Giá vật tư, hóa chất khác nhau giữa các bệnh viện vì sao?

26/05/2017 07:55

Liên quan đến thông tin phản ánh giá một số vật tư tiêu hao và hóa chất của bệnh viện Việt Đức trúng thầu cao hơn một số bệnh viện khác, cuối giờ chiều ngày 25/5, lãnh đạo bệnh viện Việt Đức đã có những giải đáp cụ thể với báo chí.

 

GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết, về công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế tiêu hao thường xuyên đã được bệnh viện Việt Đức thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả cao cả về mặt chuyên môn và hiệu quả kinh tế. Trong 5 năm liên tục gần đây, bệnh viện Việt Đức đã lập giá kế hoạch của năm sau thường bằng hoặc thấp hơn năm trước. Quá trình làm giá kế hoạch, bệnh viện có tham khảo nhiều giá, chất lượng của thiết bị, thuốc được mua ở các một số bệnh viện trung ương. “Do đó, có thể khẳng định, bệnh viện Việt Đức đang được hưởng mức giá tương đối ưu đãi cho các loại vật tư y tế tiêu hao thường xuyên”- ông Giang nói.

 

Về một số loại vật tư y tế liên quan đến thông tin giá đấu thầu vào bệnh viện Việt Đức cao hơn các bệnh viện khác, giám đốc bệnh viện Việt Đức cho rằng việc đưa ra so sánh vật tư tiêu hao của bệnh viện này với bệnh viện khác là do hiểu chưa sâu, so sánh khá khập khiễng. Cùng một tên hóa chất hay vật tư tiêu hao như thế nhưng có hàng trăm chủng loại khác nhau.

 

Ví dụ, đối với dây truyền huyết thanh, thông tin phản ánh cho biết đơn giá trúng thầu của bệnh viện Việt Đức là 18.000đ/bộ, trên thực tế ông Giang cho biết, giá mặt hàng này trúng thầu năm 2015 là 2.864 đồng/bộ với số lượng kế hoạch 542.768 bộ/năm, giá trúng thầu năm 2016 là 2.800 đồng/bộ, với số lượng 678.460 bộ/năm.

 

gs.ts_tran_binh_giang

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc bệnh viện Việt Đức trả lời báo chí chiều ngày 25/5

 

“Với đơn giá 18.000đ/bộ như thông tin phản ánh, gấp 5 lần so với bệnh viện Bạch Mai (1 dây truyền huyết thanh của bệnh viện Bạch Mai có giá là 3.675 đồng, trong khi tại bệnh viện Việt Đức mức giá lên tới 18.000 đồng) bởi đây là dây truyền dịch đặc biệt chuyên dùng trong ghép tạng, được bệnh viện đặt riêng cho nhóm bệnh nhân đòi hỏi yêu cầu khắt khe về độ vô khuẩn, nguy cơ tắc mạch. Số lượng này chỉ có 11.000 bộ/năm”- ông Giang thông tin.

 

Đối với hóa chất sử dụng trong xét nghiệm, theo phản ánh giá trúng thầu vào bệnh viện Việt Đức cao hơn bệnh viện Chợ Rẫy, ông Giang giải thích, loại bệnh viện Việt Đức mua hơn 5 triệu khác hoàn toàn loại hóa chất của bệnh viện Chợ Rẫy. Trong năm 2015, bệnh viện Việt Đức mua đến 4 loại hóa chất của 4 công ty cung ứng khác nhau, với các mức giá khác nhau cho cùng 1 loại hóa chất có tên gọi là Cleaning solution. Cụ thể, 1 loại có giá hơn 5 triệu đồng/can (Ailen) sử dụng cho máy xét nghiệm sinh hóa AU; loại 1,7 triệu/hộp (Đức) sử dụng cho các máy Cobas; 1 loại giá hơn 1,9 triệu/chai (của Nhật) sử dụng cho máy đông máu CP2000; 1 loại dùng cho máy đếm tế bào 22 thông số với giá 1 triệu đồng/chai (của Thụy Sỹ).

 

Theo ông Giang, bệnh viện dẫn chứng như vậy để thấy cùng một loại hóa chất nhưng của nhiều hãng khác nhau, với mục đích sử dụng khác nhau ở những dòng máy khác nhau và giá cũng khác nhau.

 

“Loại giống như bệnh viện Chợ Rẫy, giá trúng thầu vào bệnh viện Việt Đức  năm 2015 cũng có giá tương đương như bệnh viện Chợ Rẫy, với giá hơn 1,7 triệu đ/hộp”- GS.TS Trần Bình Giang cho biết.

 

GS.TS Trần Bình Giang cũng cho biết bệnh viện đã nhận được công văn khẩn yêu cầu báo cáo việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế của Bộ Y tế và đã yêu cầu bộ phận liên quan khẩn trương làm báo cáo cụ thể để gửi về Bộ Y tế.

 

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí về việc tại sao cùng một hóa chất nhưng giá đấu thầu vào Viện Huyết học truyền máu trung ương lại cao hơn bệnh viện Chợ Rẫy, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương cũng đã cho rằng, 1 thùng hóa chất Diff Timepac, 2x2075ml tại Viện Huyết học Truyền máu trung ương mua 42.607.000 đồng có mức giá tương đương như tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K. Cùng loại hóa chất này tại bệnh viện Chợ Rẫy có giá hơn 14 triệu đồng do khác về quy cách đóng góp, một bên là hộp, 1 bên là kit nên tính ra hàm lượng là khác nhau.

 

Theo PV Thái Bình/ Báo Sức khỏe đời sống

Tagged in: Tags: