Bị cả đàn chó 10 con tấn công, một bé trai tử vong thương tâm

04/04/2019 09:01

Suckhoedoisong.vn – Thông tin từ BV Việt Đức sáng 4/4 cho hay, tối qua, Bệnh viện tiếp nhận trường hợp cháu bé bị đàn chó tấn công (ở Hưng Yên). Tuy nhiên đến 23h30 gia đình đã xin cho cháu về nhà vì không còn khả năng cứu chữa.

Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng đồng tử 2 bên giãn, không đo được huyết áp, đa vết thương, vết thương 2 vai, vết thương bẹn 2 bên…

Trước đó, ở Hưng Yên, Bệnh nhân đã được cấp cứu truyền 4 đơn vị máu và đã ngừng tim 01 lần.

 

Do tình trạng bệnh nhân nặng, không có khả năng cứu chữa nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

 

Theo thông tin phản ánh, sự việc trên xảy ra vào khoảng 18h tối 3/4, tại sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Trong lúc bé trai khoảng 7 tuổi đi qua khu vực vận động Kim Động cũ thì bị nhiều con chó tấn công.

 

Phát hiện sự việc, người dân chạy đến giải cứu cháu bé và đưa nạn nhân đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

 

Người dân địa phương kể lại, đàn chó đó có hàng chục con cùng lao vào cắn đã gây nên cái chết thương tâm cho bé.

 

Trả lời trên báo chí, đại diện UBND thị trấn Lương Bằng xác nhận sự việc nghiêm trọng trên. Dù được cứu chữa tích cực nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé đã không qua khỏi.

Hiện trường cháu bé bị đàn chó tấn công.

Đáng chú ý, đây không phải vụ việc hi hữu, thời gian gần đây rất nhiều trường hợp chó nhà nuôi cắn người khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, không ít trường hợp trong số đó đã tử vong.

 

Điều này cũng cảnh báo một thực trạng nuôi nhốt chó không an toàn gây nhiều bức xúc và ám ảnh trong dư luận. Do đó, các gia đình nuôi chó mèo cần có ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

 

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

 

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

 

Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.

 

PV Dương Hải/Báo Sức khỏe & Đời sống

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook