Chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cảnh báo hai căn bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

23/11/2019 21:00

Trên thực tế hai căn bệnh khó nói nhưng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người dân là táo bón và đi ngoài phân lỏng. Song, khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hóa ở ruột.


Ngày 23/11, các bác sĩ đầu ngành về các bệnh lý tầng sinh môn, đại trực tràng tại BV Việt Đức đã khám và tư vấn miễn phí cho hàng trăm người dân về các bệnh lý trĩ, nứt kẽ hậu môn, áp xe – rò hậu môn…

 

Nữ bệnh nhân 45 tuổi, làm kế toán tại một đơn vị ở Hà Nội đến khám vì khoảng vài tháng nay chị thường xuyên bị táo bón, thậm chí có lần còn đi ngoài ra máu. Nếu như trước đây, chị thường ngày nào cũng đi ngoài thì nay thói quen đó đã không còn, thậm chí đôi khi chị còn sợ đi ngoài vì “sau mỗi lần đi ngoài do táo bón, tôi cảm thấy bị rát, đau quanh vùng hậu môn”- chị kể với BSCK II Phạm Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, BV Việt Đức

Đông đảo người dân đến tham gia thăm khám tại chương trình về các bệnh lý trĩ, nứt kẽ hậu môn, áp xe – rò hậu môn ngày 23/11

BSCK II Phạm Thị Thanh Huyền cho hay thường xuyên gặp những ca bệnh như trường hợp của nữ bệnh nhân trên đến khám. Trên thực tế hai căn bệnh khó nói nhưng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người dân là táo bón và đi ngoài phân lỏng. Song, khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hóa ở ruột.

 

“Táo bón hoặc đi phân lỏng có thể là triệu chứng cho thấy bệnh nhân đã mắc hội chứng ruột kích thích từ nhẹ đến nặng”- BS Huyền nhấn mạnh.

 

Hội chứng ruột kích thích xảy ra khi ruột bị rối loạn chức năng, mẫn cảm với tất cả các loại thức ăn. Ở thể bệnh nặng, người mắc bệnh không ăn được, không thể hấp thu chất dinh dưỡng, nhưng cứ ăn vào là đi ngoài phân lỏng hoặc bị táo bón.

 

Hậu quả, một số người mắc hội chứng ruột kích thích không đi ngoài được, bị giãn trực tràng, phải phẫu thuật mà không biết nguyên nhân. Một số bệnh nhân thì bị suy sụp do không thể ăn uống hoặc phải ăn kiêng quá nghiêm ngặt. Nặng hơn, có người bệnh phải điều trị bệnh căng thẳng, cứ ăn vào là đi đại tiện, cơ thể gầy mòn.

 

Trong khi đó, hội chứng ruột kích thích rất khó điều trị. Bác sĩ phải vừa kê đơn thuốc để điều trị triệu chứng, vừa phải kiên nhẫn giải thích và đóng vai trò một bác sĩ tâm lý để người bệnh hiểu nguyên nhân, phối hợp uống thuốc và thực hiện các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

 

Theo BS Huyền, táo bón và đi ngoài phân lỏng, ruột kích thích có liên quan mật thiết với chế độ ăn, thói quen sinh hoạt của mọi người. Tuy nhiên, người dân chỉ chú ý điều chỉnh thói quen ăn uống mà không chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thói quen đi vệ sinh khi gặp các bất thường về đường ruột, hậu môn.

 

Trong đó, thói quen sinh hoạt tai hại mà nhiều người mắc phải, là làm việc quá nhiều nên nhịn đi vệ sinh, thậm chí trong lúc đi vệ sinh lại đọc báo, xem điện thoại… “Điều này khiến cho quá trình đại tiện không thuận lợi, đại tràng co bóp nhưng không thể đẩy, thải ra phân, làm cho phân quay trở lại đường ruột gây rối loạn co bóp đại tràng, rối loạn hấp thu đường ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích.

BSCK II Phạm Thị Thanh Huyền thăm khám và tư vấn điều trị cho người bệnh tại chương trình

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu công việc, mọi người có xu hướng ngồi nhiều hoặc đi lại nhiều. Cả hai hoạt động này đều không thuận lợi cho việc đại tiện, nhu động ruột.

 

BS Huyền cho hay, hiện nay hội chứng ruột kích thích gây táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng có xu hướng trẻ hóa. Đã có nhiều bệnh nhân có độ tuổi còn rất trẻ đến khám, tư vấn, hoặc, nhiều bệnh nhân tuổi trung niên chia sẻ, nhờ tư vấn về tình trạng bệnh của người thân là thanh niên.

 

“Vì vậy, người dân cần chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt và thói quen đi vệ sinh hàng ngày. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn bổ sung nhiều chất xơ và cung cấp đủ nước cho cơ thể, người dân nên tập thói quen đi vệ sinh vào buổi tối, không làm việc, đọc sách trong lúc đi vệ sinh, hạn chế sử dụng các chất kích thích đường ruột… để tránh mắc mắc táo bón hay các bệnh lý về đại trực tràng, hậu môn”- BS Huyền khuyến cáo.

 

Cũng tại chương trình, chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn cho biết, trung bình, mỗi ngày có đến 20-30 bệnh nhân đến khám các bệnh lý liên quan đến tầng sinh môn tại BV Việt Đức, trong đó 10 bệnh nhân có bệnh lý hậu môn trực tràng, 5-7 ca mắc bệnh trĩ. Trong điều trị nội khoa, 50% ca mắc hoàn toàn có thể sống chung với trĩ. 45% số đó nếu có triệu chứng đơn giản có thể dùng thủ thuật tiêm xơ, đốt laze, đốt sóng cao tần…

 

BS Hùng cho biết, một thực tế hiện nay trong điều trị bệnh trĩ là nhiều người dân chữa kiểu truyền miệng, tin vào thuốc nam hoặc bác sĩ google. Đây là một bệnh phổ biến và có nhiều mức độ cũng như phương pháp can thiệp khác nhau, nên có những nơi học mót các can thiệp này nhưng không học một cách đầy đủ, chuyên khoa nên dẫn tới các trường hợp, mặc dù chữa bệnh sẽ đỡ nhưng không khỏi được bệnh dẫn đến biến chứng, di chứng.

PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng khám và tư vấn điều trị bệnh lý hậu môn đại trực tràng cho người dân tại chương trình

Vì thế, có trường hợp bệnh nhân đắp thuốc điều trị nội khoa cho bệnh ở giai đoạn nặng, nhưng lại sử dụng thuốc đông y không kiểm soát gây hoại tử, ngộ độc, suy đa tạng phải hồi sức, nguy hiểm tính mạng. Có những ca bệnh để lại di chứng nặng không thể đại tiện thông thường, phải làm hậu môn nhân tạo.

 

BS Hùng khuyến cáo, những người mắc bệnh lý này, để tránh gây ra các đợt cấp tính của bệnh trĩ cần phải có chế độ ăn uống vệ sinh lành mạnh và loại bỏ ba nhóm thức ăn gồm: cay nóng như ớt, hạt tiêu, xả; sử dụng đồ uống có chất alcohol như rượu, bia và những chất có caffeine như chè đặc, cà phê…

 

 

PV Thái Bình/Báo Sức khoẻ và Đời sống

 

Tagged in: Tags: