BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC: LƯU GIỮ KÝ ỨC THỜI CHIẾN – GIÁ TRỊ VƯỢT THỜI GIAN
26/04/2025 07:17
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức không chỉ là một trung tâm y tế đầu ngành của cả nước, nổi tiếng với trình độ chuyên môn cao và nhiều thành tựu trong lĩnh vực ngoại khoa mà còn là nơi lưu giữ những tư liệu lịch sử vô giá gắn liền với các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.
Những hình ảnh, tài liệu, thiết bị y tế thô sơ, ghi chép phẫu thuật và cả những lá thư tay… được gìn giữ tại bệnh viện chính là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, lòng yêu nước và sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc thời chiến.
Ngày nay, những tư liệu này tiếp tục được gìn giữ và phát huy giá trị, trở thành nguồn cảm hứng giáo dục truyền thống, hun đúc tinh thần yêu nước và y đức cho các thế hệ cán bộ, nhân viên y tế cũng như là minh chứng sinh động cho vai trò của ngành y trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.
Bệnh viện Yersin
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đúng như tên gọi ngày nay là một bệnh viện lâu đời gắn liền với lịch sử của nền y học hiện đại Việt Nam, bắt đầu cùng với lịch sử hình thành và phát triển Trường Đại học Y Hà Nội với tư cách là Bệnh viện thực hành của Trường y dược khoa Đông Dương, trường đại học đầu tiên của nước ta.
Ngày 8/1/1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc lệnh thành lập Trường y dược khoa Đông Dương với Bệnh viện thực hành. Alexandre Yersin được bổ nhiệm là Hiệu trưởng nhà trường đồng thời là Giám độc Bệnh viện thực hành. Ngày 25/3/1904 Bệnh viện Bảo hộ (Hôpital indigène du Protectorat) được thành lập trên cơ sở đất đai của Nhà thương thuộc Hội truyền giáo Thiên chúa đã có từ trước tại vị trí ngày nay của Bệnh viện Việt Đức trên phố Borgnis-Desbordes (Phố Tràng Thi ngày nay). Chạy dọc hai bên khu này là phố Julien-Blanc (phố Phủ Doãn ngày nay) và phố Richaud (nay là phố Quán Sứ).
Bệnh viện chính được xây dựng hoàn chỉnh với 35 dãy nhà, trong đó có 22 dãy dùng làm phòng bệnh, kiến trúc theo một tổng thể hài hòa với những hàng cây trồng dọc theo những con đường trong bệnh viện. Bệnh viện xây dựng tới năm 1906 chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 8/3/1943, để ghi nhận công lao đóng góp to lớn của nhà khoa học Yersin, Bệnh viện Bảo hộ đổi tên thành Bệnh viện Yersin.
Bệnh viện Phủ Doãn trong kháng chiến tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1948 – 1954)
Đây vừa là nơi cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân, vừa là bệnh viện thực hành của nhà trường, tiếp tục công tác điều trị, mổ xẻ, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1948–1954), Bệnh viện Phủ Doãn được di chuyển lên Chiêm Hóa, Tuyên Quang – một vùng căn cứ địa chiến lược của cách mạng. Tại đây, bệnh viện vừa thực hiện nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân địa phương, vừa đóng vai trò là bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Dược khoa. Mặc dù điều kiện còn vô cùng thiếu thốn, cơ sở vật chất tạm bợ giữa rừng núi nhưng các thầy thuốc, y bác sĩ và sinh viên y khoa vẫn kiên cường bám trụ, tiếp tục triển khai công tác điều trị, phẫu thuật, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Tôn Thất Tùng nghiên cứu giải phẫu trong gan
Hình ảnh Giáo sư Tôn Thất Tùng miệt mài nghiên cứu giải phẫu trong gan giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt là biểu tượng sáng ngời của trí tuệ, lòng yêu nước và tinh thần khoa học không ngừng nghỉ.
Giữa tiếng bom đạn, trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề – từ dụng cụ y tế, ánh sáng cho đến nguồn điện – ông vẫn kiên trì với những ca mổ gan, những bản vẽ phân thùy gan, những ghi chép tỉ mỉ được thực hiện bên bàn mổ giản dị. Đôi bàn tay ông, không chỉ là bàn tay của một phẫu thuật viên tài ba mà còn là của một nhà khoa học say mê khám phá, luôn tìm cách tối ưu hóa phẫu thuật để giảm thiểu đau đớn và hy sinh cho người bệnh – nhiều trong số họ là những chiến sĩ, dân quân bị thương trong chiến đấu.
Ông không ngại mổ trong điều kiện dã chiến, không có đầy đủ thuốc gây mê, không có hệ thống vô trùng hiện đại. Ông cùng đồng nghiệp dựng bàn mổ giữa rừng, trong hầm trú ẩn, dùng đèn dầu, đèn pin để chiếu sáng. Có khi chỉ với vài dụng cụ thô sơ, ông vẫn thực hiện được những ca mổ gan phức tạp – những kỳ tích y học giữa thời chiến.
Giáo sư Tôn Thất Tùng và nhân viên Bệnh viện Phủ Doãn trong kháng chiến
Trong chiến trang ác liệt, hình ảnh Giáo sư Tôn Thất Tùng – một trong những tượng đài y học của Việt Nam – cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Phủ Doãn đã trở thành biểu tượng sáng ngời của trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần cống hiến không mệt mỏi. Giữa lửa đạn, bom rơi, nơi điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn, giáo sư và các cộng sự vẫn miệt mài nghiên cứu, giảng dạy, phẫu thuật và chăm sóc thương bệnh binh.
Nhân viên Bệnh viện Phủ Doãn lúc bấy giờ – gồm các bác sĩ, y tá, hộ lý và sinh viên y khoa – cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, kiên cường hiếm có. Họ không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà còn tham gia vận chuyển thương binh qua rừng núi, dựng lán trại dã chiến, bảo vệ bệnh viện trước sự truy quét của địch. Dẫu gian khổ, hiểm nguy nhưng tất cả đều chung một lòng vì sự sống của người bệnh, vì lý tưởng phụng sự Tổ quốc.
Bác Hồ đến thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2/6/1956)
Ngày 13 tháng 6 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần thứ nhất. Ngày 2 tháng 6 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đến thăm bệnh viện lần thứ hai sau khi bệnh viện hoàn thành việc tiếp nhận sự giúp đỡ về trang thiết bị của Chính phủ và nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, thể hiện tấm lòng sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với ngành y tế nói chung và đội ngũ thầy thuốc nói riêng.
Người căn dặn mọi người phải cố gắng học tập kỹ thuật và tinh thần phục vụ cao cả của các chuyên gia bạn, phải hết lòng yêu thương chăm sóc người bệnh, phải đoàn kết giúp đỡ nhau trong công tác để ngành Y tế của ta ngày càng tiến bộ.
Trong thời kỳ này, bệnh viện đã thực hiện được nhiều tiến bộ trong công tác điều trị, mổ xẻ cũng như nghiên cứu khoa học. Công trình nghiên cứu về phương pháp cắt gan mà Giáo sư Tôn Thất Tùng bắt đầu nghiên cứu từ khi còn làm nội trú bệnh viện, không có điều kiện tiếp tục trong những năm tháng tham gia kháng chiến, được hoàn chỉnh và công bố rộng rãi năm 1962. Công trình nghiên cứu về bệnh lý chảy máu đường mật nhiệt đới, nhiều công trình nghiên cứu khác cũng được thực hiện như nghiên cứu về ghép cơ quan thực nghiệm, mổ tim hở, gây mê hạ nhiệt, nghiên cứu sốc thực nghiệm phục vụ cứu thương tại chiến trường miền Nam… đã được triển khai thực hiện.
Đoàn bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Đại học Y Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam
Ngay sau khi giặc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, đoàn bác sĩ đầu ngành vào khảo sát huấn luyện và trực tiếp mổ xẻ điều trị thương binh và nhân dân khu Bốn có các bác sĩ: Đặng Kim Châu, Nguyễn Thường Xuân, Tôn Đức Lang, Nguyễn Thuyên…
Đầu năm 1965 một loạt các bác sĩ trẻ tiếp tục vào chi viện cho chiến trường khu Bốn: Đỗ Nguyên Phương, Nguyễn Xuân Thụ, Dương Chạm Uyên, Đỗ Kim Sơn, Trần Quán Anh, Nguyễn Văn Luân, Lê Ngọc Từ, Nguyễn Quang Bài…
Năm 1965 người đầu tiên của Bệnh viện Việt Đức chi viện cho chiến trường miền Nam là bác sĩ miền Nam tập kết Nguyễn Văn Thủ. Tiếp theo đó, nhóm bác sĩ đầu tiên đi “B” là bác sĩ Ngô Đăng Quang, bác sĩ Nguyễn Văn Thái. Tiếp theo là các bác sĩ Trần Quang Dương, Phạm Phú Quý, Nguyền Thành Trị, Vũ Tự Huỳnh.
Tới chiến dịch Mậu Thân 1968 các đoàn tiếp theo tiếp tục vào chiến trường, bác sĩ Nguyễn Điển và hai bác sĩ nữ Bùi Tân Thịnh và Trần Thị Thu Hà… Tiếp theo nữa là các bác sĩ Đỗ Đức Vân, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Mễ, Cao A, Đặng Kim Châu, Đỗ Nguyên Phương, Trương Văn Việt… lại tiếp bước lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đoàn cuối cùng trước khi Hiệp định Paris ký kết vào chiến trường ác liệt Quảng Trị có các bác sĩ Trần Quán Anh, Nguyễn Hoàng, Đỗ Tất Tạo, y sỹ Nguyễn Duy Khoan. Trong số các bác sĩ – chiến sĩ tại chiến trường, bác sĩ Nguyễn Điển đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
Chụp Xquang can thiệp trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
Giữa những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khi tiếng còi báo động vang lên dồn dập, những bác sĩ, y tá vẫn miệt mài bên từng ca mổ, từng mảnh bom găm vào cơ thể người lính, người dân. Ở nơi tưởng chừng chỉ có sự tăm tối của chiến tranh thì tia sáng mờ mờ từ chiếc máy chụp X-quang can thiệp lại trở thành ngọn đèn soi đường cho sự sống.
Không có đầy đủ thiết bị hiện đại, không có điều kiện vô trùng tuyệt đối nhưng những kỹ thuật viên X-quang của Việt Đức thời ấy vẫn làm việc không ngơi nghỉ. Tấm phim chụp đen trắng, in lên hình ảnh một trái tim rạn nứt, một lá phổi dập nát hay một viên đạn còn ghim sâu trong cơ thể – là bản đồ quý giá để bác sĩ tìm lối vào sự sống.
Chụp X-quang can thiệp không chỉ là một kỹ thuật y học – mà trong thời khắc khốc liệt đó, nó là niềm tin, là hy vọng. Nhờ có nó, biết bao chiến sĩ đã được cứu sống, bao nhiêu gia đình không phải chịu thêm một mất mát.
Phẫu thuật cho thương binh tại chiến trường miền Nam
Phẫu thuật cho thương binh tại chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là một nhiệm vụ đầy cam go và thử thách đối với đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ y tế. Điều kiện làm việc lúc này vô cùng khó khăn, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, bệnh viện, trạm y tế hầu như không có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn lực y tế.
Các bác sĩ và y tá không chỉ là những người điều trị mà còn là chiến sĩ trong mặt trận cứu người. Họ phải đối mặt với những ca mổ cực kỳ phức tạp và nguy hiểm, khi các thương binh thường có vết thương nghiêm trọng từ đạn dược, mảnh bom hoặc vết thương do các loại vũ khí đặc biệt. Họ mổ trong áp lực thời gian và sự khẩn cấp, nhằm cứu chữa và giữ mạng sống cho các chiến sĩ, bởi mỗi giây, mỗi phút đều có thể quyết định sự sống chết của bệnh nhân.
Một ca mổ tại trạm phẫu thuật tiền phương
Một ca mổ tại trạm phẫu thuật tiền phương là hình ảnh không thể nào quên, khắc sâu trong ký ức những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Đó không chỉ là một cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và tình yêu thương vô bờ của những người khoác áo blouse trắng giữa bom đạn mịt mù.
Trong ánh sáng le lói của chiếc đèn dầu, giữa tiếng đạn pháo vọng lại từ xa, các bác sĩ và nhân viên y tế vẫn kiên trì giữ lấy sự sống mong manh cho người lính ngoài mặt trận. Thiếu thuốc men, thiếu thiết bị, thậm chí máu để truyền cũng phải xin từ chính đồng đội – nhưng không thiếu lòng quyết tâm, không thiếu niềm tin.
Mỗi ca mổ là một trận chiến, và họ – những chiến sĩ áo trắng – đã chiến đấu không mệt mỏi vì sự sống của đồng bào, đồng đội, vì một niềm tin rằng: ngày mai đất nước sẽ hòa bình và những người họ cứu sống hôm nay sẽ được sống trong ánh sáng của tự do.
Phòng Công tác xã hội