Cứu sống bệnh nhân người nước ngoài bị vỡ phình động mạch chủ nguy kịch
14/05/2018 22:31
Thông tin từ PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sỹ vừa cứu sống bệnh nhân Hsu Tse Sheng, 73 tuổi, Quốc tịch Đài Loan bị vỡ phình quai động mạch chủ ngực đường kính hơn 7cm.
Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đa mạch máu, toàn trạng béo, thể trạng huyết áp cao, xơ vữa mạch máu lâu ngày. Năm 2015, bệnh nhân đã đặt 1 stentgraft chữ Y do bị phình động mạch chủ bụng dưới thận. Ngày 4/5/2018, trong khi đi du lịch ở Việt nam, bệnh nhân đột ngột bị đau ngực dữ dội, khó thở, sốc mất máu, và được công ty du lịch đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Bãi Cháy – Quảng Ninh, tại đây bệnh nhân đã được tích cực cấp cứu, đặt ống nội khí quản thở máy, chọc hút bớt máu trong khoang màng phổi trái di bị tràn máu cấp, và chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân Hsu Tse Sheng trong tình trạng sốc rất nặng, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hồi sức tích cực cho bệnh nhân, sau đó khẩn trương chụp cắt lớp 64 dãy dựng hình, qua đó chẩn đoán chính xác được thương tổn là vỡ phình quai động mạch chủ đường kích hơn 7cm vào màng phổi trái.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực cho biết: Do bệnh nhân là người già, béo bệu, toàn trạng rất kém, mạch xơ vữa nhiều, động mạch chủ ngực đoạn còn lại sau chỗ vỡ gấp khúc, có rất nhiều ổ loét đang tạo thành túi phình và tương lai gần sẽ bị vỡ tiếp, nên chỉ có giải pháp duy nhất có thể cứu được bệnh nhân là điều trị theo phương pháp Hybrid (cùng lúc vừa phẫu thuật vừa can thiệp đặt stent động mạch chủ), trong đó phải đặt stent từ quai động mạch chủ tới tận sát phía trên động mạch thân tạng sau khi mổ bắc cầu giữa hai động mạch cảnh để đảm bảo tưới máu cho não – đây là phương pháp điều trị rât khó với chi phí lớn. Vì có tiền sử đã đặt stent động mạch chủ bụng sẵn, nên nguy cơ bị liệt do thiếu máu tủy khá cao sau khi đặt stent, nên các bác sỹ phải làm thêm 1 cầu nối nữa giữa động mạch cảnh trái và dưới đòn trái và nút gốc động mạch dưới đòn. Hơn nữa, khi đó bệnh nhân đã bị suy đa tạng (suy thận, chức năng gan), rối loạn đông máu rất nặng, huyết áp thấp, nên nguy cơ rủi ro phẫu thuật rất cao.
Sau khi đã trao đổi nhanh với người thân bệnh nhân, liên hệ với phía y tế Đài Loan qua đường ngoại giao, xác định không còn giải pháp khác và nếu không xử trí ngay thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong, nên ngay trong buổi chiều cùng ngày, ca phẫu thuật Hybrid cấp cứu đã được tiến hành tại đơn vị Hybrid thuộc Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, bao gồm: bắc cầu động mạch cảnh phải – cảnh trái – dưới đòn trái, nút gốc động mạch dưới đòn trái, đặt stentGraft động mạch chủ từ quai động mạch chủ tới sát trên động mạch tạng, phẫu thuật nội soi lấy máu cục trong khoang màng phổi. Sau đó tiếp tục hồi sức rất tích cực cho bệnh nhân.
Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công gần 100 ca đặt stent-graf động mạch chủ, nhưng phần lớn các trường hợp ở giai đoạn đầu của vỡ phình hoặc chưa vỡ, bệnh nhân Hsu Tse Sheng đã vỡ hoàn toàn khối phình vào khoang màng phổi, tình trạng chảy máu rất nhiều ép vào phổi, sốc mất máu rất nặng, trước khi phẫu thuật bệnh nhân bắt đầu rơi vào tình trạng suy đa tạng. Các bác sỹ đã giành lại sự sống cho bệnh nhân sau hơn 4 tiếng phẫu thuật.
Hiện tại, các chức năng sống của người bệnh đã ổn định, bệnh nhân Hsu Tse Sheng sẽ tiếp tục được theo dõi và điệu trị tại phòng hồi sức tích cực Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện sau hai tuần nữa.
Phòng Công tác xã hội