Đề án Bệnh viện vệ tinh: “Thay máu” cho tuyến dưới
07/12/2017 07:42
Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) đã làm các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển về chiều rộng và chiều sâu.
Nếu như trước đây mỗi khi bị bệnh nặng cần phải phẫu thuật thì những người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa phải về các trung tâm lớn để được điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, khi chủ trương của Chính phủ và ngành y tế bằng một loạt các biện pháp như thực hiện Đề án BVVT, Đề án 1816 là hướng về cơ sở, giảm quá tải bệnh viện thì những người dân ở địa phương này đã được thụ hưởng nhiều kỹ thuật cao ngay tại quê hương mình.
Làm chủ nhiều kỹ thuật khó ở tuyến tỉnh
Đề án BVVT đã làm các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi ngày càng phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, nhờ được tham gia Đề án BVTV, nhiều bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh ở khu vực miền núi đã và đang khẳng định chỗ đứng của mình với nhân dân trên địa bàn như BVĐK Phú Thọ, BVĐK Lào Cai, BVĐK Lai Châu, BVĐK Hà Giang, BVĐK Tuyên Quang…
Nhờ được tiếp nhận thành công kỹ thuật mổ u não (phương pháp mổ mở lấy u) từ các bác sĩ BV Việt Đức, các bác sĩ BVĐK tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thành công ca bệnh mổ u não đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Mổ u não là kỹ thuật không có quá khó đối với các bác sĩ ở BV tuyến Trung ương, nhưng với một BVĐK tuyến tỉnh, lại ở miền núi như Tuyên Quang để làm được điều này không phải là dễ dàng.
Bệnh nhân T.T.Th, 53 tuổi ở xã Thái Long, TP. Tuyên Quang vô cùng vui mừng vì với căn bệnh của bà như trước đây chắc chắn phải xuống Hà Nội và chi phí là vấn đề rất nặng đối với một người bệnh nghèo, gia đình khó khăn ở miền núi khó nhưng nay được phẫu thuật ngay tại bệnh viện tỉnh, số tiền bệnh nhân phải chi trả đã giảm rất nhiều.
Cũng giống như Tuyên Quang, BVĐK tỉnh Phú Thọ rất thành công trong việc tiếp nhận các kỹ thuật cao từ BV hạt nhân để phục vụ bà con nhân dân trong tỉnh và các địa phương lân cận. BVĐK Phú Thọ cũng là BV tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận vào năm 2015. Đến nay, BV đã triển khai 100% các dịch vụ kỹ thuật loại I và trên 40% các dịch vụ loại đặc biệt, kể cả nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu thuộc nhiều lĩnh vực như: ung bướu, tim mạch, ngoại khoa, huyết học truyền máu… Trung bình mỗi năm, Bệnh viện triển khai khoảng 40-45 kỹ thuật mới. Nhiều kỹ thuật khó như: phẫu thuật cắt bỏ các khối u nằm sâu trong ổ bụng (trong điều trị ung thư); cấp cứu tim mạch và can thiệp tim mạch (trong lĩnh vực tim mạch); phẫu thuật sọ não, cột sống, thay khớp nhân tạo, ghép thận (trong lĩnh vực ngoại khoa)… đã được đội ngũ y, bác sĩ BVĐK Phú Thọ thực hiện thành công. Theo đó, tỷ lệ chuyển tuyến của BVĐK Phú Thọ chỉ còn 1%.
BVĐK Lào Cai cũng rất thành công trong phát triển kỹ thuật ngoại khoa như phẫu thuật cắt gan, khâu nối cho bệnh nhân vỡ tạng, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật mổ máu tụ trong não, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng tia laser…
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện Đề án BVVT đã được triển khai ở 100% các tỉnh với trên 10 chuyên khoa, để đề án được thành công vững chắc, PGS. Khuê nói: “Tôi phải khẳng định sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở rất quan trọng. Trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa nhấn mạnh kỹ vai trò của các bệnh viện hạt nhân nhưng đề nghị có sự cam kết công văn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bởi ở cơ sở, nếu không có sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền thì rất khó”.
Để Đề án BVVT được thành công hơn nữa, Bộ Y tế rất cần sự ủng hộ, đồng lòng của chính quyền địa phương. Bộ Y tế không quản lý trực tiếp các cán bộ y tế ở địa phương, không đề bạt khen thưởng, không trực tiếp đầu tư mà chỉ thông qua các đề án. Việc quản lý con người, cơ sở vật chất lại là do địa phương. Do vậy, trong tất cả các đề án khi chuyển giao xuống, Bộ Y tế rất cần sự đồng thuận và chấp nhận của chính quyền địa phương trong thực hiện các nội dung hoạt động.
Theo Xuân Khanh/Sức khỏe đời sống