Chẩn đoán và điều trị phình động mạch chủ bụng

11/03/2024 08:02

 

 1. Các phương pháp điều trị:

 

– Sau khi đánh giá kĩ nguy cơ vỡ của khối phình động mạch chủ bụng của bạn, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về hướng xử trí.

 

– Có hai phương thức điều trị bệnh lý này đó là phẫu thuật mổ mở thay đoạn động mạch chủ bụng và can thiệp nội mạch đặt ống ghép nội mạch (hay còn gọi đặt stent – graft).

 

a. Phẫu thuật mổ mở thay đoạn động mạch chủ bụng:

Phẫu thuật mổ mở thay đoạn động mạch chủ bụng bằng mạch nhân tạo

 

– Bác sĩ sẽ thay thế đoạn mạch bị phình bằng cách mổ toàn bộ khoang bụng của người bệnh. Đoạn mạch động mạch chủ bụng bị phình sẽ được thay thể bằng một đoạn mạch nhân tạo.

 

– Người bệnh thường được gây mê toàn thân.

 

– Thời gian phẫu thuật thường kéo dài 3-4 tiếng.

 

– Người bệnh thường sẽ trải qua 2 ngày tại phòng chăm sóc đặc biệt và xuất viện trong vòng khoảng 1 tuần.

 

– Người bệnh thường mất 2 -3 tháng để có thể hồi phục hoàn toàn.

 

b. Can thiệp nội mạch đặt ống ghép nội mạch (hay còn gọi đặt Stent – Graft)

 

Kĩ thuật can thiệp nội mạch đặt Stent – Graft động mạch chủ bụng

 

– Can thiệp nội mạch đặt khung giá đỡ động mạch chủ (tiếng Anh viết tắt là EVAR) là biện pháp xâm lấn tối thiểu.

 

– Ống ghép nội mạch hay Stent – Graft là một khung giá đỡ bằng kim loại (thường là Nitinol) tự nở được khâu kín bởi lớp bọc bằng sợi nhân tạo.

 

– Ống ghép kim loại này được đặt vào bên trong túi phình mà không cần phẫu thuật mổ mở.

 

– Người bệnh thường chỉ cần gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng mà không cần đặt nội khí quản gây mê toàn thân.

 

– Thời gian thủ thuật 1-3 tiếng.               

 

– Người bệnh chỉ cần mất vài giờ ở phòng chăm sóc đặc biệt và yêu cầu nằm viện theo dõi tối thiểu 1-2 ngày.

 

– Người bệnh chỉ mất 1-2 tháng để hồi phục hoàn toàn.

 

2. Các bước của thủ thuật can thiệp nội mạch đặt Stent – Graft động mạch chủ bụng

 

– Trước thủ thuật: Người bệnh sẽ được chụp phim cắt lớp vi tính để đo đạc, tính toán kích thước và lựa chọn kích cỡ dụng cụ phù hợp.

 

– Trong thủ thuật, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ hoặc tê tủy sống, bác sĩ can thiệp sẽ rạch 2 đường rạch da rõ vùng bẹn (thường 3-5 cm) ở 2 bên để chuẩn bị đưa dụng cụ vào.

 

– Dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng (tia X), dụng cụ sẽ được đưa vào vị trí trong lòng túi phình, bác sĩ can thiệp sẽ tháo Stent – Graft vị trí ổn định, sau khi chụp lại chắc chắn vị trí, toàn bộ dụng cụ sẽ được đưa ra ngoài và các bác sĩ sẽ đóng mạch, khâu da vị trí vùng bẹn 2 bên.

 

– Sau thủ thuật, người bệnh sẽ nằm bất động ít nhất 4 đến 6 giờ. Có vài khó chịu vị trí vùng bẹn 2 bên tuy nhiên điều đó sẽ đỡ dần sau 2 ngày.

 

– Một vài tác dụng phụ sau thủ thuật như:

 

      + Sưng đau vùng bẹn 2 bên.

 

      + Tê bì chân 2 bên.

 

      + Buồn nôn và nôn.

 

      + Đau chân 2 bên.

 

      + Chán ăn.

 

      + Sốt.

 

      + Đầy hơi, chướng bụng trong 1-3 ngày sau can thiệp.

 

3. Sau can thiệp có làm thay đổi cuộc sống thường ngày của bạn không?

 

– Câu trả lời là CÓ.

 

– Bạn sẽ phải thường xuyên hơn tái khám để kiểm tra Stent – Graft đã đặt của bạn.

 

– Xin những lời khuyên từ bác sĩ với những thói quen sinh hoạt và hoạt động thể chất của bạn ví dụ như:

 

      + Hạn chế leo cầu thang (khoảng 2-3 lần/ngày trong 3 ngày đầu sau mổ).

 

      + Không chơi thể thao, vận động mạnh trong 2 tuần đầu sau mổ.

 

      + Không nhấc vật nặng >2kg trong vòng 2 tuần sau mổ.

 

      + Khi nằm nghỉ nên kê cao chân hơn ngực (kê gối dưới chân).

 

– Có một số thuốc bắt buộc phải duy trì sau can thiệp nội mạch như kháng tiểu cấu, hạ huyết áp, mỡ máu, KHÔNG được tự ý ngưng thuốc nếu chưa tham khảo bác sĩ chuyên khoa tim mạch và can thiệp.

 

– Thay đổi lối sống hạn chế biến chứng và nguy cơ tim mạch như chế độ ăn hợp lý, tập thể dục thường xuyên hơn, ngưng hút thuốc lá, giảm stress trong công việc.

 

5. Những dấu hiệu nào sau đây khiến bạn phải liên lạc gấp và tái khám khẩn cấp bác sĩ can thiệp của bạn:

 

– Đau, tê bì, lạnh, mất cảm giác, yếu liệt 2 chân.

 

– Đau ngực – bụng hoặc vùng bẹn 2 bên cấp.

 

– Chóng mặt, nhịp tim nhanh, ngất hoặc yếu đột ngột.

 

6. Theo dõi bệnh lý:

 

– Đây là việc vô cùng quan trọng sau can thiệp nội mạch đặt ống ghép Stent – Graft, hầu hết các biến cố để không có triệu chứng lâm sàng nên việc theo dõi thường xuyên theo quy định là cần thiết.

 

– Thời gian tái khám sẽ phụ thuộc vào bác sĩ can thiệp của bạn, thông thường là sau can thiệp 1 tháng – 3 tháng – 6 tháng – 12 tháng – 1 đến 2 năm/lần.

 

– Tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà bác sĩ theo dõi sẽ cho bạn siêu âm định kỳ hay chụp cắt lớp vi tính tiêm thuốc/không tiêm thuốc để đánh giá tình trạng Stent – Graft của bạn.

 

Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Tim mạch và Lồng ngực uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags: