Bệnh nhân mắc Parkinson nặng, hồi phục nhanh, ra viện sớm nhờ phẫu thuật kích thích não sâu

18/05/2019 07:53

Suckhoedoisong.vn – 9 ca phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho những bệnh nhân Parkinson nặng đáp ứng kém với thuốc tại đã được thực hiện BV Việt Đức từ cuối tháng 4/2019 đến nay. Thành công này mở ra cơ hội nâng cao chất lượng sống cho những bệnh nhân Parkinson nặng.

Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Parkinson nặng có nhiều cải thiện

 

Ngày 16/5, sau 5 ngày được các bác sĩ BV Việt Đức phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, tình trạng của  bệnh nhân Đào Sỹ Son, 64 tuổi ở Bắc Ninh đã cải thiện rõ rệt. Được bác sĩ hướng dẫn thực hiện các động tác đơn giản, bệnh nhân Sơn làm theo thuần thục.

 

Trò chuyện với chúng tôi, bệnh nhân Đào Sỹ Son cho biết, ông được chẩn đoán mắc Parkinson 5 năm trước. Triệu chứng khởi đầu cứng khớp, không nhấc nổi chân nên di chuyển khó, nói khó, viết khó, run rẩy chân tay.

 

“Ban đầu tôi được điều trị bằng thuốc uống. Gần đây triệu chứng ngày càng nặng hơn, tôi không thể làm được bất cứ việc gì, kèm chán nản, bi quan”- bệnh nhân Son kể lại.

 

TS Trần Đình Văn- Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, BV Việt Đức cho biết, khi bệnh nhân Son đến khám tại BV Việt Đức,  qua hội chẩn và trao đổi với gia đình, bác sĩ quyết định phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu vào vùng dưới đồi ở hai bên cho bệnh nhân.

BS Trần Đình Văn hướng dẫn cho bệnh nhân Son thực hiện các động tác sau phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu Ảnh chụp ngày 16/5

Một trường hợp khác là bệnh nhân Hoàng Minh P sinh năm 1964 được chẩn đoán Parkinson từ năm 2006. Triệu chứng khởi đầu của bệnh nhân là run vùng ngọn chi, chủ yếu tay phải, kèm theo có cứng các cơ nửa người phải, bệnh nhân nói khó, viết khó. Bệnh nhân được điều trị nội khoa nhưng các triệu chứng bệnh nhân nặng dần lên với các biểu hiện run, cứng từ chi ưu thế bên phải, nói khó, viết khó, đi lại khó khăn kèm theo bệnh nhân tiểu khó, hay vã mồ hồi, táo bón.

 

Đến thời điểm bệnh nhân đến khám, bệnh nhân đã dùng tới 6 viên syndopa/ngày. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng trong khoảng vài tiếng, ngoài ra sau khi sử dụng thuốc khoảng 30 phút đến 1 giờ bệnh nhân có các biểu hiện loạn động, xoắn vặn. Bệnh nhân rất chán nản, bi quan. Sau khi được khám sàng lọc và làm các test đánh giá về thần kinh, tâm lý… để đánh giá khả năng phẫu thuật. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.

 

Ê kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ nội thần kinh, ngoại thần kinh, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh. Sau khi hội chẩn xác định đường vào và quyết định đặt điện cực kích thích não sâu vào vùng dưới đồi ở hai bên. Đường vào được xác định dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp và cộng hưởng từ và gắn với một khung định vị để xác định chính xác vị trí đặt điện cực với sai số vài mm.

 

Bệnh nhân được khoan 2 lỗ trên sọ và luồn điện cực vào vị trí được xác định ban đầu. Hầu hết quá trình phẫu thuật bệnh nhân vẫn tỉnh và các bác sĩ nội thần kinh thăm khám đánh giá sự cải thiện của triệu chứng cũng như tác dụng phụ xảy ra do quá trình đặt điện cực để điều chỉnh vị trí điện cực.

 

Sau khi đặt điện cực bên trái bệnh nhân được tiến hành đặt điện cực bên phải với quy trình như trên và nối dây điện cực ra cục pin đặt dưới da ngực phải. Toàn bộ quá trình phẫu thuật từ lúc gắn khung định vị đến khi kết thúc phẫu thuật kéo dài từ 7-8h.

 

Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu- mở ra cơ hội sống chất lượng cho bệnh nhân Parkinson nặng

 

Đây là 2 trong số 9 ca phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho những bệnh nhân Parkinson nặng đáp ứng kém với thuốc tại BV Việt Đức từ cuối tháng 4/2019 đến nay. Theo đánh giá, tình trạng các bệnh nhân đều tiến triển tốt.

 

Thành công bước đầu này đưa BV Việt Đức Đặt trở thành đơn vị y tế đầu tiên của miền Bắc thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho những bệnh nhân Parkinson nặng đáp ứng kém với thuốc.

 

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Nội – Hồi sức Thần Kinh – BV Việt Đức cho biết, kỹ thuật “kích thích não sâu” là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác.

Nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân Son sau khi được nhận hoa từ bác sĩ

Phẫu thuật kích thích não sâu là một phương pháp phẫu thuật sọ não nhằm đưa một que kim loại (còn gọi điện cực) vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó.

 

Tuổi thọ pin trung bình khoảng 5 năm tùy thuộc vào cường độ điện sử dụng cao hay thấp. Giống như máy tạo nhịp tim, khi được kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, từ đó tác động vào nhân não giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Người bệnh được khoan 2 lỗ trên sọ và luồn điện cực vào vị trí được xác định ban đầu.

 

“Hầu hết quá trình phẫu thuật bệnh nhân vẫn tỉnh và các bác sĩ nội thần kinh thăm khám đánh giá sự cải thiện của triệu chứng cũng như tác dụng phụ xảy ra do quá trình đặt điện cực để điều chỉnh vị trí điện cực. Ca phẫu thuật kéo dài 7 đến 8 giờ”- TS Tuấn cho biết.

 

3 tuần sau khi phẫu thuật được duy trì dùng thuốc và điều chỉnh cường độ kích thích phù hợp, bệnh nhân đã có thể đi lại, tự phục vụ bản thân. Các biểu hiện như loạn động đã được kiểm soát, các triệu chứng như cứng cơ được cải thiện 80-90%, triệu chứng run được cải thiện 70%.

 

Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh và tiến triển từ từ, nặng dần theo thời gian. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là triệu chứng vận động gồm run và co cứng cơ, chậm chạp, mất ổn định về tư thế, bệnh nhân đi lại dễ bị ngã.

Triệu chứng ngoài vận động liên quan đến trầm cảm, tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật… Điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Giai đoạn đầu, thường 4-5 năm từ khi khởi phát bệnh, việc dùng thuốc khá hiệu quả. Những giai đoạn sau, đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân phải tăng liều điều trị và xuất hiện nhiều biến chứng. Kỹ thuật kích thích não sâu là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác.

Các nước châu Âu và Mỹ khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn đáp ứng kém với thuốc, thường tối thiểu 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Giá thành điều trị ở Việt Nam cũng giảm nhiều, chỉ khoảng hơn 30.000 USD (bằng 1/3 so với nước ngoài).

 

PV Thái Bình/Báo Sức khỏe & Đời sống

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook