Sinh hoạt Câu lạc bộ Parkinson lần thứ 3 năm 2019

15/05/2019 16:32

Ngày 16/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ thường niên với người bệnh Parkinson được phẫu thuật thành công bằng Kỹ thuật đặt điện não cực kích thích não sâu tại phòng họp giao ban Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1.

 

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh Parkinson. Đây là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi, nhưng tỷ lệ phát hiện bệnh parkinson ở người trẻ ngày càng gia tăng, có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới 40 tuổi.

 

Việc điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Ở những giai đoạn đầu, việc dùng thuốc thường đem lại hiệu quả ấn tượng và giai đoạn này được gọi là “thời kỳ trăng mật” (thường là 4-5 năm từ khi khởi phát bệnh). Tuy nhiên ở những giai đoạn sau này việc đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều điều trị và đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều biến chứng do việc sử dụng thuốc.  Với những thiết bị Việt Nam có, giá thành sẽ giảm nhiều, chi phí có thể chỉ khoảng hơn 30.000 USD (bằng 1/3 so với nước ngoài).

 

Kỹ thuật “kích thích não sâu” là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác. Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ứng dụng thành công đặt điện cực kích thích não sâu trong điều trị bệnh lý này. Tại Bệnh viện Việt Đức, hiện mỗi tháng cơ sở tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tới khám và điều trị. Đặc biệt số lượng bệnh nhân Parkinson đang có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng đến khả năng lao động, tạo gánh nặng bệnh tật cho gia đình và cơ sở y tế.

 

Parkinson là bệnh có những biểu hiện lâm sàng là triệu chứng vận động với biểu hiện điển hình là chứng run và co cứng cơ, chậm chạp, mất ổn định về tư thế, bệnh nhân đi lại dễ bị ngã. Triệu chứng ngoài vận động liên quan đến trầm cảm, tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật… Khi bị mắc chứng bệnh này, với những bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường có biểu hiện run ở phần ngọn chi và miệng, kèm theo có việc co cứng các cơ, động tác chậm chạp dẫn đến việc hạn chế vận động. Ở những giai đoạn sau khi bệnh, khi triệu chứng nặng dần lên, run và cứng cơ nhiều hơn khiến bệnh nhân bị mất ổn định về tư thế, dễ bị ngã khi đi lại, ngay những động tác đơn giản như cài khuy áo, tự mặc quần áo cũng không thể tự làm được. Người mắc bệnh Parkinson còn hay gặp các triệu chứng ngoài vận động như tiểu đêm, táo bón, trầm cảm…

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags: