Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Giây phút định mệnh cứu bệnh nhân bị tai nạn vỡ thận.
07/10/2016 13:50
Trước đó, vào lúc 11 giờ ngày 12/9/2016, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân nam Phạm Thanh P., 33 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội, bị tai nạn xe máy – ô tô lúc 7 giờ sáng cùng ngày. Bệnh nhân đã được cấp cứu ở Bệnh viện Đức Giang và chuyển Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nhợt, khó thở shock nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bụng chướng xây xát, đau. Bệnh nhân đã được dẫn lưu màng phổi cấp cứu, dẫn lưu màng phổi bên P ra nhiều dịch máu đỏ. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy có chấn thương gan độ 2, nghi có vỡ cơ hoành P, gãy gai ngang cột sống L1, L2, L3, nhiều dịch ổ bụng.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy, thận phải nhu mô không ngấm thuốc trên các thì thăm khám, động mạch thận phải không ngấm thuốc trên đoạn dài 23 mm và nghĩ đến tổn thương cuống thận phải; thận trái biến dạng, bờ không đều, vỡ thành nhiều mảnh, một số mảnh còn ngấm thuốc sau tiêm thuốc cản quang, tụ máu quanh thận chỗ dày nhất khoảng 60mm, đẩy thận ra trước, có hình ảnh thoát thuốc thì động mạch trong khối máu tụ, xếp loại chấn thương thận độ V (độ cao nhất theo AAST 1994).
Ngay lập tức, bệnh nhân đã được hội chẩn liên chuyên khoa Tiết niệu – Tim mạch – Lồng ngực – Tiêu hoá. TS. BS Nguyễn Quang, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước,… quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Dự kiến mở bụng kiểm tra thăm dò ngực, cơ hoành và các tạng trong bụng.
Trước cuộc mổ, các bác sĩ dự kiến lấy thận phải ra rửa ngoài cơ thể, đánh giá khả năng ghép thận tự thân, thận trái bảo tồn tối đa. Sở dĩ có dự kiến cuộc mổ như vậy là do tới thời điểm phẫu thuật đã là giờ thứ 9, việc ghép thận tự thân có nhiều khả năng không thành công. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực hết mình, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức hạ quyết tâm “cứu” quả thận.
Lúc này tình trạng bệnh nhân hết sức nguy kịch vì bên thận trái vỡ độ V (nếu như trong trường hợp thận phải bình thường, không bị tổn thương thì có thể chỉ định cắt thận trái để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân). Nếu như ghép thận thành công thì sẽ đỡ được cho bên thận trái. Ngược lại, bên thân trái, chủ trương bảo tồn thận tối đa vì cũng là lý do đề phòng thận bên kia ghép không tốt. Nhóm phẫu thuật đã làm việc tích cực khẩn trương theo đúng kế hoạch đề ra, tiến hành song song hai kíp rửa – ghép thận phải và kiểm tra các tạng trong bụng, cơ hoành và bảo tồn thận trái.
Sau khi lấy thận phải ra khỏi cơ thể, quả thận đã được rửa theo quy trình rửa thận đặc biệt. Sau khi rửa xong, thận phải đã có màu sắc trắng đều trở lại rồi được chuẩn bị để ghép thận tự thân. Sau khi đưa thận vào vị trí ghép, nối động mạch, nối tĩnh mạch thì thấy có rất ít nước tiểu chảy ra. Đây là điều mà các bác sỹ đã tiên lượng từ trước, nhưng vẫn quyết định hoàn thành cuộc ghép thận tự thân.
Về phía thận trái, sau khi khống chế chảy máu bụng, kiểm tra thấy thận trái vỡ nát toàn bộ hơn 2/3 trên thận, chỉ còn gần 1/3 dưới thận tuy có rách bao thận nhưng kiểm tra kỹ thấy còn một phần bể đài thận, có một nhánh động mạch đi vào thận và có một nhánh tĩnh mạch đi ra. Nhóm phẫu thuật quyết định cắt thận phần trên, cắt lọc tiết kiệm phần thận phía dưới, khâu đóng bể thận rách, có đặt sonde JJ niệu quản – bàng quang.
Trong quá trình mở bụng, các bác sỹ thấy có rất nhiều dịch máu và máu cục trong ổ bụng, lên cả khoang màng phổi. Các bác sỹ đã kiểm tra thấy có vỡ cơ hoành, có tổn thương gan như trên phim chụp cắt lớp vi tính, ngoài ra, còn phát hiện thêm có tổn thương lách, ê kíp cấp cứu đã phẫu thuật đã khâu lại cơ hoành, các thương tổn gan, lách được cầm máu.
Sau khi hoàn thành cuộc mổ, tình trạng huyết động của bệnh nhân dần ổn định. Tuy nhiên, nước tiểu bệnh nhân rất ít, chỉ khoảng 200 ml/24 giờ, xét nghiệm urê, creatinin máu bắt đầu tăng cao. Từ ngày 13/9/2016, bệnh nhân được chỉ định lọc máu chu kỳ. Tới ngày 19/9, bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở, bụng mềm, không đau nhưng lượng nước tiểu vẫn chỉ 160 ml/24 giờ. Xét nghiệm máu: urê34,6 mmol/l, creatinin741 micromol/l, kali 3,5 mmol/l.
Sau gần chục ngày phẫu thuật, các bác sĩ siêu âm kiểm tra lại cho thấy: thận phải đã ghép xuống hố chậu phải, kích thước bình thường, nhu mô tăng âm không đồng nhất, ranh giới vỏ tuỷ không rõ, đài bể thận không giãn. Động mạch thận: tưới máu nhu mô thận kém, đoạn rốn thận và các nhánh trong nhu mô phổ mạch và dạng sóng Doppler bình thường, Vmax 19-25 cm/s, RI= 0,53-0,6. Thận trái: phần còn lại nhu mô đều, ranh giới vỏ tuỷ rõ, đài bể thận không giãn. Động mạch thận: tưới máu nhu mô thận bình thường, đoạn rốn thận và các nhánh trong nhu mô phổ mạch và dạng song Doppler bình thường, Vmax = 30-45 cm/s, RI = 0,7-0,76.
Bệnh nhân tiếp tục đượclọc máu chu kỳ. Các ngày sau, lượng nước tiểu tăng dần lên. Cho tới ngày 1/10, bác sĩ quyết định không lọc máu nữa..
Đây là một trường hợp ghép thận tự thân hy hữu trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong lúc cả hai thận đều bị chấn thương nặng, việc cấp cứu bảo tồn tối đa hai thận tưởng chừng rất khó khăn, đầy thách thức. Nhưng chính việc bảo tồn tối đa này có ý nghĩa thực tiễn: trong lúc thận bên phải ghép chưa hồi phục thì phần thận bên trái còn lại đã đảm nhiệm tiết nước tiểu hỗ trợ. Cho đến thời điểm bây giờ, khi mà lượng nước tiểu 1900 ml/24 giờ thì có lẽ thận phải đã có khả năng hồi phục tốt.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống