Cậu bé ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam… Sau 3 năm gặp lại
13/07/2020 09:07
Tháng 3/2017, tại Trung tâm ghép tạng, bệnh viện Việt Đức, ca bệnh đặc biệt của cậu bé Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi, thôn Tiền Huân, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) khiến đội ngũ các y bác sĩ ở đây vô cùng lo lắng. Lí do, cậu bé Đạt còn quá nhỏ nhưng đã phát hiện tình trạng suy tim giai đoạn cuối cùng cơ tim giãn to, chỉ còn phương pháp cuối cùng cứu em là phải ghép tạng.
Ca bệnh khiến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch – Lồng ngực, bệnh viện Việt Đức đứng ngồi không yên, bởi lẽ mọi phương pháp điều trị cho Đạt là gần như không còn tác dụng, giờ chỉ có một cơ hội sống duy nhất là được ghép tim.
Trong lúc bế tắc nhất thì điều may mắn đã gõ cửa khi có thông tin một người hiến tạng. Đó là bệnh nhân N.T.S.H (34 tuổi) chẩn đoán u gan từ năm 2014. Đây là cơ hội “vàng” ghép tim cho Đạt bởi một năm chỉ có 2 hoặc 3 trường hợp chết não hiến tạng. Đặc biệt ghép tim cho trẻ con, thì cơ hội tìm được người hiến phù hợp gần như là không có.
Tim hiến đã có, nhưng có 2 khó khăn vô cùng lớn. Theo bác sĩ Ước, khó khăn đầu tiên là sự phù hợp về mặt kích thước tim giữa người cho và người nhận. Đối với ghép tim người lớn thì không cần đo đạc kỹ lưỡng, mà chủ yếu dựa vào phù hợp cân nặng và chiều cao. Với cân nặng giữa người cho và người nhận vênh nhau dưới 20%, tức tỷ lệ cho và nhận dưới 1,2 thì ghép rất tốt, từ 1,2-1,3 có thể ghép nhưng khó khăn, 1,3-1,5 rất hạn chế chỉ định ghép, trên 1,5 là không có chỉ định ghép tim.
“Nhưng riêng trường hợp của bé Đạt, nếu so sánh cân nặng hiện tại thì vênh nhau gấp 3 lần tức là 3,0. Nếu dựa vào cân nặng trước khi bị ốm thì vênh nhau 2,0. Trên thế giới tỷ lệ vênh nhau trung bình là 1,5-2,0 và mức tối đa là 4,7 theo báo cáo thế giới. Vì vậy trường hợp bé Đạt vẫn có thể chỉ định ghép với mức độ tương đối khó”.
Về mặt kỹ thuật khó đã đành, một vấn đề khó khăn không kém là kinh phí để thực hiện ca phẫu thuật tim. Theo bác sĩ Ước, với ca phẫu thuật ghép tim này, bệnh viện Việt Đức phải huy động toàn bộ nhân lực ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu, sử dụng máy móc kỹ thuật cao với chi phí ước tính khoảng hơn 1 tỉ đồng.
Để cứu con, chị Nguyễn Thị Mai Phương (mẹ bé Đạt) một mặt rao phải bán nhà, mặt khác phải đi vay mượn khẩn cấp các nơi nhưng cũng chỉ có được 200 triệu đồng, không đủ cho ca ghép tạng mà thời gian của con lại bị đếm ngược từng giây.
Thời khắc vàng để ghép tim cho Đạt đã tới, nhưng vấn đề kinh phí là bài toán không có lời giải. Theo kế hoạch là sáng ngày 15/3, Đạt sẽ phải vào phòng ghép vì tình trạng đã quá nguy kịch nhưng cho đến thời điểm 19h ngày 14/3, gia đình và các bác sĩ vẫn không thể “cầu cứu” được bất cứ cơ quan nào hỗ trợ.
Nhớ lại thời điểm khó khăn đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh: “Với chi phí lên đến cả tỉ đồng, gia đình cháu Đạt chỉ lo được 1/5 trong số đó, còn lại không biết trông chờ vào nguồn nào cả. Tôi còn nhớ lúc đó phía khoa, phòng đã liên hệ với 1 số đơn vị để xin tài trợ cho cháu nhưng chưa nhận được câu trả lời nên lại càng sốt ruột. Việc ghép tim cho cháu được tính bằng giờ, bằng phút, không thể chờ được vì tính mạng cháu lúc đó đã nguy cấp lắm rồi.
Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, một mặt khoa phòng kí cam kết với bệnh viện, mặt khác nhờ báo điện tử Dân trí thông tin với hi vọng cháu sẽ được bạn đọc giúp đỡ. Và điều bất ngờ đã đến, ngay sau khi bài báo được lên trang, gia đình cháu đã nhận được nhiều tấm lòng gửi về để bổ sung dần chi phí của ca ghép”.
21h ngày 14/3, tại bệnh viện Việt Đức, PV báo Dân trí vẫn ngồi trao đổi với ê kíp các bác sĩ ngày mai sẽ ghép tim cho Đạt. Nỗi đau, nước mắt và cả sự sợ hãi đến run rẩy khiến chị Mai Phương chỉ biết cầm tay mọi người cầu xin phép màu sẽ đến… Tất cả mọi người đều nín thở hồi hộp và hi vọng để rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi sáng sớm ngày 15/3, bài báo về hoàn cảnh của Đạt: “Tình cảnh nguy kịch của cậu bé 10 tuổi cần được ghép tim” được đăng tải đã ngay lập tức nhận được sự kết nối dồn dập từ phía độc giả.
Nhớ lại ngày lịch sử đó, chị Mai Phương vẫn còn nguyên cảm xúc nghẹn ngào: “Chị không thể tin vào mắt mình. Con được đưa vào phòng ghép tạng, còn bên ngoài điện thoại chị nóng máy vì quá nhiều các bác gọi hỏi thăm con. Các bác còn đến bệnh viện ngay và ngồi ở ngoài phòng phẫu thuật chờ con cùng với chị. Tiền thì có bác chuyển khoản giúp đỡ, có bác đóng luôn vào viện, có bác thì đưa tiền mặt, tổng số tiền mọi người ủng hộ cũng khoảng hơn 1 tỉ đồng, đủ để chị bổ sung tiền còn thiếu cho ca ghép tim của Đạt”.
3 năm đã trôi qua, cậu bé Đạt năm nào giờ đã cao lớn và trưởng thành hơn. Sau ca ghép tim, hàng tháng em vẫn đều đặn lên khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nên sức khỏe ổn định. Gia đình em cũng mở một tiệm may nhỏ để mẹ con làm, đủ lo trang trải bữa cơm hàng ngày, đủ đầy và ấm áp.
Ca ghép tim của em cũng là kỉ niệm không bao giờ quên đối với cá nhân PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói riêng và ê kíp các bác sĩ bệnh viện Việt Đức nói chung bởi ngày 12/5/2017 sự kiện “Chúc mừng bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam ra viện” đã được diễn ra vô cùng ấn tượng với việc đưa tin rộng rãi từ các cơ quan thông tấn báo chí. Ca bệnh được Bộ Y Tế bình chọn trở thành 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế năm 2017, khẳng định thành công vượt bậc của phương pháp ghép tạng do 100% ê kíp các bác sĩ Việt Nam thực hiện.
Nhắc đến ca ghép tim này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết: “Trong vòng 3 năm qua, chúng tôi và các bệnh viện khác có tiếp nhận một số trường hợp nhỏ tuổi nhưng vì nhiều lí do nên không thể ghép được nên ca ghép tim này vẫn được bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế nhắc đến cháu là ca ghép tim thành công và nhỏ tuổi nhất Việt Nam”.
Có được sự thành công ấy là nhờ biết bao tấm lòng của bạn đọc báo Dân trí đã chung tay. Chị Mai Phương nghẹn ngào nhớ lại: “Không bao giờ quên được có cụ hơn 80 tuổi chống gậy đến khoa cho chị 500 nghìn đồng. Cụ bảo đây là cụ trích trong tiền lương ra để cho cháu Đạt, mong cháu sống và trở về nhà. Rồi đến thăm con còn có rất nhiều em bé nữa, các con mang cả con lợn tiết kiệm để tặng cho anh Đạt. Những tình cảm đó với gia đình chị luôn là những điều thiêng liêng mà hết cuộc đời này chị không bao giờ quên được”.
Nhận được quá nhiều những “ân tình, ân nghĩa” mọi người dành cho nên cá nhân Đạt luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho mình. Em luôn cố gắng tập luyện để bản thân hòa nhập được hết hoạt động cùng các bạn. Cô giáo Vũ Thị Phương Anh, chủ nhiệm 6A (lớp em Đạt) trường THCS Viên Sơn, xã Viên Sơn, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết: “Trên lớp, con rất ngoan ngoãn và nghe lời thầy cô. Con sinh hoạt bình thường với các bạn từ công việc trực nhật, lao động và những hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng”.
Trên lớp là thế, về nhà ngoài giờ học em vẫn phụ mẹ vào bếp, nấu cơm hoặc sắp xếp lại các xấp vải cho mẹ may. Cậu bé cười, bẽn lẽn, khẽ tâm sự: “Mẹ con nói, mẹ con sinh ra con nhưng mạng sống này là của mọi người cho con nên con phải sống tốt và trở thành người tử tế, sau này nếu có cơ hội sẽ giúp đỡ lại những người khó khăn”.
Theo Phạm Oanh/Báo Dân Trí