Bệnh viện HN Việt Đức giành lại sự sống cho bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ trên người bệnh đa chấn thương

30/11/2017 08:35

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cấp cứu thành công bệnh nhân Hoàng Ngọc S. 38 tuổi, trú tại Quỳnh Thọ – Quỳnh Lưu – Nghệ An, bị vỡ eo động mạch chủ, chấn thương động mạch thân cánh tay đầu, gãy xương đùi, gãy hở xương cẳng chân trái.

 

Vỡ eo động mạch chủ là một bệnh lý rất hiếm gặp ở Việt Nam, hầu hết do tai nạn giao thông nặng. Eo động mạch chủ (ĐMC) là vùng ranh giới giữa quai ĐMC và ĐMC xuống. Do mất máu nặng, nên đa số các trường hợp vỡ eo ĐMC cấp tính bị tử vong ngay sau tai nạn. Một số trường hợp còn sống và được chuyển đến bệnh viện nhờ thương tổn chấn thương eo ĐMC còn khu trú, nhưng chẩn đoán thường rất khó vì bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, lại hay kèm tình trạng sốc rất nặng, bệnh cảnh đa chấn thương, nên nguy cơ tử vong vẫn rất cao do chẩn đoán và điều trị chưa kịp thời. Số rất ít trường hợp còn sống nhờ thương tổn chỉ ở mức đụng giập nhẹ eo ĐMC, sau vài tuần đến vài tháng tiến triển thành khối giả phồng động mạch, tức là thể mạn tính của thương tổn, với tiên lượng khỏi bệnh cao nhờ tiến triển chậm và các phương pháp can thiệp không cấp cứu.

 

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân S. bị thương tổn vỡ eo ĐMC cấp tính, may mắn còn sống sót khi đến Bệnh viện Việt Đức, nhưng trong bệnh cảnh đa chấn thương rất nặng: tràn máu số lượng nhiều ở hai màng phổi do vỡ eo ĐMC; chấn thương + giả phồng động mạch cánh tay đầu – một động mạch rất to và quan trong để nuôi não; gãy kín xương đùi trái; gãy cẳng chân trái hai đoạn với 1 trong 2 chỗ là gãy hở (lòi xương ra ngoài). Tình trạng khi đó rất nguy kịch, cần can thiệp điều trị ngay thương tổn vỡ eo ĐMC. Tuy nhiên nếu phẫu thuật mở theo cách thông thường thì nguy cơ tử vong rất cao trên 90%, do rất khó tiếp cận vào thương tổn vỡ eo (tụ máu và chảy máu rất nhiều), và rối loạn đông máu rất nặng sau mổ.

 

Phim chụp cắt lớp đa dãy dựng hình (MS-CT) thấy hình ảnh vỡ eo ĐMC

Chính vì vậy, đêm 25/11/2017, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quyết định can thiệp làm hai thì:

Can thiệp cấp cứu thì 1: đặt stentgraf ĐMC (can thiệp nội mạch đặt stent vào trong lòng ĐMC qua chọc động mạch đùi – không cần phẫu thuật), dẫn lưu màng phổi hai bên (mỗi bên ra > 1 lít nước máu), rồi mổ cố định gãy xương cẳng chân và bột đùi căng bàn chân.

Can thiệp bán cấp cứu thì 2 (ngày 27/11/2017): mổ mở xử trí tổn thương giả phồng thân động mạch cánh tay đầu qua đường mở nửa trên xương ức và cổ phải (có can thiệp hỗ trợ đặt bóng “cặp” ĐMC từ bên trong gốc động mạch cánh tay đầu), để thay đoạn động mạch thương tổn bằng mạch nhân tạo.

 

Hình ảnh giả phồng động mạch cánh tay đầu do chấn thương của bệnh nhân S.

Hình ảnh đặt stent-graf ĐMC cấp cứu cho Bệnh nhân S.

Bằng phương pháp đặt stent-graf ĐMC, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã giành lại sự sống cho bệnh nhân S.

Phương pháp can thiệp stent-graf ĐMC là một giải pháp hạn chế rủi ro, do thủ thuật đơn giản hơn so với mổ mở, người bệnh hầu như không bị mất máu trong quá trình can thiệp, không gây biến chứng các cơ quan và kiểm tra được tình trạng bệnh nhân ngay sau mổ. Tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật này trong cấp cứu không phải nơi nào cũng có thể làm được. Trái lại, với phương pháp phẫu thuật mở kinh điển (có thể dùng máy tim phổi nhân tạo hỗ trợ hoặc không), thì việc phẫu thuật vô cùng khó khăn do eo ĐMC là vùng rất khó tiếp cận để xử lý các thương tổn khi đang vỡ và chảy máu. Hơn nữa, trong điều kiện cấp cứu và chảy máu dữ dội, nếu kẹp được ĐMC vỡ để xử lý thương tổn cũng sẽ gây tổn thương não và các tạng khác trong cơ thể; nếu dùng tuần hoàn ngoài cơ thể thì sẽ rối loạn đông máu và chảy máu rất nặng sau mổ trên người bệnh đa chấn thương – TS. BS. Phùng Duy Hồng Sơn, một thành viên của ê kip mổ cho biết thêm. Còn nếu rất may mắn, thì bệnh nhân có thể sống được, nhưng phải hồi sức – thở máy hàng tháng, với rất nhiều biến chứng và chi phí cũng tới hàng trăm triệu đồng.

 

Bệnh nhân S. tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực sau phẫu thuật động mạch cánh tay đầu.

Hiện tại ngày thứ 2 sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, rút ống nội khí quản, huyết động ổn định, ăn uống được. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi về tim mạch thêm vài ba ngày, rồi sau đó sẽ được mổ điều trị gãy xương đùi.

Thành công này chứng tỏ trình độ và năng lực chuyên sâu của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook