Ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

20/06/2024 10:43

Ghép tạng là một trong 10 thành tựu y học lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Khi một bộ phận cơ thể bị suy giảm chức năng không thể hồi phục, ghép tạng là giải pháp duy nhất mang lại hy vọng sống cuối cùng của người bệnh. Ghép tạng, ban đầu chỉ là ước mơ đối với giới y học và bệnh nhân Việt Nam chẳng may bị suy tạng cần điều trị thay thế, đến nay sau 30 năm phát triển điều đó đã thành hiện thực với những bước phát triển đỉnh cao của y học nước nhà, đồng thời mở ra cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân đang khắc khoải giành sự sống.

 

Bệnh viện hữu nghị Việt Đức là một trong những trung tâm thực hiện những trường hợp ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam và hiện nay đứng đầu cả nước về ghép thận, ghép tim, ghép phổi, và ghép gan từ người cho chết não, tính đến thời điểm tháng 5 năm 2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công:

– 63 ca ghép tim

– 6 ca ghép phổi

– 120 ca ghép gan, trong đó 102 ca ghép gan từ người cho chết não

– 2000 ca ghép thận, trong đó 185 ca ghép thận từ người cho chết não

– Thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ 121 trường hợp chết não hiến tạng.

Trong suốt lịch sử phát triển, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đạt được nhiều dấu mốc nổi bật trong lịch sử ghép tạng:

 

1. Ghép thực nghiệm thành công từ năm 1965-1966

 

Thế giới bắt đầu nghiên cứu ghép tạng từ đầu thế kỷ XX, nhưng đến năm 1954 bắt đầu ghép thận thành công; năm 1963 ca ghép gan đầu tiên mới được tiến hành và đến năm 1967, ca ghép gan đầu tiên thành công.

 

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thực tế kỹ thuật ghép tạng đã được triển khai từ những năm 60 thế kỷ XX.

 

Thời gian đó, Y học Việt Nam còn thiếu thốn về trang thiết bị, cơ sở vật chất, thuốc men và nhân lực, song Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng – Cố Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã nghiên cứu ghép tạng và đã ghép thành công ở động vật từ năm 1965-1966. Mong muốn của Giáo sư Tôn Thất Tùng là sẽ thực hiện ghép gan, thận cho người vào những năm 1970. Nhưng khi đó, cả nước phải tập trung nhân lực, vật lực cho kháng chiến nên ý nguyện của Giáo sư đã không thực hiện được. Mặc dù vậy, với tầm nhìn chiến lược, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã gửi các kíp mổ đi học ở nước ngoài, chuẩn bị sẵn lực lượng cho ngành ghép tạng.

 

2. Năm 2000: Ghép gan thành công trên lợn nuôi 14 ngày.

 

Ở Bệnh viện Việt Đức, năm 2000 đã chính thức ghép thận thành công 2 ca, nhưng sau đó, vì thiếu kinh phí và trang thiết bị, nên việc ghép tạng không thể tiến hành tiếp.

 

Năm 2000, nghiên cứughép gan thực nghiệm trên lợn (thuộc đề tài của Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu một số vấn đề ghép gan để thực hiện ghép gan trên người tại Việt Nam”) đã được triển khai thành công tại BV.

 

Sự kiện lợn ghép số 13/tổng số 15 cặp lợn sống được 13 ngày sau ghép đã mở ra một cơ hội lớn cho kỹ thuật ghép gan của BV Hữu nghị Việt Đức nói riêng và cả nước nói  chung, là kết quả sau những chuỗi ngày miệt mài, say mê “khổ cứu” của các thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

3. Ngày 6/11/2007: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên ở Việt Nam

 

Đây là trường hợp bệnh nhân nữ 47 tuổi, bị ung thư gan trên nền gan xơ do viêm gan virus B, người hiến là cháu ruột của bệnh nhân. Với sự hợp tác giúp đỡ của các chuyên gia đến từ bệnh viện trường đại học quốc gia Đài Loan, các bác sỹ đã thực hiện lấy một phần gan của người cháu và ghép cho người bệnh. Thành công của ca ghép đã mở ra triển vọng cho việc cứu chữa những bệnh nhân bị ung thư gan, gan xơ do viêm gan virus tại Việt Nam.

 

4. Ngày 22/5/2010: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành ghép gan và thận từ người cho chết não.

 

Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt phát triển của ghép tạng Việt Nam nhờ thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu về ghép tạng từ người cho chết não. Ngày 22/5/2010, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công lấy đa tạng từ người hiến chết não để ghép gan và thận cho 3 người bệnh. Đây là ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam và cũng là ca lấy đa tạng để ghép cho nhiều bệnh nhân. Từ đó kỹ thuật lấy đa tạng từ người cho chết não để ghép đã trở thành thường quy tại bệnh viện.

 

5. Ngày 4/9/2015: Ghép tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt, 1.700 km bằng máy bay.

 

Lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận ca ghép tạng thành công mà tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt, 1.700 km bằng máy bay. Vượt qua hàng nghìn km trong sự lo âu, căng thẳng và đầy kịch tính, qua bàn tay, khối óc và trái tim của người thầy thuốc, những ‘trái tim’, ‘lá gan’ từ những người hiến tạng đã tái sinh cho nhiều bệnh nhân suy tạng.

 

đêm 4/9/2015, sau khi di chuyển được nguồn tạng hiến từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ra Hà Nội, ngay trong đêm các bác sĩ đã bắt tay vào ghép tim, gan cho một bệnh nhân nam gần 60 tuổi bị suy tim và bệnh nhân nam hơn 40 tuổi bị suy gan đang trong danh sách chờ ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị  Việt ĐứcViệc phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các trung tâm y tế trong cả nước đã khẳng định sự phát triển của kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam.

 

6. Ngày 12/12/2018: Thực hiện ca ghép phổi lịch sử: Ghép cùng lúc 2 lá phổi cho bệnh nhân ung thư phổi hiếm gặp từ nguồn đa tạng của người cho chết não

 

Ngành ghép tạng Việt Nam trải qua cảm xúc đặc biệt khi lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ghép đồng thời 5 tạng một lúc. Đặc biệt, các ca ghép tạng đều do các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Tổng số nhân lực tham gia đồng thời 5 ca ghép tạng lên tới gần 500 người.

 

Đó là ca ghép cùng lúc 2 lá phổi cho bệnh nhân ung thư phổi hiếm gặp từ nguồn đa tạng của người cho chết não là nam bệnh nhân 40 tuổi ở Ninh Bình. Ca ghép 2 phổi cho bệnh nhân bắt đầu 9h ngày 12/12 và kéo dài suốt 14 tiếng, kết thúc lúc 23h cùng ngày.

 

7. Ngày 23/8/2019: Thực hiện thành công 15 ca ghép tạng từ ngày 12 đến 18/8/2019.

 

Trong gần 1 tuần (từ 12/8 tới 18/8/2019) các thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện “tuần ghép tạng” với 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) với nguồn hiến đa tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (1 ca). Tất cả các ca ghép đều cho kết quả thuận lợi. Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn tiếp tực thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (1 gan, 4 thận). Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày. Điều đó thể hiện năng lực và tầm vóc của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, đồng thời cho thấy hiệu quả rất rõ rệt của công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng của các cơ quan, đoàn thể trên mọi miền đất nước.

 

8. Ngày 17/12/2019: Thực hiện thành công ca ghép gan – thận đồng thời đầu tiên tại Việt Nam.

 

Người bệnh M.S (59 tuổi, quốc tịch Lào). Điều trị đái tháo đường, cao huyết áp nhiều năm. Tháng 4.2019 phát hiện suy thận mãn kèm theo xơ gan (do rượu), đã được điều trị bảo tồn sau đó chuyển Việt Đức để xét ghép gan và thận. Khi vào viện người bệnh đã suy cả gan và thận, phải chạy thận chu kỳ, đã xuất huyết tiêu hóa 2 lần được điều trị nội khoa. Chẩn đoán của người bệnh khi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: suy thận độ IV, xơ gan tăng áp lực tĩnh mạch cửa, có chỉ định ghép gan và thận (Có thể ghép từng tạng hoặc đồng thời). Bệnh viện đã hội chẩn và quyết định sẽ ghép đồng thời (1 thì) cả gan và thận cho người bệnh từ người cho chết não để thay thế 2 tạng đã suy của người bệnh bằng 2 tạng mới (từ bệnh nhân chết não), như vậy sẽ tránh các nguy cơ của 2 cuộc mổ liên tiếp. Các chuyên gia của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, gây mê hồi sức, thận lọc máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… đã họp bàn quy trình kỹ thuật thực hiện ghép thành công đồng thời 2 tạng lớn trên cùng người bệnh

 

9. Ngày 5/2/2021: Ghép tim cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam nặng 16kg.

 

Các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã ghép tim thành công cho bệnh nhi L.X.H, 7 tuổi – nặng 16 kg (ở Hà Nội) vào ngày 1/2/2021. Đây là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tim từ một bệnh nhân người lớn chết não và đã được gia đình đồng ý hiến tạng.

 

10. Ngày 15/2/2023: Thực hiện thành công ca ghép đa tạng tim – thận đầu tiên tại Việt Nam.

 

Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim-thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Đây là ca ghép tim-thận thành công đầu tiên ở Việt Nam, khẳng định một bước tiến mới của ngành ghép tạng.

 

11. Ngày 11/1/2024: Chưa đầy 24 giờ, bệnh viện đã diễn ra 2 ca lấy mô, tạng từ người cho chết não mang lại sự sống cho 8 trường hợp.

 

Sáng 10/1, Bệnh viện Việt Đức đã thông tin với báo chí về việc liên tục trong không đầy 24h, tại Bệnh viện đã diễn ra 2 ca lấy mô, tạng từ người cho chết não mang lại sự sống cho 8 bệnh nhân.

 

Kết quả này góp phần tô đậm thêm thành tựu của ngành y tế Việt Nam, đó là khi cùng với nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến, việc làm chủ chuyên môn cao, chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, hậu cần và vai trò điều phối đã đem hết hy vọng về cuộc sống mới cho hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng…

 

12. Ngày 22/4/2024: Lần đầu tiên tại Việt Nam ghép gan thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp với nguồn tạng từ người hiến chết não

 

Ngày 14.4.2023, sau khi thực hiện chuyển phôi bệnh nhân thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, một ngày sau xuất hiện nói nhảm, kích động. và sau 6h đi vào hôn mê gan, suy đa tạng.

 

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với chẩn đoán suy gan cấp – hôn mê gan trên tiền sử viêm gan B và có chỉ định phẫu thuật ghép gan Ngày 22/04/2024, bệnh viện đã thực hiện ghép gan với nguồn tạng từ người cho chết não.

 

Sau 9 tiếng phẫu thuật, ca ghép kết thúc thành công, chức năng của gan ghép đã phục hồi. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật và sớm trở lại cuộc sống bình thường với là gan mới nhận từ người hiến tạng chết não.

 

Tagged in: Tags: