Bác sĩ bệnh viện Việt Đức nối mạch máu não với sợi chỉ bằng 1/10 ngọn tóc

15/01/2019 16:16

Nữ bệnh nhân là nhân viên văn phòng trẻ tuổi, mắc bệnh lý dị dạng mạch máu não hiếm gặp, được phẫu thuật tại phòng mổ hiện đại tiêu chuẩn quốc tế ở bệnh viện Việt Đức.

 

Ngày 14/1, các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thần kinh đến từ Nhật, Mỹ và các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện ca phẫu thuật dị dạng mạch não hiếm gặp Moyamoya cho một nữ bệnh nhân là nhân viên văn phòng bị dị dạng mạch não cả 2 bên. Moyamoya là bệnh lý mạch máu não hiếm gặp, ít được chú ý. Bệnh do tắc nghẽn mạch máu trong sọ mãn tính, khiến não bị thiếu máu cục bộ hoặc vỡ các mạch máu tăng sinh bất thường ở vùng nhân xám gây xuất huyết nội sọ.

Phẫu thuật thần kinh cho nữ nhân viên văn phòng tại phòng mổ hiện đại thứ 5 vừa được khai trương ở Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC

Hình ảnh chụp nhìn khối dị dạng mạch máu não của nữ bệnh nhân này như một tẩu thuốc lá. Bệnh nhân từng được mổ 2 lần khác nhau nhưng sau mổ bị yếu nhẹ nửa người, nhiều khi không cử động được ngón tay linh hoạt.

 

Các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành nối mạch não với đường mạch rất bé, phải dùng loại chỉ nối rất đặc biệt bằng 1/10 sợi tóc, được soi bằng “mắt thần” trong phòng mổ phẫu thuật thần kinh đặc biệt vừa được khai trương ở Bệnh viện Việt Đức.

 

Theo chuyên gia phẫu thuật thần kinh, với trường hợp này, để chẩn đoán cần có hệ thống siêu âm doppler mạch và rất nhiều các thiết bị hiện đại đồng bộ khác. Còn nếu không có kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ phẫu thuật rồi đóng lại, sau đó cho bệnh nhân chụp mạch.

 

Nếu mọi thứ không tốt, bác sĩ lại phải thực hiện lại từ đầu. Thậm chí có trường hợp não thiếu oxy, tổn thương không hồi phục thì cũng không thể mổ lại được.

 

PGS.TS Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh của bệnh viện cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của phòng mổ đặc biệt này, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý phức tạp đã được điều trị thành công. Đây là phòng mổ thứ 5 của viện này.

 

Khu mổ phẫu thuật thần kinh là những phòng mổ được trang bị thiết bị hiện đại trên thế giới hiện nay với hệ thống định vị, theo dõi dây thần kinh; kính hiển vi chuyên dụng cho hệ thần kinh, hệ thống hiển thị huỳnh quang trong phẫu thuật… Đa số ca phẫu thuật thần kinh đều cần đến phòng mổ này.

 

PGS Hệ cho biết trước đây khi chưa có khu mổ phẫu thuật hiện đại, bệnh viện vẫn phải tiến hành điều trị bệnh cho bệnh nhân, tuy nhiên kết quả sẽ bị hạn chế. Máy móc hiện đại giúp người bệnh giảm thiểu tối đa di chứng, tăng độ nhạy cho bác sĩ.

Để điều trị các bệnh lý phức tạp không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn cần hệ thống trang thiết bị hiện đại, chúng giống như “mắt thần” đồng hành với bác sĩ trong khi mổ, đảm bảo an toàn, điều trị hiệu quả hơn rất nhiều. Từ đó, hạn chế di chứng, giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt như bình thường.

 

Theo vị chuyên gia về phẫu thuật thần kinh này, một điều đáng lưu tâm là tỷ lệ người trẻ mắc bệnh lý về thần kinh ngày càng cao. Theo dịch tễ học, có 2-15% dân số bị dị dạng mạch máu não. Đây là tỷ lệ cao.

 

Điều may mắn là ít trường hợp bị vỡ. Tuy nhiên ở viện Việt Đức, tuần nào cũng có ca bệnh nhập viện phẫu thuật. Những đối tượng nghiện thuốc lá, uống rượu hay huyết áp cao có nguy cơ dễ vỡ, phình mạch máu não.

 

PV Võ Thu/Báo Gia đình và xã hội

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook