Hiệu quả hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh sau phẫu thuật mở nắp sọ giảm áp do chấn thương sọ não

15/07/2020 07:53

Mở nắp sọ giảm áp do chấn thương sọ não là một phẫu thuật cấp cứu hay gặp nhất trong chấn thương sọ não, đặc biệt trong nhóm chấn thương sọ não nguy cơ trung bình (glasgow từ 9 – 13 điểm), nguy cơ cao (glasgow dưới 8 điểm). Chăm sóc sau mổ giải tỏa não đóng vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu các biến chứng sau mổ, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục thần kinh và toàn trạng. Sự phối hợp giữa Bác sĩ – Điều dưỡng – Người nhà chăm sóc người bệnh là mắt xích quyết định trong quá trình chăm sóc này.

PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám và tư vấn cho người bệnh

Nguyên nhân chấn thương sọ não bao gồm: tai nạn giao thông chiếm chủ yếu, tai nạn lao động, tai nạn bạo lực, tai nạn hàng loạt… Các triệu chứng chủ yếu là biểu hiện của chèn ép não (tăng áp lực nội sọ): đau đầu, ý thức thay đổi, nôn/buồn nôn, yếu/liệt nửa người, giãn đồng tử… Khi người bệnh vào viện sẽ được làm hồ sơ bệnh án, xét nghiệm cơ bản, siêu âm ổ bụng, xquang, chụp cắt lớp vi tính sọ não và khám đánh giá loại trừ tổn thương phối hợp. Khi người bệnh có chỉ định mổ cấp cứu, hoàn thiện xét nghiệm, phim chụp do bác sĩ yêu cầu, vệ sinh cá nhân (cạo tóc, thay áo mổ), ký cam đoan mổ và nhân viên vận chuyển vào phòng mổ. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được theo dõi sát và điều trị tại phòng hồi sức tích cực hoặc chuyển về khoa điều trị tùy vào tình trạng trong mổ và tri giác trước mổ, tổn thương phối hợp. Mảnh xương sọ được gửi về phòng bảo quản mô phôi của bệnh viện. Khi người bệnh ổn định, bác sĩ gây mê sẽ chuyển người bệnh về khoa thần kinh để theo dõi và điều trị đến khi chuyển viện hoặc ra viện. Thời gian dự kiến nằm viện trung bình 7 ngày, tùy thuộc tình trạng người bệnh. Để thuận tiện cho việc chăm sóc người bệnh cũng như công tác vệ sinh phòng bệnh và an toàn người bệnh, hạn chế nhiễm trùng, bệnh viện khuyến cáo gia đình chỉ được mang theo một bộ quần áo sạch cho người bệnh mặc lúc chuyển viện, một đôi dép, cốc thìa bát đũa, sữa cho người bệnh. Ngoài ra cũng cần chuẩn bị thêm bỉm, tấm lót đầu, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, bàn cạo râu, không mang chăn chiếu, bô chậu từ ngoài vào buồng bệnh.

 

Thực hiện đúng các hướng dẫn cho người bệnh và dịch vụ chăm sóc trước khi phẫu thuật: vệ sinh, tắm gội, thay quần áo viện. Tháo bỏ đồ trang sức (vòng, nhẫn, đồng hồ…), răng giả, cắt móng tay chân. Người bệnh được dặn ăn uống hoàn toàn cho đến khi được mổ xong. Trong lúc nhịn ăn chờ mổ, điều dưỡng viên sẽ truyền đường và muối để duy trì thể trạng ổn định cho người bệnh. Khi người bệnh đi mổ, thuốc kháng sinh được chuyển vào phòng mổ cùng người bệnh để sử dụng trong mổ dự phòng nhiễm khuẩn.

 

Hướng dẫn và dịch vụ chăm sóc những ngày tiếp sau mổ: Bác sĩ đi buồng hàng ngày để thăm khám người bệnh 2 lần/ngày, dựa vào kết quả khám, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định về thuốc, các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết. Người bệnh luôn được theo dõi (đặc biệt trong 24h đầu sau mổ), thực hiện thuốc cũng như đáp ứng nhu cầu cần thiết của người bệnh. Khi có bất thường xảy ra, điều dưỡng viên sẽ xử trí cấp cứu trong phạm vi thẩm quyền, đồng thời báo cáo bác sĩ điều trị sớm nhất có thể.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật

Công tác theo dõi người bệnh mà người nhà tham gia cùng trong quá trình nằm viện theo quy tắc 5 ngón tay:

 

1. Hô hấp (ngón cái): đếm nhịp thở (người lớn bình thường 16-20 lần/phút), có khó thở không?, có nhiều dịch xuất tiết (đờm dãi) không?, có ho không?

 

2. Tuần hoàn (ngón trỏ): bắt mạch quay người lớn 60-80 lần/phút, sờ và cảm nhận da (ấm hay lạnh), môi và đầu chi (hồng hay tím).

 

3. Tri giác (ngón giữa): xem mức độ nhận biết của người bệnh với gia đình và môi trường xung quanh (tỉnh/ lơ mơ/ mê).

 

4. Dinh dưỡng (ngón áp út): ăn uống như thế nào? (miệng/ sonde/ tĩnh mạch), người lớn khoảng 30-40 kcal/kg tương đương 3 bát cháo thịt, 4 cốc sữa mỗi ngày.

 

5. Theo dõi khác (ngón út): nhiệt độ, vận động (yếu/ liệt), nước tiểu, đại tiện, vệ sinh cá nhân.

 

Tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi người bệnh và người nhà người bệnh vào viện và có chỉ định mổ sẽ được phát tài liệu hướng dẫn giáo dục sức khỏe trước mổ. 100% người bệnh và người nhà người bệnh nhận thấy các thông tin trong tài liệu có ích. 93% người bệnh/ người nhà người bệnh thấy có thể áp dụng được các thông tin này trong quá trình chăm sóc; 7% người bệnh/ người nhà người bệnh không liên hệ được các thông tin trong việc áp dụng vào thực tiễn vì là người cao tuổi, khả năng nhận thức được vấn đề kém hoặc là người dân tộc thiểu số.

 

Chăm sóc người bệnh chấn thương sọ não đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị người bệnh chấn thương sọ não, sự phối hợp giữa Bác sĩ – Điều dưỡng – Gia đình người bệnh là thực sự cần thiết, góp phần vào thành công của điều trị. Truyền thông về kiến thức cho người nhà người bệnh để tham gia vào quá trình theo dõi người bệnh, giúp xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh chấn thương sọ não, góp phần giảm thiểu biến chứng trong quá trình điều trị là mục tiêu chính để khoa hướng đến người bệnh. Cùng với các tài liệu giáo dục truyền thông sức khỏe, khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo có hiệu quả hữu ích, hướng tới sự chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook