Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nguy kịch thoát án tử nhờ hệ thống hỗ trợ y tế từ xa telemedicine
09/08/2018 16:22
Kết quả thành công từ việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, đồng thời giảm chi phí cho người bệnh.
Áp dụng một trong các kỹ thuật đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển giao, ngày 20/ 7/ 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và cấp cứu người bệnh Mai Văn Diễm – 31 tuổi, Dân tộc Mông được chẩn đoán chấn thương sọ não kín, tụ não dưới màng cứng thùy thái dương phải, dập não đa ổ có phù não nặng (người bệnh đã 03 lần ngừng tim trong quá trình cấp cứu). Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và xin ý kiến chỉ đạo của các chuyên gia từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Xác định đây là trường hợp bệnh lý nặng, phức tạp, tình trạng người bệnh rất nguy kịch cần được xử lý mổ cấp cứu trong khi điều kiện thời tiết và giao thông không thể chuyển người bệnh về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoặc hỗ trợ chuyên gia từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Trước tình hình đó, Gs.Ts Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện HN Việt Đức và các chuyên gia đã quyết định hỗ trợ, chỉ đạo các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên phẫu thuật qua thiết bị hội chẩn trực tuyến Telemedicine. Sau 45 phút chuẩn bị, người bệnh đã được đưa lên phòng mổ và triển khai phẫu thuật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các chuyên gia về phẫu thuật Thần kinh, Gây mê và Hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Xúc động chia sẻ tại buổi truyền hình trực tuyến chiều ngày 6/8/2018 từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và 18 điểm cầu tại các bệnh viện vệ tinh, Ths.Phạm Tiến Biên – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên chia sẻ: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và dự án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã nhận được nhiều dự án chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức. Cho đến nay, nhiều kỹ thuật được chuyển giao đã được thực hiện tốt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, bệnh viện được đầu tư hệ thống telemedicine tại phòng mổ bệnh viện kết nối với Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giúp các bác sỹ thực hiện được những ca phẫu thuật khó, phức tạp, ngoài khả năng chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới.
Trước đó, ngay sau ca phẫu thuật thành công,Ths. BSCKII Phạm Văn Mẫn – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã gửi thư cảm ơn tới lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các thầy chỉ đạo trực tuyến ca phẫu thuật cho bệnh nhân Mai Văn Diễm.
Đây là một thành công ngoài sự mong đợi. Bệnh nhân hồi phục chức năng tương đối tốt, glasgow từ 5 điểm, giờ đã có thể tự đi lại và nói chuyện. TS.BS Lê Hồng Nhân – Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sỹ trực tiếp chỉ đạo trực tuyến ca phẫu thuật đã chúc mừng ê kíp mổ thực hiện thành công ca phẫu thuật trên một bệnh nhân nặng và gửi lời dặn dò bệnh nhân. Đối với tất cả các bệnh nhân bị chấn thương sọ não nói chung và bệnh nhân bị tụ máu dưới màng cứng và ngoài màng cứng nói riêng, một trong những lưu ý đầu tiên là những di chứng để lại sau chấn thương sọ não, nhất là sau chấn thương có tổn thương của tổ chức não cũng như vỏ não hậu quả của tổn thương vỏ não đó là xuất hiện những cơn động kinh. Bác sỹ khuyên người bệnh tránh leo trèo cao, tránh sử dụng các phương tiện tự đi lại nhất là xe máy để không bị tai nạn, đồng thời cần lưu ý khi tắm sông suối, tránh trơn trượt. Tại khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương mà không phát hiện do di chứng động kinh. Để tránh những cơn động kinh thứ phát sau chấn thương sọ não, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia. Vì đây là những chất kích thích sọ não, kích thích cơn động kinh. Bệnh nhân có thể ăn uống bình thường và tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày. Đồng thời cần khám định kỳ để kiểm tra, theo dõi, tránh những biến chứng tiếp theo có thể xảy ra.
Sống lại sau trận “thập tử nhất sinh”, bệnh nhân Mai Văn Diễm bày tỏ niềm xúc động và cảm ơn các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và Bệnh viện Việt Đức đã tận tình cứu chữa, giúp anh sống thêm một lần nữa.
Nhờ dự án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, với vai trò là bệnh viện hạt nhân về ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho các bác sỹ ở các bệnh viện vệ tinh, đồng thời thực hiện tư vấn, hội chẩn từ xa cho nhiều bệnh viện vệ tinh qua hệ thống truyền hình trực tuyến Telemedicine, kết nối tại phòng mổ và phòng hội chẩn với các ca phẫu thuật khó, cứu sống nhiều bệnh nhân.
Phòng Công tác xã hội