Lần đầu tiên điều trị nội soi thành công ca thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.
25/10/2016 20:31
Ngày 25/10, lần đầu tiên một bệnh nhân nữ đã được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị thành công căn bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bằng phương pháp nội soi. Đây cũng là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng thành công ở Việt Nam.
Bệnh nhân là bà Dương Thị Miến (52 tuổi, ở xóm Vọng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ đã lâu và được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Viện trưởng Viện chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân vừa rời khỏi phòng mổ lúc chiều nay (25/10), cho biết: “Bệnh nhân đã được điều trị ở tuyến dưới 6 tháng nhưng càng ngày càng đau nặng hơn, tê nhức tay phải, đau vùng vai gáy.
Qua thăm khám bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C5, C6. Chúng tôi quyết định tiến hành điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cho bệnh nhân bằng phương pháp hoàn toàn mới ở Việt Nam là phẫu thuật nội soi và đã thành công tốt đẹp”.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạch, phương pháp phẫu thuật nội soi cột sống từ trước đến nay chỉ áp dụng cho cột sống thắt lưng chứ chưa triển khai ở cột sống cổ, vì đây là một kỹ thuật rất khó, dễ nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
“Phẫu thuật nội soi đốt sống cổ có 2 cách là nội soi qua đường trước và nội soi qua đường sau, tuy nhiên với ca phẫu thuật này chúng tôi chỉ mới áp dụng nội soi qua đường sau, vì nội soi qua đường trước cực kỳ nguy hiểm cho bệnh nhân do dễ bị tụ máu, chèn ép khí quản.
Ngay cả trên thế giới người ta cũng rất ít áp dụng nội soi qua đường trước. Với phương pháp nội soi qua đường sau, hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm chủ được kỹ thuật và khẳng định tỷ lệ thành công lên đến 90%. Sắp tới sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật tiên tiến này”, PGS. TS Nguyễn Văn Thạch khẳng định.
Ưu điểm của phương pháp nội soi đốt sống cổ là bệnh nhân không bị chảy máu, vết mổ nhỏ (chỉ bằng khoảng đốt ngón tay út), mau lành, bệnh nhân có thể xuất viện trong thời gian ngắn. Thiết bị nội soi sẽ đi ngoài đĩa đệm, chỉ lấy phần nhân thoát vị, không lấy cả đĩa đệm, không lấy phần xơ, do vậy cột sống còn vững, khả năng tái phát ít. Trong khi nếu mổ mở, ngoài lấy nhân đĩa đệm còn phải lấy hết vùng xung quanh khiến cột sống kém vững, ngoài ra còn có thể phá huỷ xương, phần mềm, bệnh nhân dễ bị tái phát.
Theo Thế Nam/ Báo Dân Trí