Đau vai không nên chủ quan

21/09/2020 07:11

Đau vai là một tình trạng phổ biến, ước tính có khoảng 20% dân số từng bị đau vai trong suốt cuộc đời của họ. Tỷ lệ này chỉ đứng sau bệnh lý đau cột sống thắt lưng.

 

1.Giải phẫu khớp vai:

 

Khớp vai là một cấu trúc phức tạp, biên độ vận động lớn, bao gồm hai khớp:

 

Khớp ổ chảo: Xương cánh tay khớp nối với xương bả vai.

 

Khớp cùng vai đòn: Mỏm cùng vai nối với đầu ngoài của xương đòn.

 

Các mô liên kết cấu tạo nên bao khớp vai giúp cho chỏm xương cánh tay ở đúng vị trí trong ổ khớp. Bao khớp được lót bên trong bằng một màng hoạt dịch, tiết ra chất lỏng hoạt dịch bôi trơn và nuôi dưỡng cho khớp.

 

Gân, dây chằng và cơ cũng hỗ trợ khớp vai và giúp nó ổn định.

 

 

2. Nguyên nhân đau khớp vai

 

Có nhiều nguyên nhân gây ra đau vai gáy và không phải nguyên nhân nào cũng là do các rối loạn ở khớp vai. Các nguyên nhân bao gồm:

 

– Thoái hóa khớp vai.

 

– Viêm bao khớp: Bao hoạt dịch khớp bị viêm có thể trong bệnh cảnh viêm khớp dạng thấp, gút hoặc chấn thương…. Bao khớp dày lên, căng, giảm tiết dịch bôi trơn khớp, dẫn đến khớp khó vận động, đông cứng. tình trạng này cũng có thể xảy ra do quá trình bất động khớp kéo dài.

 

– Viêm bao hoạt dịch: Các túi hoạt dịch nhỏ chứa dịch nhầy giúp làm giảm ma sát giữa các cấu trúc như: xương, cơ và gân. Chúng nằm giữa các gân chóp xoay và mỏm cùng của vai.

 

– Thoái hóa gân, viêm gân, rách gân: Thường gặp các gân chóp xoay và gân nhị đầu.

 

– Chấn thương và bong gân.

 

– Cột sống cổ và ngực trên: Các bệnh lý dây thần kinh liên quan ở cổ và ngực trên cũng có thể là nguồn gốc của đau vai. Cơn đau thường từ cổ và lưng trên lan xuống phía sau khớp vai và/hoặc ra phía trên ngoài cánh tay.

 

– Tổn thương dây thần kinh nách.

 

– Đau xuất chiếu: Một số các bệnh lý cơ quan khác có thể làm xuất hiện tình trạng đau vai như: sỏi mật, đau thắt ngực, đau tim, viêm phổi, u phổi….

 

3.Triệu chứng đau vai

 

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau. Người bệnh có thể có các triệu chứng:

 

– Đau sâu trong khớp vai, ở sau hoặc trước vai và phần trên của cánh tay. Vị trí và loại đau có thể liên quan đến cấu trúc gây ra cơn đau.

 

– Giảm cử động và đau khi cử động vai.

 

– Yếu vai/cánh tay trên. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, có thể có cảm giác khớp trượt ra ngoài và quay trở lại ổ khớp hoặc vai có thể bị trật hoàn toàn (trật khớp).

 

– Cảm giác kim châm (ngứa ran) và đau rát. Điều này có nhiều khả năng liên quan đến các dây thần kinh từ cổ hơn là chính khớp vai.

 

– Giảm vận động sau khi bị trật khớp vai. Điều này thường là do đau. Rách hoàn toàn gân chóp xoay và chấn thương dây thần kinh nách đều gây ra yếu khi đưa cánh tay ra khỏi cơ thể.

 

4.Điều trị

 

Tùy theo nguyên nhân gây đau khớp vai mà bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh. Điều trị sớm có tiên lượng phục hồi tốt hơn. Dưới đây là một số phương pháp điều trị đối với các bệnh lý tại khớp vai:

 

– Chế độ sinh hoạt và vận động:

 

Bất động tương đối khớp vai, không bất động tuyệt đối. Người bệnh vẫn họat động và sinh hoạt bình thường với khớp vai bên đau, nhưng không làm các động tác vận động đột ngột, nên dừng các động tác ở tầm vận động khi thấy đau. Giảm hoặc tránh các hoạt động đưa tay lên cao, tăng sức tải lên khớp vai.

 

– Vật lý trị liệu: Bao gồm các phương pháp điều trị giúp giảm đau trực tiếp (nhiệt, siêu âm, điện xung, điện di ion, xoa bóp) và các bài tập kéo giãn và tăng cường nhằm cải thiện chức năng vai tổng thể. Phương pháp và trọng tâm của vật lý trị liệu được xây dựng riêng tùy theo căn nguyên gây bệnh. Hiệu quả của vật lý trị liệu được tối ưu khi chẩn đoán chính xác và người bệnh tích cực tham gia vào quá trình phục hồi chức năng hàng ngày.

 

– Thuốc uống: Kiểm soát cơn đau là bắt buộc trong tiến trình điều trị. Việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), acetaminophen, hoặc thuốc opiate ngắn hạn có thể giúp đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên các nguy cơ và lợi ích của mỗi loại thuốc cần được cân nhắc trước khi sử dụng.

 

– Thuốc tiêm: Người bệnh rối loạn khớp vai mạn tính đáp ứng kém với các phương pháp điều trị trên, có thể tiêm corticosteroid kết hợp với thuốc gây tê cục bộ. Thuốc sẽ được đưa vào vùng bị tổn thương, như khoang dưới mỏm cùng vai, khớp vai hoặc khớp cùng vai đòn, bao gân. Tiêm dưới mỏm cùng vai trong bệnh lý chóp xoay là một lựa chọn điều trị được đồng thuận bởi Viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS).

 

 

Đối với các bệnh lý viêm dính bao khớp được chứng minh là đáp ứng với tiêm thuốc nội khớp với mục tiêu giảm đau và tăng khả năng vận động khớp, đặc biệt khi kết hợp với vật lý trị liệu để kéo giãn.

 

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) cung cấp tiểu cầu tự thân và các yếu tốt tăng trưởng như: yếu tố tăng trưởng biến đổi beta, yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi, yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu và yếu tố tăng trưởng mô liên kết, kết hợp với nồng độ cao của tiểu cầu được hoạt hóa, kích thích chữa bệnh và thúc đẩy tăng trưởng của cơ và gân. 

 

Dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc C-arm giúp đưa thuốc tiêm vào chính xác vùng bị tổn thương và mang lại hiệu quả tốt hơn.

 

– Điều trị can thiệp: Điều trị can thiệp qua nội soi chỉ đặt ra khi đứt hoàn toàn gân cơ chóp xoay. Trường hợp gân cơ chóp xoay rách không hoàn toàn, chỉ định điều trị nội khoa mà không cần can thiệp. Khi điều trị nội khoa thất bại, có thể cân nhắc điều trị can thiệp nội soi để khâu phục hồi gân.

 

TS.BS Nguyễn Đình Hòa, Khoa Phẫu thuật Cột sống

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook