Kịp thời cấp cứu, xử trí tai nạn khi bão Yagi đổ bộ

10/09/2024 14:55

 

Ngay khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã “căng sức” cấp cứu kịp thời nhiều ca tai nạn do bão và đảm bảo khám, chữa bệnh bình thường cho những người bệnh khác.

 

Trong 3 ngày từ 06-08/9/2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 người bệnh gặp tai nạn do ảnh hưởng của cơn bão Yagi. TS.BS Bùi Thanh Phúc, Trưởng tua trực cấp cứu ngày 08/9 cho biết: Với tình trạng đông người bệnh đến cấp cứu do thiên tai, tua trực cấp cứu đã khẩn trương thăm khám, đánh giá người bệnh từ khi đến viện qua các biểu hiện lâm sàng; Phân loại người bệnh trong tình trạng nặng, nhẹ hay mức độ cấp cứu; Ưu tiên chuyển người bệnh nhẹ vào khoa điều trị nhằm giảm tải áp lực phòng khám cấp cứu; Tập trung nguồn lực cấp cứu điều trị người bệnh có chấn thương nghiêm trọng. Với thế mạnh cấp cứu đa chuyên khoa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các tua trực có đầy đủ các bác sĩ với trình độ chuyên môn cao để phân loại xử lý người bệnh nhanh chóng. Bên cạnh đó, bệnh viện có đường dây nóng do các bác sĩ trưởng tua trực điều phối và quyết định nhận các ca cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên. Đối với trường hợp nhẹ có thể tư vấn điều trị tại chỗ, trường hợp nặng sẽ hướng dẫn cách vận chuyển đảm bảo an toàn đồng thời bố trí trước phương tiện hồi sức và hệ thống phòng mổ để cấp cứu kịp thời cho người bệnh.

Các bác sĩ “căng mình” cứu người bệnh tại khu vực cấp cứu – nơi ánh đèn trắng không bao giờ tắt.

Phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh gặp tai nạn do ảnh hưởng của cơn bão Yagi

 

Ngay từ khi nhận được thông tin về cơn bão số 3 (Yagi) Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành lập Ban điều hành và các tổ y tế lưu động ứng phó bão do TS.BS Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng ban, 08 tổ y tế lưu động gồm các bác sỹ, điều dưỡng, lái xe thuộc bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở y tế lân cận và các bệnh viện tuyến dưới trong công tác cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh… để kịp thời ứng phó với mưa bão.

 

Cơn bão số 3 (Yagi) không chỉ gây ra cho người dân nhiều tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông mà còn khiến cầu ở Phong Châu, Phú Thọ bị sập. Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ thông tin: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ) kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu là nhịp 6 và nhịp 7. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chủ động hỗ trợ, chỉ đạo chuyên môn y tế cho tỉnh Phú Thọ thông qua hệ thống hội chẩn cấp cứu trực tuyến Telemedicine. Nạn nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) xử trí tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa,… Bệnh viện đảm bảo đường truyền telemedicine được kết nối thông suốt giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với các điểm cầu tại Phú Thọ.

 

Hội chẩn cấp cứu trực tuyến nạn nhân sập cầu ở Phong Châu, Phú Thọ

 

Đối với những người bệnh đang chạy thận, lọc máu chu kỳ hay người bệnh ghép tạng có lịch lĩnh thuốc định kỳ không thể đến bệnh viện do ảnh hưởng của bão, các bác sĩ điều trị chủ động liên lạc và hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc tại nhà và đã được sắp xếp lịch tái khám gần nhất vào ngày 09/9 sau khi cơn bão đi qua.

Sau bão lũ, nhiều bệnh dịch có nguy cơ phát sinh. Để phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ, Bộ Y tế khuyến cáo:

– Người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

– Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

– Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

– Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

– Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook