Khoảng 800.000 người Việt Nam bị suy thận giai đoạn cuối
09/03/2023 11:09
Theo báo cáo, riêng tại Việt Nam, số người suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo là khoảng 800.000 người. Hiện chi phí điều trị cho các bệnh nhân thận mạn có thể lên tới 14 triệu đồng/ tháng, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả. Người mắc bệnh thận cũng chịu những tổn thương tinh thần to lớn trong học tập, việc làm và gia đình. Do đó, khi phát hiện bệnh cần điều trị bảo tồn đúng cách, đúng chuyên khoa và áp dụng phương pháp phù hợp.
Theo TS Nguyễn Thế Cường – Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức, nhu cầu người bệnh suy thận cần điều trị thay thế thận ngày càng lớn. Lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Mặc dù còn nhiều hạn chế về hiệu quả điều trị, lọc máu vẫn là biện pháp điều trị thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến. Do đó, các cơ sở lọc máu cần tiến hành áp dụng nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh lọc máu.
Tuy nhiên TS. Cường cũng cho hay gánh nặng chi phí điều trị của các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối ngày càng lớn, trong đó ghép thận có ưu thế hơn về chi phí điều trị. Vì thế cần có chính sách phù hợp để tăng khả năng ghép thận của người bệnh bệnh thận giai đoạn cuối, cả ghép thận từ người hiến sống và người hiến chết não.
Cũng về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho hay có nhiều rào cản trong việc nâng cao chất lượng điều trị , một trong số đó là giá dịch vụ kỹ thuật thận nhân tạo còn thấp, chưa đáp ứng đủ yêu cầu điều trị căn bản; Cùng đó bệnh nhân thận nhân tạo còn chịu nhiều gánh nặng tinh thần, xã hội và bệnh tật khác như hôn nhân, nghề nghiệp…, biến chứng, nhập viện và tử vong cao.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo: Khi thận còn khỏe hãy giữ gìn cho thận luôn khỏe. Khi thận suy điều trị bảo tồn đúng cách. Khi suy giai đoạn cuối chọn phương pháp phù hợp và tuân thủ các chỉ định.
Nhiều chủ đề đã được các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị hưởng ứng ngày toàn thế giới phòng chống bệnh Thận như: “Tác động tâm lý và xã hội của bệnh thận mạn tính”; “Bệnh thận đái tháo đường”; “Ghép thận và lọc máu: góc nhìn từ thực tế lâm sàng và kinh tế y tế”; “Chiến lược phát hiện và quản lý sớm bệnh thận mạn tính phòng ngừa tiến triển đến giai đoạn cuối”…
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Việt Đức; Hội Lọc máu Việt Nam và Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam. Các báo cáo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của thận, tầm quan trọng của việc giảm tỉ lệ bệnh thận và tác động của bệnh lý thận cũng như các bệnh lý liên quan đến các đồng nghiệp, người bệnh và người nhà người bệnh.
Từ năm 2005, tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày thứ 5 tuần thứ hai của tháng 3 hàng năm là ngày Thận Thế giới (World Kidney Day).
Theo số liệu thống kê của Hội thận học Thế giới ước tính, có khoảng 3 triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận.
Bệnh viện Việt Đức là một trong các Trung tâm ghép tạng lớn nhất cả nước bao gồm ghép tim (49 ca), ghép gan (84 ca chết não; 23 ca cho sống), trong đó có ghép thận (157 ca chết não; 1.289 ca cho sống), và kỹ thuật ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện.
Các đại biểu, báo cáo viên tham dự xem danh sách chứng nhận đại biểu, báo cáo viên hội nghị hưởng ứng ngày toàn thế giới phòng chống bệnh thận 2023 Tại đây
PV Thái Bình/Báo Sức khỏe và Đời sống