Áp dụng công nghệ thông tin cấp cứu người bệnh trong mùa dịch

22/04/2020 13:48

Căn cứ Thông tư 14/2014/TT-BYT về việc Quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như Quyết định 01/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc nhằm mục đích hướng tới việc cấp cứu người bệnh nhanh chóng, phối hợp đồng bộ để mang tới hiệu quả tối đa. Nhóm nghiên cứu gồm các bạn trẻ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đề xuất việc triển khai ứng dụng phần mềm để có thể truyền tải thông tin liên viện.

 

Dựa trên những văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, và nhận thấy việc bất cập trong cấp cứu người bệnh khi quá trình tiếp nhận và khai thác thông tin cấp cứu có thể gây ảnh hưởng chậm trễ trong công đoạn xử lý, nhất là khi Bệnh viện phải tiếp nhận cùng lúc một số lượng lớn người bệnh được chuyển tới. Do đó, một nhóm các bạn trẻ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đề xuất và trình lên lãnh đạo Bệnh viện cho tiến hành thử nghiệm và áp dụng phần mềm tích hợp thông tin người bệnh chuyển tuyến (APP SMART EMS) trong thời gian qua.

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện tuyến cuối cấp cứu ngoại khoa, hàng ngày cấp cứu nhiều người bệnh chấn thương, người bệnh có bệnh lý ngoại khoa cần can thiệp, trung bình trong một ngày số lượng lên tới khoảng 200 ca cấp cứu; người bệnh các tuyến ngoài khu vực Hà Nội chuyển đến chiếm tỷ lệ cao (trên 60%). Việc tổ chức cấp cứu đóng vai trò quan trọng, bao gồm: bố trí nhân lực, cơ sở, thuốc men … và cả dự trù lượng trữ máu – được thường xuyên kiểm tra để đảm bảo đáp ứng tối đa. Tuy vậy, có một thực trạng đó là việc bị động trong việc khai thác thông tin người bệnh được chuyển tới tại Bệnh viện. Bệnh viện phần lớn gặp phải tình trạng quá tải, do đó người bệnh phải chờ đợi để được khám và xử lý muộn, điều đó có thể dẫn đến những biến chứng đáng tiếc. 

 

Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập trung tâm điều phối (Dispatching center) đóng vai trò điều phối cấp cứu giữa các cơ sở y tế, giúp việc cấp cứu được đồng bộ và hiệu quả hơn. Trung tâm điều phối có chức năng hướng dẫn cơ sở y tế/cứu thương chuyển người bệnh đến đúng địa chỉ cần thiết: gần nhất, đáp ứng chuyên môn và quan trọng nhất là đảm bảo nguồn lực tại chỗ cho cấp cứu.

 

Thực tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã từng triển khai dự án thí điểm tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu được sự hỗ trợ của Cục quản lý môi trường Y tế (tiền thân là Cục Y tế Dự phòng Việt Nam) với 115 và một số bệnh viện tại Hà Nội. Tuy nhiên do phương tiện liên lạc còn hạn chế (bộ đàm), công nghệ thông tin chưa phát triển (điện thoại di động, Ipad) nên chưa đem hiệu quả như mong muốn.

 

Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện và đi theo định hướng phát triển, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh bên cạnh Dự án Telemedicine đang triển khai, nhóm các bạn trẻ gồm có: Điều dưỡng Lê Sỹ Thoại (phòng Điều dưỡng), Kĩ sư Lê Minh Thái (phòng Công nghệ Thông tin), Chuyên viên Trương Minh Trà (phòng Hợp tác quốc tế) đã được cử đi học tập tại Đài Bắc, Đài Loan cuối năm 2019. Các bạn đã được tiếp cận các mô hình áp dụng công nghệ thông tin trong y tế (Health Smart) để từ đó có thể ứng dụng tại Bệnh viện. Qua đó thử nghiệm ý tưởng tích hợp thông tin liên viện trong cấp cứu bằng phương tiện sẵn có là điện thoại thông minh khá phổ biến hiện nay.

 

Theo anh Lê Sỹ Thoại, trưởng nhóm đề xuất nghiên cứu cho biết: Nhóm đã tiến hành thử nghiệm giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và cấp cứu 115 bằng cách đưa thông tin người bệnh lên APP SMART EMS. Chỉ vần vài phút vận hành là cơ sở y tế tiếp nhận người bệnh đã nhận được thông tin và chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu người bệnh. Trường hợp Bệnh viện đang quá tải người bệnh, có thể chủ động kịp thời thông báo tới cơ sở chuyển người bệnh biết để có phương án xử lý phù hợp như chuyển đến cơ sở khác sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đó.

 

Ý tưởng được các bạn thực hiện thử nghiệm từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020 cho thấy, phần mềm quản lý thông tin trên điện thoại di động đã giải quyết được nhu cầu của hai đơn vị xử lý người bệnh: chia sẻ thông tin nhanh chóng về tình trạng bệnh, phương pháp xử lý, tiên lượng, hướng xử lý tiếp theo như nhu cầu về nhân lực, chuyên môn – đã góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả cấp cứu người bệnh.  

Chia sẻ thông tin trên điện thoại di động giữa cấp cứu 115 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Ngoài ý nghĩa như trên, cử nhân Nguyễn Xuân Vinh – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, người có thâm niên làm việc tại phòng khám cấp cứu, đồng thời là cố vấn cho nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong tình hình đại dịch COVID-19 như hiện nay, việc chia sẻ thông tin cấp cứu liên viện qua điện thoại di động không chỉ thao tác đơn giản, tíết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời giúp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây nhiễm có hiệu quả. Nhiều năm làm việc tại phòng khám cấp cứu, tôi thấy rõ người bệnh khi đến khám, nhân viên tiếp đón mới được cập nhật tình trạng bệnh nên rất bị động khi cấp cứu và đương nhiên có nguy cơ cao tiếp xúc nguồn lây do không được chuẩn bị trước. Chúng tôi mong muốn sớm  hoàn thiện nội dung phần mềm khi được cho phép để triển khai rộng rãi hơn trong tương lai.”

 

PGS.TS Nguyễn Đức Chính,  Phòng hợp tác quốc tế.

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook