Dư âm hạnh phúc của người bệnh được cứu từ tay tử thần để trở về với cuộc sống

03/04/2020 11:33

“Khó có thể diễn tả thành lời những điều tôi và bao người nhà bệnh nhân nghĩ về các em! Nửa như lắng sâu, nửa như trân quý, hơn thế là sự ngưỡng mộ đến khôn cùng!” là những lời tâm sự chân thành mà người nhà người bệnh dành cho TS Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa cùng các Điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

Trải qua khoảng thời gian chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị đã thầm cảm phục và trân quý tình cảm của các bác sĩ và điều dưỡng nơi đây. Rời Hà Nội và bệnh viện đã 1 tuần thế nhưng trong chị vẫn vẹn tròn dư âm hạnh phúc. Dưới đây là những dòng tâm tư của chị:

 

Nghĩ về em!

 

(Tặng BS Lưu Quang Thuỳ và các Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực 2)

 

Rời Hà Nội, rời Bệnh viện Việt Đức đúng 1 tuần thế nhưng trong tôi vẫn còn vẹn nguyên cái dư âm hạnh phúc – dư âm của người nhà bệnh nhân được cứu từ tay tử thần để trở về với cuộc sống! Tôi muốn viết cho em, Bác sỹ Lưu Quang Thuỳ và các em điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực 2 của Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội một điều gì đó!

 

Khó có thể diễn tả thành lời những điều tôi và bao người nhà bệnh nhân nghĩ về các em! Nửa như lắng sâu, nửa như trân quý, hơn thế là sự ngưỡng mộ đến khôn cùng! Những bệnh nhân được đưa về Khoa của các em là những bệnh nặng nhất gần như cả nước quy tụ lại! Họ đến Khoa các em khi cửa tử gần hơn sự sống, họ được đưa đến với hy vọng được bàn tay các em cứu sống sau ca đại phẫu kéo dài!

 

Cả Khoa các em có đúng 28 cái giường mà không bao giờ trống! 28 cái giường với nhiều máy móc thiết bị hiện đại phụ trợ cho việc cứu sống và hồi sức cho bệnh nhân! Công việc của các em như giành giật với tử thần sự sống vì thế bước chân em đi bao giờ cũng vội!

 

28 cái giường sau cánh cửa im lìm, sạch tinh không một tý bụi! Người nhà bệnh nhân chờ bên ngoài trong khắc khoải, lo toan! Chỉ cần bóng áo xanh ra trước cửa, cả mấy chục con người im lặng dõi theo. Em gọi tên người nhà bệnh nhân bằng số giường mà không gọi bằng tên người bệnh, Có thể vì gọn, vì cần nhanh, vì cần thiết để em có thời gian dành thêm sự sống???

 

Mỗi lần bước chân vào Khoa, người nhà chúng tôi không ai bảo ai đều rất nhẹ, nhẹ như sợ chạm vào cái không khí tĩnh lặng nơi đây, như sợ chạm vào cái hư vô mà cả bao nhiêu người đang hôn mê, bất tỉnh, như sợ làm lay động cái giấc ngủ vội vàng sau cơn đại phẫu kéo dài mà em đã ru họ bằng những dấu lặng vào thinh không?

 

Mỗi lần có người nhà được Bác sỹ gọi vào, cả mấy chục con người bên ngoài đều lo lắng: Liệu người nhà của họ có thể bị Bác sỹ báo rằng sự sống còn rất nhỏ hay không? Một tháng ở đây, tôi cũng từng chứng kiến nhiều niềm vui của mọi gia đình khi họ được chuyển khoa, chuyển tuyến nhưng cũng không ít lần thấy những giọt nước mắt xót xa của người nhà khi chiếc cáng cứu thương đẩy ra!

 

Đêm! Việt Đức tĩnh lặng lạ thường trong mùa dịch Covid, riêng Khoa em vẫn cứ tấp nập lạ thường! Bóng áo xanh lá cây thấp thoáng đi lại sáng đêm trong phòng, lần giở từng bệnh nhân, chuyền từng cốc sữa…Không ngủ được, tôi nhìn qua ô cửa kính: Áo em đẫm giọt mồ hôi mặn chát sau lưng!

 

Bệnh nhân Khoa em hầu như trong tình trạng cấp cứu. Vừa tỉnh lại mê, vừa chuẩn bị chuyển khoa lại hôn mê cần cấp cứu, vừa đỡ chút bệnh này lại có cái khác thứ phát kèm theo. Bởi thế, em vất vả hơn và căng thẳng hơn nhiều!
Hà nội những ngày này đang gồng mình chống dịch. Em vẫn bình thản lạ thường để cứu sống bệnh nhân, không hề kêu ca, phàn nàn, vẫn làm việc miệt mài trong cái màu áo xanh lá cây đầy hy vọng! Tôi đã yêu màu áo ấy, yêu thiết tha bóng dáng con người nơi đây, nơi đã hồi sinh cho bao con người trở về từ cõi chết!

 

Hà Nội đêm này trở gió! Có ai thấy bóng em vội vã trở về nhà sau ca làm việc mệt nhoài mà cảm thông chia sẻ? Có ai thấy được em đang đi dưới hàng hoa sữa thơm lừng để hít hà một chút khí trời dễ chịu của mùa xuân? Còn tôi, tôi ngưỡng mộ, khâm phục, trân quý những con người nơi đây, nơi ấy họ là những chiến sỹ thầm lặng! Nơi ấy có Bác sỹ Lưu Quang Thuỳ và các điều dưỡng Khoa Hồi sức Tích cực 2, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội!

 

Phòng Công tác xã hội

 

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook