Hơn 2.500 người bệnh u não được khám và điều trị mỗi năm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
31/07/2020 07:48
U não là loại bệnh hay gặp trong các khoa như: khoa nội thần kinh, khoa ngoại thần kinh, khoa ung bướu, khoa xạ trị… Mỗi năm có 190.000 bệnh nhân u não nguyên phát mới xuất hiện được chẩn đoán và điều trị tại Hoa Kỳ. Hiện nay hơn 688.000 người Mỹ đang sống với u não, trong số đó 130.000 u não ác tính và 550.000 u não lành tính. Rất nhiều bệnh nhân ung thư di căn não. Khoảng 20-40% các loại ung thư có di căn não. Con số tương tự tại Canada là 10.000 bệnh nhân. Tại Việt Nam, chúng ta không có số liệu chính thức chẩn đoán khối u não và tỷ lệ người bệnh mắc u não mỗi năm. Tính riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm nhận khám và điều trị hơn 2.500 người bệnh u não.
U NÃO CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC KHÔNG? BỆNH NHÂN CÓ THỂ SỐNG THÊM ĐƯỢC BAO LÂU?
U não có thể điều trị được. Nhiều loại u não được điều trị sớm, kịp thời, đúng phác đồ và bệnh nhân có thể sống, lao động và làm việc bình thường. Điều trị u não có ba phương pháp chính gồm: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất, hoặc có khi phải phối hợp nhiều phương pháp với nhau.
Khối u não ở trẻ em khác với người lớn. Thời gian sống thêm của trẻ em thường dài hơn và 69% trẻ em sẽ được cứu sống sau điều trị u não. Thầy thuốc sẽ cân nhắc tới tác dụng phụ của phương pháp điều trị trước khi quyết định. Phương pháp điều trị ít tác dụng phụ sẽ được ưu tiên.
“Bệnh nhân sẽ sống thêm được bao nhiêu lâu?” là câu hỏi của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân u não thường đặt ra với thầy thuốc. Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh cho biết: Câu trả lời không giống nhau cho tất cả mọi người. Một số bệnh nhân u não có thể sống khỏe mạnh bình thường và tuổi thọ không giảm đáng kể sau khi được điều trị u não. Một số khác có thể sống thêm vài tháng hoặc vài năm. Một số u não phát triển rất nhanh, khối u lớn nhanh sau vài tuần hoặc vài tháng. Một số trường hợp khác phát triển rất chậm, mỗi năm tăng thêm 2-3mm. U não có thể tái phát sau điều trị, nhưng cũng có loại không tái phát hoặc u không phát triển to hơn sau nhiều năm. Chính vì vậy, chúng ta phải được khám, tư vấn và theo dõi u não liên tục, thường xuyên. Thời gian sống thêm sau khi điều trị u não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loại u, tuổi bệnh nhân, vị trí, kích thước, phương pháp điều trị… Tại Mỹ, khoảng 20% bệnh nhân u não ác tính sống thêm trên 5 năm sau khi điều trị. Ở trẻ em, tỷ lệ u não ác tính sống thêm trên 5 năm cao tới 72 %. Trẻ em dưới 3 tuổi có thời gian sống thêm sau điều trị ngắn hơn so với trẻ em từ 3-16 tuổi. Trong số các loại u não, u tế bào thần kinh đệm đa hình thái ác tính (glioblastoma multiforme) là loại có thời gian sống thêm sau mổ ngắn nhất. Đối với u màng não, người bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu khối u lành tính, phẫu thuật sớm và cắt bỏ hoàn toàn. Người bệnh có thể sống bình thường.
CHÚNG TA LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN BỊ U NÃO?
Nếu người thân của bạn được chẩn đoán u não hoặc bản thân bạn được bác sỹ thông báo bị u não, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ bị sốc rất nặng. Tất cả mọi người đều bị sốc khi người thân đã hoặc đang sống với bạn rơi vào hoàn cảnh đó. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau trước thông tin người thân hoặc bản thân bị u não. Thông thường, nếu bạn bị u não, bạn sẽ lo sợ, sốc, cảm thấy không an toàn và lo lắng cho tương lai của bạn. Vấn đề quan trọng là bạn phải làm gì? Bạn cần phải bình tĩnh để đưa ra quyết định hợp lý để quyết định hoặc cần tới sự giúp đỡ người của bạn bè, người thân. Bạn nên thử làm những việc như lời khuyên sau đây:
– Hãy tìm kiếm thông tin về bệnh u não (đọc sách, báo, internet, trao đổi với những người đã từng bị u não…).
– Hãy gặp bác sỹ và tư vấn về vấn đề của bạn: khả năng chính xác của chẩn đoán, các phương pháp điều trị, hy vọng, cuộc sống và công việc của bạn khi phải điều trị u não.
– Hãy lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu theo lời khuyên của bác sỹ.
– Hãy lập kế hoạch cho cuộc sống và công việc của bạn kể từ khi được chẩn đoán bị u não.
– Đừng nản chí, đừng bỏ cuộc, hãy tự tin “chiến đấu” với khối u não của bạn.
Khi bạn được thông báo bị u não, hãy thực hiện các bước sau nhằm tìm kiếm một biện pháp điều trị hữu hiệu nhất và giảm đi những lo lắng, sợ hãi không cần thiết:
1. Hãy dành chút thời gian yên tĩnh riêng cho bạn và đưa ra quyết định sớm nhất: bạn biết chắc chắn bạn bị u não và sẽ sống phần đời còn lại với cuộc chiến chống lại u não. Khối u não của bạn có thể sẽ biến mất hoàn toàn hoặc luôn tồn tại trong não sau điều trị.
2. Hãy trao đổi với người thân trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, những người bạn tin tưởng. Hầu hết họ đều mong muốn giúp bạn giải quyết tốt nhất vấn đề của bạn. Nhưng phần lớn họ không thể vì họ không phải là thầy thuốc. Họ chỉ có thể động viên bạn hay giúp đỡ chăm sóc bạn. Bạn sẽ là người đưa ra quyết định nên điều trị theo hướng nào.
3. Tìm kiếm thông tin về u não trong sách, tạp chí, báo, internet hay bất cứ nguồn thông tin nào có thể.
4. Gặp bác sỹ chuyên điều trị u não để hỏi và tư vấn cách điều trị. Bạn có thể tư vấn bác sỹ thứ hai hoặc thứ ba về căn bệnh của bạn. Những bác sỹ chuyên về u não bao gồm: bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bác sỹ nội thần kinh, bác sỹ chuyên khoa ung bướu, chuyên khoa xạ trị và chuyên khoa hóa trị.
5. Bạn có thể gặp bệnh nhân u não đã từng điều trị bệnh u não như bạn. Nhưng nên nhớ: Có 120 loại u não khác nhau và tình trạng bệnh của bạn không hoàn toàn giống với người bệnh u não mà bạn gặp. Mỗi loại u não khác nhau có cách điều trị khác nhau. Mỗi cơ thể phản ứng với khối u não theo cách riêng. Ý kiến của người bệnh đã từng bị u não hay đang điều trị u não chỉ là tham khảo.
6. Khi gặp bác sỹ hay đội ngũ y tế chăm sóc cho bạn cũng như bệnh nhân u não mà bạn cần nói chuyện, hãy mang theo cuốn sổ nhỏ để ghi chép lại những gì cần thiết. Hoặc ghi trước những câu hỏi mà bạn quan tâm trước khi tư vấn. Bất cứ khi nào có điều gì cần tư vấn, hãy ghi vào sổ.
Phòng Công tác xã hội