Bệnh nhân động kinh được Đại sứ của Hội chống động kinh Quốc tế khám và tư vấn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
01/09/2017 08:59
Từ ngày 29-31/8/2017, Trung tâm phẫu thuật thần kinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khám tư vấn chuyên sâu về bệnh động kinh. Đại sứ Quốc tế cho bệnh động kinh của Hội chống động kinh quốc tế Giáo sư Pierre Jallon trực tiếp thăm khám.
Theo ước tính của liên hội Quốc tế chống Động kinh (ILAE) năm 1996, có khoảng 50 triệu người trên thế giới mắc bệnh động kinh. Mỗi năm có 16 - 51/100.000 trường hợp phát hiện động kinh mới. Động kinh chiếm 1% gánh nặng về kinh tế thế giới do các bệnh gây ra, tương tự như ung thư phổi ở đàn ông, hay ung thư vú ở phụ nữ. Nếu không được điều trị, động kinh sẽ gây tàn phế và thường đưa đến tử vong sớm. Vấn đề chẩn đoán động kinh không khó với những trường hợp điển hình, trong đó kiến thức của thầy thuốc về động kinh đóng một vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán đúng và điều trị hợp lý. Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, 70% bệnh nhân khống chế được cơn động kinh. Nhưng trên thực tế có tới 80-90% các trường hợp động kinh sống ở các nước đang phát triển không nhận được sự điều trị phù hợp.
Giáo sư Pierre Jallon, Đại sứ quốc tế cho bệnh động kinh của Hội chống động kinh Quốc tế cho biết: Trong ba ngày thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bệnh nhân đến khám đều là những ca phức tạp, có rất nhiều bệnh nhân thuộc nhóm kháng trị tức là động kinh kháng thuốc, điều trị thuốc không hiệu quả. Động kinh kháng trị chiếm tỉ lệ từ 20-30% trong các loại động kinh. Với những bệnh nhân này, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát cơn động kinh. Dựa trên thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ sẽ có nhiều giải pháp như tư vấn thay đổi thuốc, trường hợp nặng hơn sẽ can thiệp phẫu thuật, ví dụ như trường hợp của bệnh nhân Đinh Đức M., 1 tuổi, bệnh nhân có tiền sử từ 02 tháng tuổi xuất hiện những tiếng kêu lạ, không rõ tiếng cười, ngày 31/8/2017, đến khám tại Trung tâm thần kinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thấy rõ biểu hiện động kinh cơn cười, trên phim cộng hưởng từ cho thấy một khối mô thừa vùng dưới đồi, điện não ghi nhận những sóng tín phát động kinh. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vì thuốc kháng động kinh không có tác dụng với thể này. Sau 06 tháng sau, khi cháu M. đủ cân nặng và đảm bảo sức khỏe, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.
“Với những lần cộng tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tôi rất ngạc nhiên với đội ngũ bác sĩ cả nội thần kinh, ngoại thần kinh và chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện phối hợp với nhau rất tốt. Tôi cũng hy vọng các bệnh nhân bị động kinh sẽ có cơ hội đến Trung tâm thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được tư vấn và thăm khám với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp và tận tình”, Giáo sư Pierre Jallon chia sẻ thêm.
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Nội hồi sức thần kinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 100-150 bệnh nhân đến khám và điều trị. Động kinh là là một bệnh mạn tính, một vấn đề phổ biến trên thế giới. Cơn động kinh được thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng xuất hiện đột ngột, ngắn và định hình về vận động, cảm giác, giác quan, thực vật hoặc tâm thần tùy thuộc vào vị trí của tế bào thần kinh có liên quan. Bệnh có nhiều thể khác nhau, nhiều khi chỉ là cơn vắng ý thức, rối loạn cảm giác, hành động bất thường hoặc những cơn cười vô ý thức. Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là dùng thuốc kháng động kinh. Dùng thuốc có thể kiểm soát được 70% tình trạng bệnh, 30% động kinh kháng thuốc điều trị gặp khó khăn. TS.BS Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: khi có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh động kinh như cơn co giật chân tay, mất ý thức lặp đi lặp nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn, người nhà nên cho bệnh nhân đi thăm khám ở các chuyên khoa thần kinh.
Trong ba ngày 29, 30 và 31/8/2017, Giáo sư Pierre Jallon cùng các bác sĩ Trung tâm phẫu thuật thần kinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám và tư vấn cho 45 bệnh nhân động kinh, trong đó có 9 trường hợp được chỉ định phẫu thuật. Khi bệnh nhân động kinh được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể cắt cơn và trở lại sinh hoạt bình thường.
Phòng Công tác xã hội