫn sẽ ổn định. Tuy nhiên bệnh sẽ diễn biến mạn tính và cần được khám tư vấn thường xuyên để thay đổi thuốc và tập luyện phù hợp, nhất là do bệnh nhân đã lớn tuổi.  

 

Gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 lan rộng nên bệnh nhân lo lắng việc đến khám tại bệnh viện có nguy cơ cao lây nhiễm khi phải tiếp xúc nhiều người nên đã đến phòng khám tư gần nhà để khám. Bác sĩ đã tiêm thuốc vào vùng lưng phải cho bệnh nhân vài lần. Lần này sau tiêm 3 ngày bắt đầu đau tăng, sốt, khó khăn khi đi lại nên gia đình quyết định đưa bệnh nhân lên tuyến trên. Bệnh nhân cho biết bệnh nhân đã đến khám phòng khám tư và tiêm thuốc tại đây vài lần. Tuy nhiên bệnh nhân không rõ là thuốc gì và bác sĩ chỉ giải thích thuốc điều trị bệnh. Mấy lần đầu đỡ nên bệnh nhân vẫn khám tại đây.

 

 

Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh đã được được điều trị tại khoa Phẫu thuật Nhiễm Khuẩn và Chăm sóc Vết thương bằng kháng sinh, giảm đau và bất động tại giường. Sau điều trị 1 tuần bệnh diễn biến thuận lợi, đỡ đau, khối dịch nhỏ, bệnh nhân co duỗi chân trở lại bình thường. Dự kiến đến khi khối dịch mủ khu khú sẽ dẫn lưu dưới siêu âm.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Chính khám cho người bệnh.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc Vết thương bệnh viện Việt Đức cho biết: Cơ thắt lưng chậu là cơ chạy từ thắt lưng xuống đến xương chậu và đùi. Viêm cơ thắt lưng chậu, thường tạo thành khối áp xe. Áp xe cơ thắt lưng chậu là tình trạng viêm dày lên và tích tụ mủ ở vỏ bọc màng bao quanh cơ này khi có sự xâm nhập của vi khuẩn, có thể xảy ra ở một bên hoặc hai bên. Bệnh thường là thứ phát sau nhiễm trùng máu (thường ở người suy giảm miễn dịch) hay gặp hơn so với nhiễm trùng từ tổ chức lân cận sang. Vi khuẩn thường là tạp khuẩn đường ruột và tụ cầu chiếm 1/4 đến 1/3 các trường hợp và nguyên nhân do nấm cũng được nhắc tới nhất là trong những trường hợp điều trị suy giảm miễn dịch. Ngoài ra lao cũng là một nguyên nhân khá thường gặp ở Việt Nam. Nguyên nhân do tổn thương lao từ cột sống tiến triển tạo thành khối mủ nằm trong cơ thắt lưng chậu. Do bệnh diễn biến âm thầm và kéo dài nên còn được gọi là áp xe lạnh. Trên phim x quang thường kèm theo tổn thương đốt sống rõ. Trường hợp bệnh nhân P có thể vi khuẩn xâm nhập vào qua đường tiêm thuốc và gây bệnh.

 

Bệnh nhân bị áp xe cơ thắt lưng chậu thường biểu hiện lâm sàng tại chỗ là không duỗi được chân bên có cơ bị viêm trong khi khám khớp háng bình thường. Nếu không điều trị kịp thời khối mủ sẽ lan rộng, thậm chí có thể vỡ vào ổ bụng, lan vào các tạng bên trong, ảnh hưởng đến việc vận động của bệnh nhân cũng như tính mạng.

 

Việc điều trị áp xe cơ thắt lưng chậu gồm kháng sinh, giảm đau và dẫn lưu mủ và bất động. Hiện nay việc phát hiện điều trị sớm, xác định vị trí và tính chất khối áp xe, mủ sẽ chủ yếu được dẫn lưu dưới siêu âm. Trường hợp mủ lan rộng, mủ đặc hoặc những vị trí sâu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tạng xung quanh cần phải phẫu thuật dẫn lưu mới được.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Chính thông tin thêm: rất may ca bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kịp thời, việc điều trị có hiệu quả. Qua trường hợp này bệnh viện khuyến cáo người bệnh và gia đình khi có bệnh nên đến cơ sở y tế có uy tín khám để được điều trị thực thụ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra, người dân cũng không nên quá lo lắng lây nhiễm Covid-19 nếu thực hiện tốt việc phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bên cạnh đó các cơ sở y tế tư nhân cũng cần tuân thủ tốt quy trình chuyên môn khám chữa bệnh, nhất là quy trình vô trùng khi thực hiện thủ thuật, tránh những biến chứng như ca bệnh này.

 

BS Trần Tiễn Anh Phát, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn,

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

 

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook