Cảnh báo: Ho khan kéo dài chữa mãi không khỏi, đi khám phát hiện bị trào ngược dạ dày – thực quản

23/06/2019 17:04

Suckhoedoisong.vn – Các chuyên gia phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá- BV Việt Đức cho hay nhiều khi ho không phải bởi đường hô hấp bị viêm nhiễm mà lại do dạ dày có vấn đề do đang phải chịu đựng những cơn trào ngược…

 

Ho khan kéo dài uống vài đợt kháng sinh bệnh vẫn không khỏi

 

Chia sẻ thông tin với TS.BS Lê Việt Khánh- Phó trưởng Khoa Cấp cứu tiêu hoá, BV Việt Đức tại buổi khám, tư vấn và nội soi miễn phí đường tiêu hoá diễn ra tại BV Việt Đức ngày 22/6, ông Nguyễn Tiến Ph. (56 tuổi) đến từ Bắc Giang cho biết hơn 1 năm nay ông bị ho khan kéo dài nhưng chữa mãi không khỏi. Lúc đầu chỉ là những đợt húng hắng ho, sau đó tình trạng này nặng thêm.

TS.BS Lê Việt Khánh thăm khám cho bệnh nhân

Đi khám, ông Ph. đã được chỉ định uống kháng sinh, nhưng sau 3 đợt điều trị kháng sinh, bệnh vẫn không đỡ, cùng đó tình trạng họ, tức ngực, khó thở nhiều hơn…

 

Lo lắng mình bị ung thư phổi, ông Ph. lại đi khám, chụp chiếu, nội soi, lúc này ông được phát hiện mắc bệnh lý trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày

 

Theo TS.BS Lê Việt Khánh, trường hợp của bệnh nhân Ph. Không phải là hiếm gặp. Đã có không ít bệnh nhân đến khám ở BV Việt Đức với tình trạng như bệnh nhân Ph.

 

“Nhiều khi ho không phải bởi đường hô hấp bị viêm nhiễm mà lại do dạ dày có vấn đề do đang phải chịu đựng những cơn trào ngược. Ho do trào ngược dạ dày thực quản dù rất thường xảy ra nhưng lại ít khi được quan tâm. Nhiều bệnh nhân được phát hiện trào ngược thực quản cho biết trước đó họ từng gặp bác sĩ nhiều lần, uống nhiều loại thuốc ho, thậm chí cả kháng sinh liều cao nhưng ho vẫn hoàn ho trong một thời gian dài”- TS Khánh cho hay.

 

Cũng theo TS Lê Việt Khánh, do dấu hiệu của bệnh lý trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày rất nghèo nàn nên đôi khi cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân thường chỉ quan tâm đến bệnh lý của đường hô hấp chứ ít khi chú ý đến bệnh lý của đường tiêu hóa. Chỉ đến khi bệnh nhân kể thường có các dấu hiệu như ợ hơi, ợ chua nóng ran, tức ngực, khó thở và có cảm giác đau rát ở giữa ngực… lúc này nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh lý đường tiêu hoá, bác sĩ mới chỉ định nội soi thực quản, dạ dày.

 

Nhiều trẻ nhỏ dưới 10 tuổi đã bị viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP

 

TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hoá cho biết, tỉ lệ bệnh nhân đến khám vì rối loạn chức năng đường tiêu hóa gia tăng nhanh trong nhiều năm trở lại đây.

 

“Trung bình mỗi ngày Khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hoá khám khoảng 20 trường hợp liên quan đến bệnh lý dạ dày, trong đó mỗi tuần có khoảng năm trường hợp bệnh nhân phải phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Đa phần bệnh nhân đến khám với triệu chứng lâm sàng về đường tiêu hoá như: Ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, ách tức dạ dày, đầy hơi, nôn ra máu, có máu trong phân…. ”- TS.BS Dương Trọng Hiền thông tin.

 

Trong khoảng gần 100 ca bệnh nhân đến khám và tư vấn miễn phí ngày 22/6 có rất nhiều người đang trong độ tuổi lao động mắc các bệnh rối loạn chức năng tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày cấp, mãn tính; rối loạn ruột kích thích, đầy bụng khó tiêu…

Hai bé gái được TS.BS Dương Trọng Hiền thăm khám, tư vấn bệnh lý viêm dạ dày, trong đó cháu bé 7 tuổi đã bị HP dạ dày

Hầu hết bệnh nhân đều ở độ tuổi lao động. Trong số này, tỉ lệ người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) cũng khá cao.

 

“Ngay trong khi thăm khám, chúng tôi cũng tiếp nhận 3 bệnh nhi từ 4-10 tuổi bị viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP. Việc trẻ nhỏ nhiễm HP có thể do chất lượng vệ sinh môi trường sống, thói quen ăn uống hoặc hệ miễn dịch kém…. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là cần điều trị, và không phải nhiễm HP là đều bị ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị”- TS Hiền lưu ý.

 

“Kẻ thù” của bệnh lý dạ dày là ai?

 

40% người trong độ tuổi lao động mắc bệnh lý này do tần suất thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống và đặc biệt là việc gia tăng áp lực trong công việc. Trong đó, ban đầu mọi người chủ quan nghĩ chỉ là rối loạn chức năng tiêu hóa bình thường nhưng không ý thức để thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi ăn uống, giảm stress…

 

“Rối loạn tiêu hóa thường xuyên liên quan chế độ ăn uống hoặc do chế độ nghỉ ngơi. Đa phần cơ thể tự điều chỉnh và đi qua nhanh. Tuy nhiên khi tần suất gặp nhiều mà không được khám và giải quyết nguyên nhân cụ thể sẽ dẫn tới tổn thương thực thể, khiến việc điều trị khó khăn hơn”- TS Hiền nói.

 

Theo đó, nếu quá trình rối loạn tiêu hóa không được xử lý sẽ trở thành vòng xoáy bệnh lý. Khi bị trào ngược dạ dày, dịch vị trào lên khoang miệng làm mòn men răng, gây ê buốt răng, viêm họng mãn tính. Tổn thương ở thực quản viêm trợt nếu không điều trị kéo dài sẽ gây loạn sản, tổn thương dạng tiền ung thư. Với dạ dày – tá tràng, viêm cấp tính dễ điều trị nhưng nếu đã viêm mãn tính thì việc điều trị khó khăn hơn.

Bệnh nhân đến thăm khám miễn phí ngày 22/6 được nhân viên y tế của BV Việt Đức đón tiếp tận tình

Về nguyên nhân gia tăng nhiều các ca rối loạn chức năng tiêu hóa phải điều trị trong những năm gần đây, TS Hiền phân tích, nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng đồ uống kích thích; stress trong công việc; sử dụng thuốc do điều trị bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp… gây nên rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, trong đó stress là yếu tố làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý dạ dày.

 

Việt Nam có tới 70% dân số có nguy cơ mắc bệnh lý dạ dày, 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới gấp bốn lần so với nữ giới. Đặc biệt, ung thư dạ dày đang ngày càng trẻ hóa, đa phần dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%.

 

Do đó, BS Hiền khuyến cáo, để tránh những bệnh lý về dạ dày cần ăn uống thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh, ăn đúng giờ, đúng bữa. Những người đã có rối loạn phải ăn chậm, ăn ít một sẽ cải thiện các chức năng. Người có liên quan đến những công việc lo âu, stress phải thay đổi sinh hoạt, tăng thời gian nghỉ nhiều hơn để cải thiện tình trạng stress, tránh được tổn thương thực thể.

 

PV Thái Bình/Báo Sức khoẻ & Đời sống

 

Tagged in: Tags: