Nhận biết và phòng tránh bệnh lóc động mạch chủ

12/04/2021 07:20

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc TT Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho người bệnh.

1. Cần biết:

 

– Bệnh lóc động mạch chủ (còn gọi là phồng lóc, lóc tách hay tách thành động mạch chủ) là tình trạng thành động mạch chủ bị dòng máu làm tách thành nhiều lớp. Đây là một bệnh lý xảy ra trên cả chiều dài hệ thống động mạch chủ cũng như các nhánh.

 

– Lóc động mạch chủ hết sức nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng do vỡ vào khoang màng tim hay suy tim cấp.

 

– Bệnh khi phát hiện thường phải phẫu thuật hoặc can thiệp, nhiều trường hợp phải mổ khẩn cấp. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, hoàn toàn có thể phòng và điều trị tốt loại bệnh đặc biệt phức tạp này.

 

2. Nguyên nhân – yếu tố nguy cơ

 

Bệnh lóc động mạch chủ liên quan chủ yếu đến tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, hút thuốc lá, thuốc lào. Một số bệnh lóc động mạch chủ có tính chất di truyền.

 

3. Triệu chứng

 

– Triệu chứng khởi phát thường là đau ngực dữ dội, lan ra sau lưng hoặc lên cổ.

 

– Một số ít biểu hiện đau bụng. Ngoài ra có những bệnh nhân biểu hiện như bị đột quỵ do tai biến mạch não hoặc nhồi máu cơ tim.

 

4. Biến chứng

 

Các biến chứng nguy hiểm nhất của lóc động mạch chủ là vỡ vào khoang màng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, suy đa tạng. Biểu hiện của các bệnh nhân khi có các biến chứng này là khó thở dữ dội, lơ mơ, mất ý thức, nhịp tim và huyết áp không đo được và cuối cùng là tử vong nhanh chóng.

 

5. Chẩn đoán

 

– Khám lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa.

 

– Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, ổ bụng.

 

– Siêu âm tim.

 

– Siêu âm hệ thống mạch máu.

 

– Siêu âm ổ bụng.

 

– Xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học.

 

6. Điều trị

 

– Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh bắt buộc phải điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa tim mạch.

 

– Điều trị thuốc kiểm soát huyết áp, nhịp tim, thuốc giảm đau khi chưa phẫu thuật hoặc chuẩn bị phẫu thuật.

 

– Phẫu thuật thay thế động mạch chủ bằng mạch nhân tạo hoặc can thiệp đặt giá đỡ nội mạch (stent) hoặc sử dụng đồng thời cả hai phương pháp này.

 

7. Phòng bệnh

 

– Loại bỏ các thói quen sinh hoạt có hại: hút thuốc lá, thuốc lào.

 

– Kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao.

 

– Hạn chế bia, rượu.

 

– Tất cả các bệnh nhân lóc động mạch chủ, dù chưa được can thiệp, phẫu thuật hoặc đã can thiệp, phẫu thuật đều phải đi khám kiểm tra định kỳ theo hẹn.

 

– Khám sàng lọc cho người thân của những người bệnh đã được bác sĩ kết luận là bệnh động mạch chủ di truyền.

 

Phòng Công tác xã hội

 

 

Tagged in: Tags: