Chuẩn bị ghép tạng “vô tiền khoáng hậu” ở Bệnh viện Việt Đức
20/06/2017 08:01
Hàng loạt thành công trong việc ghép tim, gan, thận vv… đã “cải tử hoàn sinh” cho nhiều người trở thành động lực để các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị cho ca ghép phổi người lớn đầu tiên ở Việt Nam và ghép tứ chi, ghép mặt và ghép tử cung, tạo bước đi mới trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam.
“Ca ghép phổi cho người lớn sẽ được Bệnh viện Việt Đức tiến hành vào tháng 9-2017, đồng thời, cũng đã sẵn sàng cho việc ghép chi thể, ghép mặt và ghép tử cung.” Thông tin này được GS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia –cho biết trong cuộc gặp mặt báo giới ngày 19-6 tại Hà Nội.
Bệnh nhân dự kiến được ghép phổi là một người đàn ông bị bệnh lý về phổi đã luôn phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống.
Ca ghép phổi cho trẻ em đầu tiên ở Việt Nam do Bệnh viện 103 thực hiện thành công vào tháng 2-2017 có sự tham gia của các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản, nhưng với ca ghép tới đây, GS. Trịnh Hồng Sơn cho biết, Bệnh viện Việt Đức đã có nhiều dự kiến:
Phương án một là có chuyên gia tham gia song việc ghép vẫn do các phẫu thuật viên Việt Nam trực tiếp thực hiện. Phương án hai là có thể không có chuyên gia, mà do các bác sĩ Việt Nam tự tiến hành. Một phương án nữa là không có chuyên gia do Bệnh viện dự kiến mời, mà là một ekip chuyên gia của nước khác đến hỗ trợ ghép.
Ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên nên sẽ rất nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Người bị bệnh phổi nặng dù phải cần tới sự hỗ trợ thở ô xy, nhưng để thuyết phục họ ghép phổi không dễ. Chưa kể, ghép phổi là loại ghép tạng dễ gặp nhiễm trùng nhất và hồi sức sau ghép cũng vô cùng nhiều thách thức. Hơn nữa, ca ghép không phải là đề tài Nhà nước nên sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
Tuy nhiên, hiện nay, Bệnh viện đã chuẩn bị kỹ càng cho ca ghép từ nguồn ghép, người nhận, phẫu thuật viên, các trang thiết bị, máy móc hiện đại, bàn mổ vv… Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, công tác chăm sóc sau ghép cũng đã lên kế hoạch. Ngoài hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại mà Bệnh viện Việt Đức đã có, khi cần thiết, Bệnh viện sẽ phối hợp với các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108 để có các phương tiện, dụng cụ đầy đủ.
“Nếu ngay bây giờ có người cho chết não hiến phổi, chúng tôi cũng đã có thể tiến hành ghép luôn mà không chờ đến tháng như kế hoạch.” – GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định.
Từ những thành công trong lĩnh vực ghép tạng, đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức cũng sẵn sàng cho các lĩnh vực ghép mới như ghép tử cung, ghép tứ chi, ghép mặt.
Việc ghép tử cung sẽ tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ được thực hiện thiên chức làm mẹ. Lâu nay, có rất nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung, hay bị dị dạng tử cung, nên không thể có con. Tới đây, nếu Bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép tử cung, những người phụ nữ này hoàn toàn có thể sinh nở như những người phụ nữ bình thường. Đây cũng là một mục tiêu rất nhân văn của lĩnh vực ghép tạng.
Ghép mặt được đánh giá là phương thức đơn giản hơn, giống như tạo hình khuôn mặt. Vì thế, không quá khó khăn với các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức vốn đã rất thành công trong lĩnh vực ghép đa tạng.
Về ghép ruột, hiện nay, có nhiều người bệnh phải cắt ruột cấp cứu, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nối tá tràng với đại tràng khiến sau khi cắt ruột sức khỏe người bệnh rất yếu ớt, tiều tụy. Nếu được ghép ruột non thì sức khỏe những người bệnh này sẽ hồi phục như bình thường.
Cũng như trong ghép tim, gan, thận, nguồn tạng vẫn là thách thức và trong kế hoạch ghép tứ chi, khó khăn lớn nhất cũng chính là nguồn hiến, vì chỉ có nguồn hiến duy nhất là từ người cho chết não. Trong khi người Việt Nam luôn có quan niệm chết phải “toàn thây” nên việc vận động gia đình người chết não hiến chi rất khó khăn.
Còn về mặt kỹ thuật thì các chuyên gia không ngại vì thực tế việc ghép tứ chi tự thân cho những người không may bị đứt tứ chi cũng đã được thực hiện rất nhiều và thành công. Nếu việc ghép tứ chi được mở rộng, sẽ giúp cho nhiều người bệnh được đổi đời, do hiện số người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động bị cụt chân, tay khá nhiều.
Hiện nay, nhiều kỹ thuật ghép tạng đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Việt Đức như ghép gan, ghép thận. Mỗi tuần, Bệnh viện Việt Đức ghép từ hai đến sáu ca thận, chủ yếu nguồn cho từ người sống. Khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam vẫn là nguồn hiến.
GS. Trịnh Hồng Sơn bày tỏ: “Ngày nào cũng có từ một đến năm ca chết não do tai nạn giao thông. Nếu những ca này đồng ý hiến tạng, sẽ có tạng cứu sống được rất nhiều người. Vì thế, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là báo chí sẽ đồng hành cùng ngành y tế trong việc tuyên truyền vận động mọi người đăng ký hiến tạng vì mục đích nhân đạo. Đây cũng là cơ sở để tạo điều kiện cho ngành ghép tạng ở Việt Nam có những bước tiến mới.
Theo PV. Thanh Hằng/ Báo Công an nhân dân
Theo GS. Trịnh Hồng Sơn, tính đến nay, số ca ghép tạng thành công tại Việt Nam là 2.425 ca. Trong đó, có 2.327 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận + tụy, một ca ghép phổi…
Tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não toàn quốc là 8.315.
Tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, số người đăng ký hiến xác là 167 người; số người đăng ký hiến tạng khi còn sống là 65 người. Có 6 người đã thực hiện hiến tạng khi còn sống. |
-
Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
20/11/2024 09:47