2 con chó becgie lao vào cắn bé trai lóc toàn bộ da đầu, mất 2 tai nguy kịch

05/05/2019 12:17

Suckhoedoisong.vn – Ngày 4/5, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật cho bé trai (12 tuổi) bị 2 con chó becgie lao vào cắn mất gần toàn bộ da đầu và mất 2 tai, nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Sau 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe cháu bé tiến triển tốt.

 

Bệnh nhi là N.V.Th. (12 tuổi, trú xã Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị chó nhà cắn với vết thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng và đã phải nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân ngày 29/4. Ngay sau khi gia đình đưa em N.V.Th. nhập viện, các y bác sĩ đã sơ cứu cho bệnh nhi, rồi phải chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để điều trị vì vết thương ở đầu, tai và nhiều vết thương rất nặng khác trên người.

 

Các bác sĩ cho biết, cháu Th. bị lóc da đầu, mất hai tai, nhiều vết thương trên cơ thể. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi Th. các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phải truyền máu cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho Th.. Trong đêm 29/4, bệnh viện đã chuyển Th. ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để điều trị các vết thương trên cơ thể.

 

Tại BV Việt Đức, thông tin về tình trạng bệnh nhân, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết, sau 4 ngày mổ cấp cứu, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, có thể giao tiếp được tuy vẫn còn hơi mệt, nhợt nhạt, bệnh nhân đã cử động được chân tay, đang được cho tập ăn. Trẻ cũng đã được tiêm vắc xin phòng dại.

 

Các bác sĩ đang theo dõi sát sao tình trạng sọ não, ổ bụng cho bệnh nhân. Đồng thời tiếp tục chăm sóc, dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc chống phù nề, chống viêm, và theo dõi đánh giá xem những phần da đã vá lại, cố gắng che phủ phần xương sọ trên đầu bị lộ ra xem có sống được không và sống được bao nhiêu để có kế hoạch tái tạo da đầu, tái tạo vành tai cho cháu bé trong thời gian tiếp theo.

Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho bệnh nhi.

 

Sẽ tái tạo tai 3D đẹp tự nhiên cho trẻ

Với phần tai bị chó cắn mất, PGS. Hồng Hà cho biết, hiện nay có kỹ thuật mới lần đầu tiên triển khai ở nước ta đó là sử dụng khung sụn tai nhân tạo (Medpor, Omnipor) thay cho sụn sườn tự thân. Đây là một chất liệu trơ, xốp như san hô, khả năng tương thích rất cao với cơ thể với hàng trăm nghìn lỗ nhỏ li ti các tổ chức mô cơ thể có thể mọc vào bên trong và bám chắc vào khung sụn.

 

Chỉ với một lần phẫu thuật, trẻ có được cái tai gần như bình thường, tự tin chơi đùa và cắp sách tới trường cùng các bạn mà không cần đợi đến 10-12 tuổi và không phải trải qua hai lần phẫu thuật. Ngày càng nhiều bệnh nhi được phẫu thuật sớm hơn không cần lấy sụn sườn, chỉ cần 1 lần phẫu thuật lúc trẻ mới 4 – 6 tuổi, tránh mặc cảm cho trẻ khi đến lớp.

 

Trong khi đó, phương pháp trước kia thường phải phẫu thuật nhiều lần trong thời gian dài, thậm chí phải đợi trẻ đủ lớn mới cung cấp đủ khối lượng sụn sườn cần thiết để “điêu khắc” tai. Không những thế, trẻ còn phải chịu đau và một sẹo vùng ngực nơi lấy sụn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có nguy cơ biến dạng ngực sau này – chuyên gia tạo hình thẩm mỹ cho hay.

 

Theo các chuyên gia, phẫu thuật tạo hình vành tai là một trong những phẫu thuật khó nhất trong chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ. Vì vành tai với rất nhiều các gờ, thành quách tạo nên một một không gian kiến trúc 3 chiều cực kỳ khó để điêu khắc. Chính vì vậy, việc sử dụng khung sụn nhân tạo đã được thiết kế sẵn theo không gian ba chiều sẽ cho một kết quả thẩm mỹ về vành tai ưu việc hơn các kỹ thuật gọn đẽo từ sụn tự thân như trước đây. Cho đến nay cũng còn chỉ có rất ít các trung tâm lớn ở các nước có nền y học hiện đại trên thế giới thực hiện được kỹ thuật này.

 

Nếu trẻ sớm bình phục thì trong vòng 3- 6 tháng có thể dùng chất liệu tự thân hoặc chất liệu nhân tạo để tái tạo tạo hình tai cho trẻ, giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống.

Bác sĩ tiến hành một ca phẫu thuật tái tạo tai cho bệnh nhân dị tật tai nhỏ bẩm sinh bằng khung sụn tai nhân tạo tại BV Việt Đức.

Cần giữ lại tổ chức đứt rời của cơ thể

PGS. Hà khuyến cáo, với các trường hợp chó cắn vào mạch máu lớn, máu chảy dữ dội có thể tử vong ngay lập tức thì cần nhanh chóng băng ép cầm máu cho bệnh nhân, chuyển bệnh nhân đến nơi có thể truyền máu, bù dịch được.

 

Nếu bị có cắn vào đường thở thì cần nhanh chóng khai thông đường thở trước khi chuyển bệnh nhân đi, bởi lẽ nếu không cầm máu và không thở được thì bệnh nhân sẽ tử vong trước khi đến cơ sở y tế cấp cứu.

 

Đặc biệt, PGS. Hà khuyến cáo, những phần đứt rời rơi ra ngoài cơ thể bệnh nhân dù còn nguyên vẹn hay dập nát thì đều phải giữ lại, bảo quản và mang đến cho bác sĩ cùng với bệnh nhân bị thương để có thể tận dụng mọi tổ chức cơ thể nối lại một cách tối đa cho người bệnh.

 

“Có trường hợp bệnh nhân đứt rời tai hoặc miếng da, người thân thấy vậy sợ quá bèn mang bỏ miếng da đó đi. Điều này là không nên vì sẽ khó tái tạo, tổ chức cơ thể của mình vẫn là tốt nhất để tái tạo”- bác sĩ tư vấn.

 

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, gia đình nuôi chó mèo cần có ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

 

Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

 

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

 

Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.

 

PV Dương Hải/ Báo Sức khoẻ & Đời sống

Tagged in: Tags: