Bi kịch đằng sau những vụ tai nạn giao thông
16/11/2018 16:23
22h, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, liên tục tiếp nhận bệnh nhân mới. Không khí đặc quánh bởi mùi thuốc sát trùng, mùi máu, băng gạc, ống thở và cả những tiếng kêu la đau đớn. Quá nửa trong số họ phải đến đây vì tai nạn giao thông.
Đám cưới dang dở…
Ngồi bên giường bệnh, cau mày, ông Lâm (59 tuổi, Phổ Yên, Thái Nguyên) ngồi thỉnh thoảng chép miệng, bặm môi rồi thở hắt ra nhìn cậu con trai duy nhất của mình đang nằm trên giường bệnh. Vợ ông đứng kế bên, lặng im nhưng mắt đỏ hoe, gặp ánh mắt người lạ, bà quay vào trong lau vội nước mắt.
“Trời nhá nhem tối, con trai tôi đi xe máy đến nhà bạn gái để tính chuyện đám cưới thì bị ôtô tạt khi cùng rẽ vào một đường khác. Năm nay nó 34 tuổi mới quyết định lấy vợ, cả nhà mừng lắm. Ai ngờ…. Giờ nó chưa tỉnh, chấn thương sọ não, vỡ đốt sống cổ. Nhìn con tôi đau như đứt từng khúc ruột”, ông Lâm buồn bã nói.
Vừa được đưa vào viện, một bệnh nhân trung tuổi ở Hà Nam được các bác sĩ nhanh chóng sơ cứu, xử lý vết thương. “Con chó lao ra đường nhanh quá, tôi tránh không kịp, cả cái xe máy nặng trịch đè lên người, đầu thì đập xuống đất. Đâm vào chó thì kêu ai bây giờ”, người đàn ông bực tức kể lại và liên tục kêu đau.
Nghe người đồng cảnh ngộ kể chuyện bị chó đâm vừa thương, vừa buồn cười, bà Hà (62 tuổi) nheo nheo đôi mắt tím bầm vì tai nạn giao thông. Bác sĩ chẩn đoán bà bị chấn thương sọ não và gãy tay. Đưa bà vào viện có con gái và người phụ nữ gây tai nạn. Đau nhưng bà Hà vẫn đủ tỉnh táo, kể rành rọt câu chuyện của mình. Người phụ nữ này sang đường ở nơi không có giải phân cách cho người đi bộ nên bị xe tông.
Góc phòng, một cô gái rất trẻ theo xe đưa chồng đi cấp cứu. Nước mắt ngắn dài, cô hoảng sợ kể lại câu chuyện vừa xảy ra. Chồng cô gặp tai nạn giao thông do say rượu. Xe đèo 3 người, không ai đội mũ bảo hiểm, một chiếc ôtô tải quệt qua khiến tất cả ngã lăn ra đường rồi bỏ chạy. Không may, chiếc xe ngược chiều khác tiếp tục đâm vào chồng cô. Các bác sĩ chẩn đoán người đàn ông bị vỡ lá lách, vỡ thận, chấn thương sọ não.
Đồ dùng cô mang theo chỉ là một bộ quần áo của chồng, cọc tiền được cuộn tròn cẩn thận chưa tới một triệu đồng. Chồng cô, kinh tế chính trong gia đình, hàng ngày làm phụ hồ hay ai thuê gì làm nấy để kiếm sống. “Chồng tôi bị nặng quá, không có tiền chữa”, cô khóc, ấp úng nói.
“Im! Khóc gì”, người đàn ông nằm bất động, rên rỉ, hơi thở đầy mùi rượu nhưng vẫn tỉnh táo và đủ sức mắng vợ.
Ngoài hành lang, một người đàn ông ngồi ôm gối, vò đầu bứt tai, mệt mỏi sau nhiều giờ túc trực bên đứa em trai phóng xe máy quá nhanh gây tai nạn đang nằm bất tỉnh, cơ thể thương tích khắp người.
Bắt đầu ca trực từ 8h sáng, bác sĩ Đặng Thị Huyền Trang (khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh) vẫn luôn tay luôn chân với công việc cấp cứu. Mỗi ca trực của các bác sĩ khoa Cấp cứu thường có hơn 20 người, làm việc liên tục trong 24 tiếng. Trung bình mỗi ca trực, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – tiếp nhận từ 250 đến 300 trường hợp, trong đó có 50-60% là nạn nhân tai nạn giao thông, 40% số vụ liên quan đến rượu bia. Để giữ tính mạng cho bệnh nhân, bác sĩ Trang từng phải trải qua những ca mổ kéo dài 8 tiếng.
Theo bác sĩ Phạm Gia Anh (Phó trưởng khoa Ung bướu) những ngày gần đây, khoa tương đối “dễ thở”, bởi không phải thời điểm đông bệnh nhân nhất. Vào mỗi dịp lễ, Tết, cuối tuần, số lượng bệnh nhân thường tăng lên đột biến.
“Những tổn thương bệnh nhân tai nạn giao thông phải gánh chịu thường rất nặng nề, đặc biệt nguyên nhân do sử dụng bia rượu, chủ yếu là đa chấn thương, chấn thương sọ não, gãy nhiều xương. Cứ 10 người nhập viện vì tai nạn giao thông thì có tới 2-3 trường hợp không qua khỏi”, bác sĩ Gia Anh cho hay.
Tiếng xe cáng đẩy bệnh nhân ken két ma sát trên nền đá, tiếng thúc giục người nhà bệnh nhân tránh đường, tiếng máy monitor kêu tít tít, tiếng khóc lóc sụt sùi của người thân,… cứ thế nối tiếp nhau đến hết đêm ở khoa Cấp cứu.
Trang mới cuộc đời tăm tối hơn?
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, đường bộ xảy ra 8.889 vụ, làm chết 4.027 người, bị thương 6.997 người.
Nếu may mắn “thoát khỏi lưỡi hái tử thần”, cuộc đời của những nạn nhân tai nạn giao thông sẽ ra sao?
8h sáng, khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khuôn mặt vô hồn, ngơ ngác của chàng trai 17 tuổi khiến tôi ám ảnh. Đó là Vũ Văn Khi, vào viện cách đây 2 tháng.
Không đội mũ bảo hiểm và lái xe máy khi chưa đủ tuổi, vụ va chạm khiến Khi chấn thương sọ não, mất ý thức, tràn dịch phổi, gãy xương đùi, chân… Từ một chàng trai khỏe mạnh, Khi gầy rộc, chân tay bắt đầu teo lại. Vì không có ý thức, bác sĩ phải buộc tay, chân của cậu vào giường bệnh để tránh giãy giụa, cử động mạnh, ảnh hưởng tới những phần đang tổn thương khác trên cơ thể. Khi vẫn nghe được nhưng không thể trả lời. Em chỉ có thể ra hiệu mẹ với bằng ngón tay, mọi sinh hoạt đều mất tự chủ.
Chỉ được học hết lớp 9, Khi phải ở nhà chăm sóc cha bị tâm thần và làm thêm giúp đỡ gia đình. Cuộc sống vốn sẵn khó khăn, vụ tai nạn còn khiến cả nhà em điêu đứng, tương lai càng thêm mờ mịt.
Mắt đỏ hoe nhìn cậu con trai đang ngơ ngác, mẹ Khi chia sẻ: “Tôi cứ tưởng mình đã mất con, sợ Khi không qua khỏi. Con tỉnh lại, tôi vừa mừng vừa lo, không biết con có thể khỏi bệnh, trở thành người bình thường hay mãi nằm trên giường như hiện tại”.
Đau đớn khi bác sĩ tập phục hồi chức năng, nhưng không thể nói, Khi chỉ biết với cánh tay yếu ớt của mình bám vào mẹ, mắt liếc nhìn lên như muốn được mẹ vỗ về.
Bác sĩ Đinh Ngọc Anh, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đây là bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông, quá trình phục hồi chức năng gặp nhiều khó khăn, tiên lượng xấu.
Đam mê bóng đá, trước đây, Đinh Quốc Thắng (26 tuổi, Hà Nội) chơi 2-3 trận bóng mỗi tuần. Có thể từ giờ đến cuối cuộc đời, anh không thể quay lại với môn thể thao yêu thích sau một lần bị tai nạn giao thông.
Cách đây 2 năm, Thắng gặp tai nạn do ngủ gật khi đang điều khiển xe máy. Chân anh gãy thành hai phần, được bác sĩ chỉ định đóng đinh. “Ba tháng đầu sau tai nạn, cuộc sống của tôi thật sự bế tắc. Suốt quãng thời gian đó, tôi phải nằm trên giường, không thể tự vệ sinh cá nhân, mọi việc đều phải nhờ người thân giúp đỡ. Vốn là một người nhanh nhẹn và thích vận động, tôi buồn và hối hận rất nhiều vì không tỉnh táo khi lái xe”, anh tâm sự.
Theo bác sĩ Ngọc Anh, bệnh nhân phục hồi chức năng tại khoa chủ yếu là do tai nạn giao thông. Bệnh nhân thường ở tình trạng rất nặng, kèm theo đa chấn thương. Thời gian điều trị có thể kéo dài 1-2 tháng, cũng có bệnh nhân cần 2-3 năm mới có thể phục hồi.
“Không ít bệnh nhân sống sót sau phẫu thuật, quay trở lại phục hồi chức năng nhưng còn di chứng thần kinh, mất tự chủ, mọi sinh hoạt gia đình phải hỗ trợ”, bác sĩ Ngọc Anh chia sẻ.
8-9h hàng ngày là thời điểm khoa đông bệnh nhân nhất. Mỗi bệnh nhân, bác sĩ đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau. Người chạy máy ánh sáng, người được hướng dẫn từng động tác co duỗi, xoa bóp. Quá trình điều trị là thách thức lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân, người nhà của họ.
PV Quỳnh Trang – Phương Anh/Báo Điện tử Zing.vn