Nỗi đau chồng chất

04/08/2018 07:58

Bệnh nhân bị điện giật được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

Họ, đa số là lao động không qua đào tạo tìm ra phố, các công trình xây dựng “bán sức”. Do không được trang bị đầy đủ kỹ năng lao động, lại thiếu bảo hộ lao động, trang thiết bị cần thiết trên những công trình mà nhiều người không may đã gặp họa. Tiếc thay sự việc đó dù đã xảy ra nhiều năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

 

Ám ảnh chưa qua

 

8 giờ sáng ngày 17-7 vừa qua, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Hùng, một lao động tự do được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nửa thân người trên bị điện giật, cháy sém. Phần tóc cũng bị tia lửa điện làm cho cháy xoăn, khét lẹt. Anh Bùi Minh Bình, quê ở Thái Bình, người đưa anh Hùng vào viện cấp cứu cho biết: “Tôi và anh ấy mới gặp nhau hôm qua để cùng làm một công trình ở quận Đống Đa (Hà Nội). Tôi cũng chẳng biết anh ấy quê ở đâu, chỉ biết tên là Hùng. Chắc phải đợi anh ý tỉnh một chút rồi mới hỏi số điện thoại báo về gia đình được. Đầu giờ sáng, anh ấy dùng đục để đục sàn, chắc do dưới sàn có dây điện, anh ấy lại không dùng găng tay nên đã bị điện giật”.

 

Khi phóng viên ngỏ ý biết cụ thể công trình xây dựng đó ở phố nào, anh Bình nhìn quanh, rồi lắc đầu. Biểu hiện lo lắng như anh, chúng tôi đã gặp nhiều, bởi phần lớn do chủ sử dụng lao động bưng bít thông tin. Anh Bình chỉ chia sẻ thêm, bản thân cũng là lao động tự do, lên phố kiếm việc, không hề nghĩ đến mức độ rủi ro tiềm ẩn ở những công trình xây dựng. “Chắc từ nay tôi sẽ cẩn thận hơn khi làm việc”, anh Bình bộc bạch.

 

Cũng bị điện giật trong quá trình lao động, ngày 26-6-2016, tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An) đã xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng làm bốn người chết, ba người bị thương. Theo tìm hiểu, nhóm người ở xã Hạ Sơn đã được thuê để dựng cột viễn thông đi qua xã, không may cột bê-tông vướng vào đường dây điện cao áp. Những người dựng cột điện trực tiếp là lao động chưa qua đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn. Thậm chí họ cũng không được cấp các thiết bị bảo hộ trong quá trình làm việc. Trong bốn nạn nhân có một người là cán bộ địa chính xã, ba người là lao động đi làm thuê quanh năm, có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trương Văn Quyến, chú ruột của nạn nhân Trương Văn Quân, quệt nước mắt cho biết, cách đây hai năm vợ anh bỏ đi, để lại hai con nhỏ. Hằng ngày, Quân phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi cả nhà. Bây giờ tai họa giáng xuống, mẹ già và hai con nhỏ không biết trông cậy vào ai. Sự việc khiến gia đình, làng xóm vô cùng ám ảnh, cuộc sống của chúng tôi còn rất nghèo khổ.

 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Tấn Dũng đã có văn bản chỉ đạo Công ty cổ phần Đông Đông (đơn vị thuê người thi công gây tai nạn); Sở LĐ-TB và XH Nghệ An tập trung hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các nạn nhân, chia sẻ mất mát và kịp thời giải quyết chính sách cho nạn nhân và thân nhân họ.

 

Chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã có hàng chục vụ TNLĐ nghiêm trọng, như: Ngày 17-1, tại công trình xây dựng đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khiến ba người chết, ba người bị thương nặng; Ngày 7-5, tại một công ty đóng trên địa bàn huyện Kinh Môn (Hải Dương), vụ TNLĐ làm ba người tử vong, bốn người bị bỏng nặng. Gần đây, ngày 10-7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng xảy ra một vụ khiến hai người chết, một người bị thương… Các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu là tai nạn ngã cao, điện giật, công trình sập. Đáng chú ý, nạn nhân hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Lao động phải tự thương mình trước

 

Thực tế tại xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc (Hải Dương), hỏi thăm gia đình các nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông – Hà Nội) hôm 21-2-2012 làm năm người thương vong. Dù tai họa đã qua đi hơn sáu năm qua, nhưng nỗi đau đớn, hụt hẫng của những người thân vẫn còn đó. Chị Lê Thị Điển, vợ nạn nhân Nguyễn Tiến Sang, ôm tấm ảnh của chồng, khóc: “Chúng em thương nhau lắm. Anh ấy cứ bảo sẽ chịu khó đi làm xây dựng, kiếm tiền để dựng căn nhà. Vậy mà ước mơ chưa thành hiện thực thì… Em có một cô con gái và em chỉ ở vậy nuôi cháu thôi, không định đi bước nữa”.

 

Nạn nhân nặng thứ hai của vụ sập giàn giáo là anh Phạm Văn Toàn (thôn Nội, xã Toàn Thắng) bị gãy xương đùi, bốn xương sườn và đa chấn thương. Đến nay anh không còn khả năng đi xây dựng, mà cùng vợ làm gia công may tại nhà. Anh Toàn kể, những người lao động chân tay như chúng tôi chỉ biết có việc là làm, chứ không hiểu nhiều quy định của luật, nhất là còn trẻ thì ít quan tâm giữ gìn an toàn trong lao động, bảo hộ lao động.

 

Ở xã Toàn Thắng có hơn 30 tổ thợ xây dựng tự phát, trong đó thôn Bái Hạ có tới hơn 10 tổ, với khoảng 200 người thực chất là những người nông dân chỉ quen cày cuốc muốn kiếm thêm tiền cải thiện cuộc sống gia đình nên đã tìm đến những công trình xây dựng. Tổ thì xây dựng nhà cửa cho cá nhân, tổ khác tìm ra thành phố nhận làm công cho những chủ thầu phụ (chủ thầu phụ lại được chủ thầu lớn hơn thuê) và chịu biết bao khổ cực. Từ năm 2012 đến nay, không ít người là “biên chế” của các tổ tự phát này bị TNLĐ, thuộc lĩnh vực xây dựng. Ông Nguyễn Văn Huẫn – Trưởng thôn Bái Hạ (xã Toàn Thắng), nêu ra nỗi nhức nhối: “Ai cũng mơ làm giàu nhưng cần phải học cách bảo vệ mình trước. Việc nào nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất thì đến tay công nhân nhưng khi mất mạng hoặc tai nạn thì chỉ thiệt gia đình thôi, chứ chủ công trình ai người ta thương. Nếu mất mạng vì ước mơ thì thật đau quá! Vậy nên mong mỗi người phải tự bảo vệ mình trước”.

 

Túc trực ở phòng cấp cứu các bệnh viện, tôi nhận thấy số vụ TNLĐ thật khủng khiếp. Nỗi đau đớn về thể xác của các nạn nhân cũng thật khó diễn tả. Người thì cụt tay, người bị thanh sắt đâm xuyên ngang đầu, người bị máy làm gạch tiện một bên chân… Sáu tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 1.138 ca bệnh nhân bị TNLĐ từ các địa phương chuyển về, trung bình mỗi tháng khoảng 200 ca. PGS, TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) thốt lên: “Con số thống kê đã khủng khiếp, và một nửa trong số đó là tai nạn nặng và nghiêm trọng. Chưa kể những ca nhẹ người ta đã xử lý ở các tuyến dưới”. Ông Hùng nêu giải pháp, ở các công trình xây dựng, công trình khai thác khoáng sản, chủ sử dụng lao động nên đầu tư một chốt trực y tế chừng hai người, để có thể ứng phó trong lúc cần thiết.

 

Tai nạn đã xảy ra, nước mắt đã rơi. Nỗi đau chất chồng lên những gia đình nghèo, xóm nghèo khi có người thân không may gặp nạn. Xin dẫn lời một nạn nhân ngã công trình vừa được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Chúng ta không lường trước được hiểm họa, nhưng có thể cẩn thận hơn để giữ an toàn tính mạng.

 

PV Phú Xuyên/Báo Nhân dân

Tagged in: Tags: