Gù cột sống – Bệnh lý thường gặp ở tuổi thiếu niên

11/08/2020 10:14

Gù cột sống là một chứng biến dạng về cột sống, trong đó cột sống cong ra phía trước quá mức dẫn đến phần lưng trên gù bất thường. Tình trạng này đôi khi được gọi là “lưng tròn” trong trường hợp gù nặng. Gù cột sống có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở tuổi thiếu niên.

 

Trong phần lớn các trường hợp, chứng gù cột sống gây ra ít phiền toái và không cần điều trị. Đôi khi, người bệnh có thể phải đeo nẹp lưng hoặc tập các bài tập để cải thiện tư thế và tăng cường cột sống. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng gù cột sống có thể gây đau đớn, gây biến dạng cột sống đáng kể và dẫn đến các rối loạn về hô hấp. Người mắc chứng gù cột sống nặng có thể cần phẫu thuật để giúp giảm đường cong cột sống quá mức và cải thiện các triệu chứng vận động của họ.

 

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Mặc dù cột sống ngực có độ cong tự nhiên từ 20-45 độ, nhưng các bất thường về tư thế hoặc cấu trúc có thể dẫn đến một đường cong nằm ngoài phạm vi bình thường này. Khi bác sĩ thăm khám, nếu đường cong cột sống lớn hơn bình thường (hơn 50 độ) được gọi là quá gù cột sống (hay gọi chung là gù cột sống) dẫn đến lưng trên tròn. Gù cột sống có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này thường gặp ở tuổi thanh niên – thời kỳ xương phát triển nhanh chóng. Gù cột sống có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Nói chung, đường cong càng lớn, tình trạng bệnh càng nghiêm trọng. Những đường cong nhẹ hơn có thể gây đau lưng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Những đường cong nghiêm trọng hơn có thể gây ra biến dạng cột sống đáng kể và dẫn đến một cái bướu trên lưng bệnh nhân.

 

TS Đỗ Mạnh Hùng, khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Có một số loại Gù cột sống. Ba yếu tố thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên là: Gù cột sống do tư thế; Gù cột sống của Scheuermann; Chứng gù cột sống bẩm sinh.

 

Gù cột sống tư thế: Loại gù cột sống phổ biến nhất, thường trở nên đáng chú ý ở tuổi vị thành niên. Nó được nhận thấy trên lâm sàng là tư thế bệnh nhi sai hoặc chùng xuống, nhưng không liên quan đến các bất thường cấu trúc nghiêm trọng của cột sống. Đường cong gây ra bởi chứng gù cột sống tư thế thường tròn và bệnh nhân thường có thể điều chỉnh được khi đứng thẳng. Chứng gù cột sống tư thế thường gặp ở trẻ em gái hơn trẻ em trai. Nó hiếm khi gây đau đớn và vì đường cong không tiến triển nên nó thường không dẫn đến các vấn đề trong cuộc sống của người lớn.

 

Gù cột sống của Scheuermann: Giống như chứng gù cột sống tư thế, chứng gù cột sống của Scheuermann thường trở nên rõ ràng trong những năm thiếu niên. Tuy nhiên, chứng gù cột sống của Scheuermann có thể dẫn đến biến dạng nghiêm trọng đáng kể so với chứng gù cột sống tư thế – đặc biệt ở những bệnh nhân gầy. Chứng gù cột sống của Scheuermann là do bất thường cấu trúc ở cột sống.

 

Gù cột sống bẩm sinh: Bệnh gù cột sống bẩm sinh có từ lúc mới sinh. Nó xảy ra khi cột sống không phát triển bình thường khi em bé còn trong tử cung. Xương có thể không hình thành như mong muốn hoặc một số đốt sống có thể dính với nhau. Chứng gù cột sống bẩm sinh thường nặng hơn khi trẻ lớn lên. Người bệnh mắc chứng gù cột sống bẩm sinh thường cần điều trị phẫu thuật khi còn rất bé để ngăn chặn sự tiến triển của đường cong. Nhiều khi những bệnh nhân này sẽ có thêm các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như tim và thận.

 

1.Triệu chứng:

 

Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng gù cột sống rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của đường cong. Chúng có thể bao gồm: Tròn vai; Bướu gù có thể nhìn thấy ở lưng; Đau lưng nhẹ; Mệt mỏi; Cột sống cứng; Cơ gân kheo (cơ ở mặt sau của đùi).

 

Hiếm khi, theo thời gian, các đường cong tăng dần có thể dẫn đến: Yếu, tê hoặc ngứa ran ở chân; Mất cảm giác; Khó thở, thở nông.

 

2.Khám bác sĩ

 

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách lấy tiền sử bệnh và hỏi về sức khỏe tổng quát và các triệu chứng của người bệnh, kiểm tra lưng, ấn vào cột sống để xác định xem có vùng nào bị đau hay không. Trong những trường hợp nặng hơn của chứng gù cột sống, có thể thấy rõ phần lưng trên tròn lên hoặc nổi một cái bướu. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh gập người về phía trước với cả hai bàn chân với nhau, đầu gối thẳng và cánh tay buông thõng. Thử nghiệm này, được gọi là “thử nghiệm uốn cong về phía trước của Adam”, cho phép bác sĩ nhìn rõ hơn độ dốc của cột sống và quan sát bất kỳ biến dạng cột sống nào. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh nằm xuống để xem liệu điều này có làm thẳng đường cong hay không – một dấu hiệu cho thấy đường cong mềm dẻo và có thể là biểu hiện của chứng gù cột sống tư thế. Sau đó, người bệnh sẽ được thực hiện các chỉ định cận lâm sàng để đánh giá tình trạng bệnh: Chụp X-quang, các xét nghiệm thần kinh hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI)…

3.Điều trị

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn khám cột sống cho một em nhỏ.

 

Mục tiêu của điều trị là ngăn chặn sự tiến triển của đường cong và ngăn ngừa biến dạng cột sống. Bác sĩ sẽ cân nhắc một số điều khi xác định điều trị chứng gù cột sống, bao gồm: Tuổi và sức khỏe tổng thể; Số năm tăng trưởng còn lại; Các loại gù cột sống; Mức độ nghiêm trọng của đường cong.

 

 

Điều trị không phẫu thuật

 

Điều trị không phẫu thuật được khuyến khích cho người bệnh mắc chứng gù cột sống tư thế. Nó cũng được khuyến cáo cho những người bệnh mắc chứng gù cột sống của Scheuermann có đường cong dưới 75 độ.

 

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật:

 

– Theo dõi người bệnh.

 

– Bài tập vật lý trị liệu

 

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID, bao gồm aspirin, ibuprofen và naproxen, có thể giúp giảm đau lưng.

 

– Mặc áo nẹp có thể được khuyến nghị cho những người bệnh mắc chứng gù cột sống của Scheuermann vẫn đang phát triển. Loại áo nẹp cụ thể và số giờ phải đeo mỗi ngày sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đường cong. Bác sĩ sẽ điều chỉnh áo nẹp thường xuyên khi đường cong được cải thiện. Thông thường, nẹp được đeo cho đến khi trẻ trưởng thành về xương và phát triển hoàn chỉnh.

 

– Chụp X-quang đường cong cột sống trước và sau khi mặc áo nẹp để đánh giá hiệu quả.

 

Điều trị phẫu thuật:

 

Phẫu thuật thường được khuyến cáo cho những bệnh nhân mắc chứng gù cột sống bẩm sinh. Phẫu thuật cũng có thể được khuyến nghị cho: Người bệnh mắc chứng gù cột sống của Scheuermann có đường cong lớn hơn 75 độ; Người bệnh bị đau lưng dữ dội mà không cải thiện với điều trị không phẫu thuật.

 

Hàn xương cột sống: Giúp giảm mức độ của đường cong; Ngăn chặn bất kỳ sự tiến triển nào thêm; Duy trì sự cải tiến theo thời gian; Giảm đau lưng đáng kể, nếu nó xuất hiện. Hàn xương cột sống thực chất là một quá trình “dính cột sống”. Ý tưởng cơ bản là hợp nhất các đốt sống bị ảnh hưởng với nhau để chúng dính lại thành một xương vững chắc duy nhất. Việc hợp nhất các đốt sống sẽ làm giảm độ cong và vì nó loại bỏ chuyển động giữa các đốt sống bị ảnh hưởng nên cũng có thể giúp giảm đau lưng. Trong quá trình này, các đốt sống tạo nên đoạn gù sẽ được tái cấu trúc lại để giảm sự tròn của cột sống. Các mảnh xương nhỏ – được gọi là mảnh xương ghép – sau đó được đặt vào khoảng trống giữa các đốt sống để làm liền các đốt sống. Theo thời gian, xương phát triển cùng nhau – tương tự như cách chữa lành xương gãy. Trước khi đặt mảnh ghép xương, bác sĩ thường sử dụng nẹp vít, đĩa và thanh kim loại để tăng tốc độ liền xương và làm vững cột sống. Chính xác số đốt sống phải làm liền phụ thuộc vào kích thước đường cong cột sống của con bạn. Chỉ có các đốt sống gù là dính với nhau. Các xương khác trong cột sống vẫn có thể di chuyển và hỗ trợ việc uốn, duỗi thẳng và xoay.

 

Nếu bệnh gù cột sống được chẩn đoán sớm, phần lớn người bệnh có thể được điều trị thành công mà không cần phẫu thuật và có cuộc sống năng động, khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, sự tiến triển của đường cong có thể dẫn đến các vấn đề khi trưởng thành. Đối với những người bệnh bị cong vẹo, cần đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và kiểm tra sự tiến triển của đường cong.

 

Nhằm tư vấn người dân biết cách phát hiện sớm và điều trị bệnh lý gù vẹo cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức CHƯƠNG TRÌNH KHÁM VÀ TƯ VẤN MIỄN BỆNH LÝ GÙ VẸO CỘT SỐNG cùng các chuyên gia hàng đầu về cột sống.

 

Đặc biệt, người dân sẽ được thực hiện X-quang toàn bộ cột sống miễn phí.

 

Thời gian: Ngày 22 tháng 08 năm 2020 (Thứ Bảy).

 

Địa điểm: Phòng khám số 10, Tầng 2, nhà C4, Khu Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

Để được khám và tư vấn miễn phí, người dân có thể đăng ký trực tiếp qua TỔNG ĐÀI 19001902.

 

TS Đỗ Mạnh Hùng – Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tagged in: Tags: