Trào ngược dạ dày – thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
14/06/2019 08:47
Trào ngược dạ dày- thực quản còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản có thể sinh lý, chức năng (không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể) hoặc bệnh lý có thể gây ra suy dinh dưỡng, viêm thực quản, và một số biến chứng hô hấp khác, thậm chí tử vong.
NGUYÊN NHÂN
1. Suy cơ thắt dưới thực quản
Cơ thắt dưới thực quản là cơ thấp nhất của thực quản nối với dạ dày. Bình thường cơ thắt dưới thực quản chỉ giãn mở ra khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên, vẫn có lúc trương lực cơ bị giảm và dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi có sự trào ngược của dịch dạ dày lên thực quản, dịch nhày thực quản với bicarbonat và nước bọt do có tính kiềm sẽ trung hòa axit của dịch vị làm giảm hoặc mất sự kích thích của dịch vị lên niêm mạc thực quản. Nhu động của thực quản sẽ đẩy dịch trào ngược trở xuống dạ dày. Khi bị suy cơ thắt dưới thực quản sẽ dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Các yếu tố gây suy cơ thắt thực quản: Rối loạn nhu động thực quản, giảm tiết nước bọt (hút thuốc lá,..), các thuốc kích thích β thụ cảm, ức chế α, kháng tiết choline, theophylline; các chất cafein, rượu, thuốc lá, chocolate hay thức ăn nhiều mỡ.
Thoát vị hoành
Cơ hoành là một cơ dẹt hình vòm phân chia khoang ngực và khoang bụng. Khi cơ hoành co thì làm tăng cường sức mạnh cho cơ thắt dưới thực quản ngăn cản trào ngược dạ dày thực quản. Khi bị thoát vị hoành, một phần dạ dày chi lên cơ hoành. Lúc này cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng mức với cơ hoành nên dễ xảy ra trào ngược.
2. Nguyên nhân tại dạ dày
– Ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày : Viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị… làm cho các chất trong dạ dày chậm lưu thông xuống ruột từ đó làm tăng áp lực trong dạ dày.
– Áp lực ổ bụng tăng đột ngột: Khi ho, hắt hơi hoặc gắng sức cũng có thể là nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản.
Một số nguyên nhân khác
– Stress làm tăng tiết cortisol: Cortisol làm tăng axit trong dạ dày, làm tăng trương lực co bóp của dạ dày, đẩy dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Stress làm rối loạn nhu động thực quản khiến cho cơ thắt thực quản trở nên nhạy cảm, việc giãn mở cơ xảy ra thường xuyên và kéo dài làm dịch vị trào ngược lên thực quản.
– Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính axit ( cam, chanh…) khi đói, ăn đồ ăn nhanh, chiên rán… gây áp lực cho trương lực của cơ thắt thực quản, dẫn đến cơ này bị yếu, đóng mở bất thường, gây chứng trào ngược.
– Những yếu tố bẩm sinh: Cơ thắt thực quản dưới yếu, bệnh nhân bị sa dạ dày, hay có thoát vị cơ hoành, chấn thương tai nạn… Ở trẻ nhỏ, trào ngược dạ dày thường được cho là sinh lý bình thường với triệu chứng điển hình là nôn trớ. Triệu chứng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn và sẽ mất hẳn khi trưởng thành.
– Béo phì: Cân nặng gây áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới khiến trương lực yếu đi, vì thế axit dạ dày và các chất dễ trào ngược hơn.
TRIỆU CHỨNG
Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua
– Ợ hơi lúc đói thường xuyên là triệu chứng cần nghĩ đến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
– Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ.
– Ợ chua xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng khi đánh răng. Ợ chua, ợ nóng cũng hay đi kèm với nhau. Bệnh nhân có cảm giác ợ lên, kèm theo vị chua trong miệng.
– Các triệu chứng ợ nói trên có thể sẽ tăng lên khi ăn no, khi uống nước, khi đang đầy bụng khó tiêu hoặc khi bạn cúi gập người về phía trước, nằm nghỉ hoặc ngủ vào ban đêm.
Buồn nôn, nôn
Triệu chứng này thường xuất hiện khi ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn. Người bệnh dễ bị nôn, buồn nôn hoặc có cảm giác mắc nghẹn thức ăn. Người bệnh cũng dễ bị nôn hơn khi bị say tàu xe, ốm nghén, hay dùng một số loại thuốc…
Đau, tức ngực
Người bệnh có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra lưng và cánh tay. Triệu chứng này là nguyên nhân khiến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch. Cảm giác đau này là đau ở đoạn thực quản phần chạy qua ngực. Axit trào ngược lên kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây ra cảm giác đau giống như đau ở ngực.
Khó nuốt
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi trở nặng khiến axit dạ dày trào ngược lên với tần suất lớn. Điều này sẽ gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản. Vì thế bệnh nhân có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ.
Khản giọng và ho
Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị khản giọng và ho liên tục. Hiện tượng này là do dây thanh quản khi tiếp xúc với axit dạ dày làm cho sưng tấy. Người bệnh sẽ bị khản giọng, khó nói và lâu ngày chuyển thành ho.
Miệng tiết ra nhiều nước bọt
Đây là phản xạ tự nhiên của miệng gặp acid chua trào lên sau khi ợ chua. Nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường để trung hòa axit.
Đắng miệng
Khi dịch vị trào lên có kèm theo dịch mật khiến người bệnh cảm thấy đắng miệng. Đây là biểu hiện của sự rối loạn thần kinh dạ dày, khiến cơ thể mở quá mức van môn vị và dịch mật trào ra.
Ngoài ra người bệnh có thể chán ăn, sụt cân, bị thiếu máu, hoặc chảy máu ở đường tiêu hóa.
ĐIỀU TRỊ
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các biện pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: Thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.
– Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu,… vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.
– Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa…), nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate…
– Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá. Không mặc quần áo quá chật, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.
– Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
TS.BS Dương Trọng Hiền – Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa