GS. Trần Bình Giang – “người tiên phong” của kỹ thuật phẫu thuật nội soi ở Việt Nam

22/01/2019 19:49

Là một trong những người Việt Nam đầu tiên học về phẫu thuật nội soi (PTNS), GS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Uỷ viên Ban chấp hành, nguyên Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt nam cũng chính là một trong những người đưa kỹ thuật PTNS về Việt Nam, để giờ đây kỹ thuật này trở thành thường qui trong cả nước. Đóng góp của ông cho ngành ngoại khoa Việt Nam là không nhỏ, để cùng với những tên tuổi như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Tôn Thất Bách, GS. Nguyễn Dương Quang, GS. Đỗ Kim Sơn, PGS. Nguyễn Tiến Quyết, GS. Trịnh Hồng Sơn …tạo nên danh tiếng cho ngành ngoại khoa nói chung và Bệnh viện (BV) Việt Đức nói riêng.

Giáo sư Trần Bình Giang phẫu thuật cắt dạ dày cho chị PHạm Nhàn

Một chiều chớm đông, tôi đến thăm GS. Trần Bình Giang trong căn phòng nhỏ ở BV Việt Đức. Giữa những món đồ lưu niệm thấm đẫm chất văn hóa và gắn với từng ký ức đẹp của “đôi tay tài hoa”, như chiếc thuyền buồm của một đại sứ tặng sau khi được GS. Giang mổ cứu sống, chiếc đĩa nhạc cổ với những âm thanh độc đáo, bức tranh sen của một họa sĩ nổi tiếng tặng và họa phẩm nữ hoàng Cleopatra trên một loại giấy cổ của Ai Cập, chúng tôi ngược về từng kỷ niệm nghề nghiệp của ông. Người đàn ông có vẻ ngoài mạnh mẽ, giọng nói pha chút “bất cần” lại tỏ  ra lúng túng trong câu chuyện về mình. Hình như ông không nghĩ rằng những gì mình đã làm lại là những đóng góp quan trọng cho y học Việt Nam, thậm chí, mang tính bước ngoặt.

 

Vốn dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhưng chàng trai nghèo quê lúa Thái Bình lại quyết tâm theo nghề y sau một mất mát của gia đình. GS. Giang kể, một lần, ông đưa chị gái bế đứa cháu mới 2 tháng tuổi bị sốt cao đi bệnh viện. Nhưng chưa kịp đến nơi thì đứa trẻ đã không qua khỏi. Đưa cháu quay về trong nước mắt, GS. Giang ước mình có thể lý giải được vì sao cháu qua đời, nhất là trước đó, người chị của ông đã mất một đứa con sau khi sinh, cũng bởi những cơn sốt không rõ nguyên nhân.

 

Mong muốn đó đưa ông đến với ngành y. Vốn học giỏi lại say mê nghiên cứu nên những năm học Đại học Y Hà Nội, GS. Giang đều lọt vào top đầu và là một trong số ít sinh viên được nhận học bổng. Ông cũng là một trong 3 sinh viên của trường được dự Đại hội sinh viên xuất sắc các trường đại học toàn quốc lần đầu tiên năm 1983. Năm thứ 5, đỗ  đầu vòng thi Nội trú, ông được chọn chuyên ngành học. Ban đầu, định theo học ngành dị ứng nhưng nhiều người “gàn” nên ông lại chọn môn ngoại để theo học. Gầy gò, bé nhỏ đến mức khi vào học Nội trú ngoại ở BV Việt Đức, ông bị thầy Dương Chạm Uyên, Phụ trách đào tạo sau đại học của Bộ môn Ngoại, chê: “Lẻo khẻo thế này đi Nội trú ngoại sao được?”…

 

Nhưng sau khi ra trường, chàng bác sỹ nội trú bé nhỏ ấy tiếp tục đứng đầu lớp học tiếng Pháp, để tháng 5 -1990 được lựa chọn sang đào tạo ở BV danh tiếng COCHIN, Đại học PARIS 6, do GS. Yves CHAPUIS, viện sỹ Viện hàn lâm phẫu thuật Pháp, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật các tuyến nội tiết, làm chủ nhiệm. BV có Trung tâm ghép tạng lớn của Pháp, nơi GS. Didier HUSSEIN, chuyên gia ghép gan nổi tiếng thế giới, người lần đầu tiên chia đôi một lá gan để ghép cho hai bệnh nhân. GS. Giang đã trở thành người Việt Nam đầu tiên học về ghép tạng. BV COCHIN cũng là nơi GS. Giang được tham gia vào nhóm triển khai PTNS đầu tiên do GS Bernard DELAITRE đứng đầu. Đây là cơ duyên để sau này, GS. Giang đã chắp nối để BV Việt Đức mời GS DELAITRE và BS Bernard CADIERE, những phẫu thuật viên nội soi tài hoa ở Universite de la Liberte de Brucxel sang BV Việt Đức thực hiện ca PTNS đầu tiên vào cuối năm 1992, chỉ sau ca PTNS đầu tiên trên thế giới có 5 năm.

 

4 năm sau, ông tiếp tục được sang học tại Bệnh viên , Trường Đạ học NICE-SOPHIA-ANTIPOLIS một Trung tâm nổi tiếng ở Pháp để học chuyên sâu về phẫu thuật nội soi và cũng là người đầu tiên được cấp bằng DIPLOME D,UNIVERSITE về lĩnh vực này. Đây chính là dấu mốc để lĩnh vực PTNS ở Việt Nam được mở ra và phát triển.

 

GS. Giang bồi hồi xúc động nhắc về những người thầy của mình: Tôi biết ơn 2 người đã có vai trò quan trọng để chuyên ngành PTNS phát triển như hôm nay, dù họ không phải là các bác sĩ PTTS. Đó là GS. Nguyễn Dương Quang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và GS. Vũ Mạnh, Phó phòng Y vụ, khi đó.

 

Năm ấy, Nhà nước cấp 500 triệu để Bệnh viện mua xe con, phục vụ GS. Quang, vì chiếc Vonga vốn của GS. Tôn Thất Tùng đã quá cũ. Thời điểm này, GS. Giang học ở về Pháp về và rất muốn triển khai PTNS, nhưng cơ sở vật chất hoàn toàn chưa có gì. GS. Giang tâm sự với GS. Vũ Mạnh, người cũng mong cho chuyên ngành PTNS ở Việt Nam phát triển, vì lúc này, PTNS đang rộ lên ở các nước tiên tiến. Biết GS. Quang đang có “cục tiền” để mua xe, GS. Vũ Mạnh bèn cùng GS. Giang gặp ông để trình bày. Người thầy lớn của y học Việt Nam lập tức đồng ý: “Tôi thì cần gì xe ô tô. Các anh cứ lấy 500 triệu đó, rồi bệnh viện bù thêm nữa vào mà mua máy PTNS.”

 

Nếu không có sự sẵn lòng hy sinh quyền lợi của người thầy khi đó, không biết bao giờ kỹ thuật PTNS mới được bắt đầu ở Việt Nam, để phát triển như hôm nay. Chính điều này khiến đến giờ, GS. Giang vẫn còn nguyên niềm xúc động khi nhắc đến.

 

Mặc dù vậy, không phải mọi thứ đã suôn sẻ từ đầu. Nhiều “cây đa cây đề” trong ngành ỉ eo rằng mổ mở còn chả ăn ai, thì PTNS nhìn thấy gì mà cắt! Nhưng tự tin vào kiến thức và tay nghề đã được đào tạo, lại có những người tâm huyết như GS. Quang, GS. Đỗ Kim Sơn, GS. Vũ Mạnh ủng hộ, chàng bác sĩ trẻ không nản lòng. Dù không mổ nội soi nhưng GS. Tôn Thất Bách đã 2 lần giao cho GS. Giang mổ nội soi cho chính bố vợ và cậu ruột, như một bảo chứng rằng ông ủng hộ phát triển PTNS, khiến GS. Giang càng yên tâm với con đường đã chọn.

 

Từ đây, GS. Giang tiếp tục nghiên cứu và triển khai kỹ thuật PTNS thượng thận, cũng vì khi học ở BV COCHIN, ông đã tham gia các ca mổ mở cắt u tuyến thượng thận của GS. CHAPUIS. Tuyến thượng thận nằm rất sâu nên mổ mở rất khó tiếp cận, phải rạch đường rất lớn, chưa kể chỉ cần chạm nhẹ là huyết áp tăng vọt. Vì thế trước đây, mỗi lần mổ tuyến thượng thận là phải chuẩn bị thuốc men, các phương án kỹ càng, vì nguy cơ  đứt mạch máu não, gây liệt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng với việc áp dụng mổ nội soi, bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ là dễ dàng phát hiện khối u và trong quá trình phẫu thuật hoàn toàn kiểm soát được hệ thống mạch máu nên không có biến chứng vốn thường nặng nề và dễ xảy ra của mổ mở. Đặc biệt, thay vì mổ nội soi 3 lỗ, GS. Giang chỉ cần PTNS 1 lỗ. Vì thế, bệnh nhân ít chảy máu, hồi phục rất nhanh, chỉ 2-3 hôm là ra viện.

 

Nghiên cứu khoa học của GS. Trần Bình Giang về mổ nội soi tuyến thượng thận đã được công bố quốc tế từ 2002. Cho đến nay, đã có hàng nghìn bệnh nhân được PTNS và BV Việt Đức trở thành một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận. GS. Giang còn trực tiếp đào tạo được hơn 10 bác sĩ PTNS tuyến thượng thận để mở rộng đào tạo cho các bác sĩ tuyến tỉnh.

 

Một đóng góp mang ý nghĩa đặc biệt trong y học Việt Nam của GS. Trần Bình Giang là điều trị bảo tồn vỡ các tạng. Trước đây, cứ vỡ gan, vỡ lá lách, vỡ thận là phải mổ. Với lá lách, chỉ hơi vỡ cũng phải cắt vì sợ không cầm máu được sẽ nguy hiểm tính mạng người bệnh. Nhưng rồi, đọc các tài liệu trên thế giới, GS. Giang phát hiện ra rằng: Gan, lá lách, thận đều có thể liền được, chứ không cần phải mổ, do đó có thể điều trị bảo tồn. Phát hiện này cực kỳ quan trọng, bởi việc giữ được các tạng rất quan trọng với sức khỏe, nhất là lá lách sản sinh ra các kháng thể chống lại bệnh tật. Vì thế, GS. Giang quyết định làm luận án tiến sĩ về vấn đề này.

 

3 năm làm luận án, ông phải tiến hành hàng loạt nghiên cứu rất kỳ công. Ông đến Bộ môn giải phẫu, nghiên cứu kỹ các tiêu bản, để biết chỗ nào cắt được chỗ nào khâu được. Ông bơm nhựa bóng bàn vào lá lách của người chết vô thừa nhận, ngâm vào dịch để có những mẫu tiêu bản phân tích cấu trúc giải phẫu của lá lách. Đặc biệt, ông còn xét nghiệm, phân tích máu của những người cắt lá lách và máu của những người đã bảo tồn lá lách, chứng minh được rằng những người đã cắt lá lách bị rối loạn miễn dịch trong khi những người được bảo tồn lá lách thì không. Kết luận khoa học này cực kỳ có giá trị để đưa đến quyết định bảo tôn điều trị lá lách cho người bệnh. Luận án Tiến sỹ của ông về đề tài này đã được xếp loại xuất sắc.

 

Trên cơ sở các nghiên cứu này, ông tiếp tục triển khai, hệ thống hoá và đưa việc điều trị bảo tồn không mổ vỡ tạng thành quy trình khoa học trong sách chuyên khảo do ông là tác giả. Vì thế, nhiều năm qua, BV Việt Đức đã điều trị bảo tồn vỡ các tạng cho hàng nghìn người bệnh, thay vì mổ như trước. Tiếp đó, kỹ thuật này đã được triển khai ở các bệnh viện vệ tinh của BV Việt Đức và ngày nay, hầu hết các bệnh viên trong cả nước đã áp dụng có hiệu quả phương pháp điều trị bảo tồn không mổ vỡ tạng đặc. “Trước đây 100% ca chấn thương vỡ gan, lá lách, thận đều phải mổ, thì nay 95% ca chỉ điều trị bảo tồn. Việc này giúp người bệnh không bị đau nhiều như mổ, ít mất máu, ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh, và khả năng miễn dịch của bệnh nhân vỡ lá lách không bị ảnh hưởng. Đây là một trong số ít các công trình nghiên cứu được ứng dụng thành công rộng rãi trong thực tế”- GS. Giang chia sẻ với niềm tự hào.

 

Những năm gần đây, GS.Trần Bình Giang đi sâu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong các bệnh lý chuyên sâu, phức tạp. Ông là người đã lần đầu tiên  thực hiên phẫu thuật nội soi thay đoạn động mạch chủ bụng, cắt khối tá tuỵ là những kỹ thuật chỉ một số ít trung tâm lớn trên thế giới có thể thực hiện được. Ông cũng là người đầu tiên thực hiện và xây dựng đội ngũ chuyên sâu của Trung tâm phẫu thuật nội soi BV Việt đức thực hiên phẫu thuật nội soi điều trị bệnh béo phì, góp phần vào công bố quốc tế về béo phì của châu Á trên tạp chí khoa học chuyên ngành OBESITY. Hiện nay, ông đang tập trung vào nghiên cứ ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để phẫu thuật cắt bỏ thành công nhiều ca u đại tràng nằm ở vị trí thấp, rất phức tạp mà nhiều bệnh viện lớn đã trả về, mà vẫn bảo toàn được cơ thắt đại tràng cho bệnh nhân. Với những khối u ở vị trí phức tạp, đa phần các bác sĩ cắt bỏ và bệnh nhân phải làm hậu môn nhân tạo, rất bất tiện và hàng ngày phải thay túi mới, rất ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh…Nhưng nhờ kết quả nghiên cứu của GS. Giang về việc ứng dụng indocyanine green để đánh giá mức độ xâm lấn khối u cũng như việc cấp máu cho miệng nối đại tràng-ống hậu môn, , Bệnh viện Việt Đức hiện là nơi vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u ở vị trí thấp vừa bảo toàn được cơ thắt đại tràng cho bệnh nhân. Vì thế, tỉ lệ bệnh nhân bị u trực tràng phải làm hậu môn nhân tạo ở BV rất ít. Việc mổ nội soi giúp bệnh nhân ít đau, phục hồi nhanh, ít bị nhiễm trùng và đạt thẩm mỹ. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng với người dân Việt Nam, bởi số người mắc bệnh u đại tràng ở nước ta rất lớn, trong đó, chiếm đa phần là u nằm ở vị trí thấp do hầu hết người bệnh chỉ đến BV khi đã ở  giai đoạn muộn.

 

PV Thanh Hằng/Báo Công an nhân dân

Tagged in: Tags: