Bệnh việt Việt Đức: Lần đầu thay lại khớp gối nhân tạo
08/01/2018 13:35
Sau một thời gian sử dụng, nhiều bệnh nhân đã từng được thay khớp gối nhân tạo gặp vấn đề về khớp và phải tìm đến bác sĩ để thay lại khớp gối nhân tạo lần 2. Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, Bệnh viện Việt Đức lần đầu tiên tiến hành thay lại khớp gối lần 2 cho bệnh nhân, giải thoát cho người bệnh khỏi những cơn đau sau một thời gian thay khớp gối lần đầu.
Đây là một kỹ thuật khó, đặt ra nhiều thách thức với phẫu thuật viên nhưng kết quả mang lại cho người bệnh không thể đong đếm hết, giúp bệnh nhân phục hồi khớp gối, chất lượng cuộc sống được nâng lên.
2 năm và 2 ca phẫu thuật thay khớp gối
Đó là tình cảnh của bệnh nhân Trần Đức Th., 72 tuổi ở Dương Xá, Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên. Ông bị thoái hóa 2 khớp gối nhiều năm điều trị không khỏi, khớp gối bị biến dạng. Đi khám bác sĩ ông Th. được chỉ định thay khớp gối phải vào ngày 14/11/2014 do thoái hóa dẫn đến biến dạng khớp gối. Sau chưa đầy 1 năm ông tiếp tục nhận được chỉ định thay khớp gối bên trái vào ngày 26/9/2015. Kể từ lần thay khớp gối cuối cùng, những tưởng ông may mắn có được cuộc sống mới, thoát khỏi các cơn đau, thì chân trái có biểu hiện sưng đau, không bình thường. Người nhà ông Th. cho biết, đã đưa ông Th. quay lại bệnh viện khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết, các xét nghiệm chụp chiếu cho thấy bệnh nhân có biểu hiện viêm bao hoạt dịch khớp gối gây lỏng khớp, hạn chế vận động gấp duỗi khớp gối. Ngay lập tức bệnh nhân Th. được các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình 1, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức tiến hành phẫu thuật tháo bỏ khớp gối nhân tạo bên trái vào tháng 5/2017.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức – người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật cho bệnh nhân Th. cho biết, khi mở ra kiểm tra, khớp gối bệnh nhân khô, không có dịch, bao hoạt dịch viêm, khớp lỏng. Bác sĩ Khánh nghĩ nhiều đến khả năng bệnh nhân có phản ứng do không tương thích với khớp được thay lần đầu. PGS Khánh quyết định đặt spacer (miếng ghép nhân tạo bằng xi măng sinh học) để giữ chiều dài của xương, giúp ổn định phần mềm điều trị viêm khớp và viêm bao hoạt dịch trong khớp. Khi bệnh nhân đã điều trị ổn định, đến ngày 18/12/2017 , PGS Khánh là người tiếp tục tiến hành ca thay lại khớp gối lần 2 cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật thay lại khớp gối “thử thách” người thầy thuốc
PGS Khánh cho biết, đây là một ca rất khó, do bệnh nhân đã thay khớp 1 lần, đã trải qua 2 ca phẫu thuật ở cùng một vị trí, sẹo co dính hơn, nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân nhiều hơn. Trong khi đó, ở khu vực phẫu thuật bên trong xương bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn, do bệnh nhân lớn tuổi, sau 2 cuộc phẫu thuật trước, xương ở khu vực này sẽ bị teo đi, khiến bệnh nhân bị khuyết xương. Để giải quyết tổng thể vấn đề khớp gối như co kéo phần mềm, bệnh nhân có thể co duỗi gối, và quan trọng nhất là đảm bảo khớp gối vững chắc ở bệnh nhân cao tuổi, đã đặt ra cho các bác sĩ thách thức không nhỏ.
PGS Khánh kể: “Chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều, bởi nếu thay khớp gối bình thường sẽ không đảm bảo cho bệnh nhân, chắc chắn khớp sẽ bị lỏng lại”. Sau khi quyết định mổ thay lại khớp gối lần 2 cho bệnh nhân Th., các bác sĩ đã phải chuẩn bị rất nhiều tình huống, tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết, sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra để giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất. PGS Khánh cho biết, khi mổ ca này, chúng tôi phải tính đến vấn đề sẹo co kéo thế nào, phần mềm dính đến đâu, chức năng khớp gối trước mổ thế nào, mức độ khuyết xương ra sao, bệnh nhân còn có thể thay khớp được không hay phải làm cứng khớp, có phải ghép xương hay không, nếu phải ghép thì lấy xương của bệnh nhân hay xương nhân tạo…
Rất may, hiện nay trang thiết bị dụng cụ rất phát triển, PGS Khánh cho hay. Dụng cụ thay khớp lần này đặc biệt hơn khớp gối nhân tạo thông thường, đó là nó dài hơn, khoảng 20-30cm , trong khi khớp thông thường chỉ dài từ 5-10cm và giúp cố định vững chắc hơn, đặc biệt có ưu thế với những trường hợp bị khuyết xương nhiều. Để giúp bệnh nhân có khớp gối vững chãi cần loại khớp đặc thù – đặt hàng riêng cho từng người bệnh- đóng sâu vào xương đùi và xương cẳng chân của người bệnh.
Đây là một ca phẫu thuật khó, phức tạp và là một thách thức đối với bác sĩ. PGS Khánh chia sẻ, trường hợp này rất khó bởi không có một mốc giải phẫu nào, để xác định vị trí khớp có chuẩn không, đúng trục không, có bị vẹo không, khớp có được duỗi hết không… Nhưng nhờ tài năng và kinh nghiệm của mình, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình 1 đã vượt qua khó khăn và ca mổ đã thành công ngoài mong đợi. Hiện bệnh nhân Th. đã xuất viện và đang hồi phục tốt.
Theo các chuyên gia xương khớp, mặc dù hiện nay có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu về khớp nhân tạo như chất lượng khớp, kỹ thuật mổ, nhưng thông thường tuổi thọ của khớp chỉ kéo dài khoảng 10-20 năm, có trường hợp lâu hơn , tùy thuộc vào quá trình lao động, vận động của người bệnh. Việc nắm bắt được kỹ thuật thay lại khớp gối nhân tạo sẽ đem đến nhiều lợi ích cho người bệnh, giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo PV Hải Yến/Báo Sức khỏe và đời sống
-
Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
20/11/2024 09:47